Mất trắng mùa vì cấy giống lúa giả VST-899
Vụ xuân 2024, nhiều người dân ở huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) lên mạng xã hội mua giống lúa VST-899 về sản xuất, gieo cấy. Giống lúa VST-899 được giới thiệu trên mạng xã hội với những lời quảng cáo có cánh như giống lúa siêu năng suất, nhập khẩu 100%, cho sản lượng rất cao 12 tấn/ha, cao gấp 5 lần giống lúa thông thường.
Giống lúa này cũng được quảng cáo là cây to, khỏe, bông lớn, sai hạt. Không chỉ cho năng suất cao mà giống lúa VST-899 còn có khả năng kháng sâu bệnh, có thể chịu được mọi sự khắc nghiệt của thời tiết như mưa bão, hạn hán, lũ lụt…
Theo chị Hà Thị Hạt và chị Hoàng Thị Huệ (trú tại xã Tân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ), vài tháng trước, nghe giới thiệu lúa giống mới năng suất cao vượt trội, các chị quyết bỏ tiền mua giống lúa VST-899 với giá 75.000 đồng/kg ở nhà cô Tuyên cùng xã về gieo cấy.
Sau khi trồng, cây lớn lên bình thường. Nhưng đợi mãi, cây lúa xanh um, nhiều lá mà vẫn không thấy trổ bông, hoặc có chỗ ra bông nhưng toàn hạt lép. Đến lúc này, các chị mới tá hỏa, biết bị lừa.
“Thế là vụ lúa này mất trắng. Buồn chán, báo cho người bán giống lúa cho mình thì họ bảo chỉ biết bán chứ không biết tại sao lại như thế” – chị Huệ giọng buồn thỉu cho biết.
Ngay khi nắm bắt được việc người dân gieo cấy lúa VST-899 không trổ bông, Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) đã có văn bản đề nghị Sở NNPTNT các địa phương trên cả nước tăng cường thanh, kiểm tra sản xuất, buôn bán giống cây trồng nông nghiệp trên thị trường.
Theo Cục Trồng trọt, thời gian qua ở Phú Thọ, Thái Bình, Hà Nam và một số địa phương khác có bán giống lúa VST-899. Tuy nhiên, giống lúa VST-899 là giống lúa bị cấm sử dụng, còn Quyết định số 766/QĐ-BNN-TT ngày 7/3/2022 lưu hành trên mạng là giả mạo.
Nguyên nhân bởi giống lúa VST-899 chưa được cấp quyết định công bố lưu hành; chưa được bất cứ một tổ chức, cá nhân nào đăng ký thực hiện cấp quyết định lưu hành.
Cục Trồng trọt đề nghị Sở NNPTNT các tỉnh, thành phố tập trung rà soát, thanh tra, kiểm tra những đơn vị sản xuất, buôn bán giống lúa nói riêng và các giống cây trồng nông nghiệp khác nói chung trên địa bàn, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm và báo cáo về Cục Trồng trọt.
Người dân thiệt hại do dùng giống lúa VST-899 sẽ được hỗ trợ
Ngày 13/6, trao đổi với PV Dân Việt, Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn Nguyễn Xuân Toản cho biết, huyện vừa có báo cáo nhanh về việc người dân mất mùa, thiệt hại kinh tế khi sử dụng giống lúa VST-899 vụ chiêm xuân 2024.
Theo đó, vụ xuân 2024, huyện Tân Sơn gieo cấy 21,66ha lúa VST-899; tập trung nhiều nhất tại các xã Tân Sơn (8,3ha), Lai Đồng (3,28ha), Thu Ngạc (2,8ha), Kiệt Sơn (2,0ha)… Tuy nhiên, toàn bộ diện tích này không có bông hoặc bông bị lép, dẫn đến nông dân mất trắng vụ lúa, thiệt hại kinh tế. Số hộ bị thiệt do gieo cấy lúa VST-899 lên đến 338 hộ, trong đó có 34 hộ nghèo của huyện Tân Sơn.
Cũng theo lãnh đạo huyện Tân Sơn, người dân xem thông tin quảng cáo về giống lúa VST-899 qua mạng xã hội Facebook, rồi đặt mua về gieo trồng. Bên cạnh đó, khi thấy người dân có nhu cầu, một số cơ sở, hộ kinh doanh giống trên địa bàn huyện Tân Sơn cũng đặt mua qua điện thoại quảng cáo trên các trang mạng hoặc trực tiếp qua Facebook để về bán. Bà con huyện Tân Sơn mua giống lúa VST-899 với mức giá 70.000-80.000đồng/kg.
Khi gieo cấy giống lúa VST-899, giai đoạn đầu lúa sinh trưởng bình thường, đến kỳ làm đòng, trổ bông mới thấy bất thường. Diện tích hơn 21ha lúa đã không trổ bông hoặc bông hạt lép. Tuy nhiên, khi liên hệ với người bán thì không thể liên lạc được.
Hiện nay, huyện Tân Sơn đã vào cuộc kiểm tra và nhận định, đây là sự việc chưa có tiền lệ nên người dân chủ quan, dẫn đến mua phải giống lúa giả do tiếp cận thông tin quảng cáo trên mạng xã hội.
Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng triển khai biện pháp cấp bách, rà soát chi tiết đối tượng hộ dân bị thiệt hại do sử dụng giống lúa VST-899, kịp thời hỗ trợ hộ gặp khó khăn; làm rõ trách nhiệm các đại lý, hộ kinh doanh đã bán giống lúa VST-899 cho người dân và yêu cầu thực hiện phương án đền bù trên cơ sở thỏa thuận, tuyệt đối không để xảy ra tình huống mất an ninh liên quan đến sự việc; tăng cường vai trò tư vấn, cung cấp dịch vụ của hệ thống khuyến nông từ huyện đến cơ sở…
UBND huyện Tân Sơn cũng đề nghị Sở NNPTNT Phú Thọ quan tâm, chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo, ngăn chặn hiện tượng buôn bán, sử dụng giống lúa chưa được công bố lưu hành trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, UBND huyện Tân Sơn Cục quản lý thị trường Phú Thọ chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giống và vật tư nông nghiệp nhằm ngăn chặn việc buôn bán, lưu thông hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn huyện Tân Sơn nói riêng, tỉnh Phú Thọ nói chung.
Ngoài ra, đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát, định hướng truyền thông nhằm ngăn chặn, xử lý tình trạng quảng cáo giống cây trồng, vật tư nông nghiệp cũng như các mặt hàng kinh doanh có điều kiện trên mạng xã hội…
Nguồn: https://danviet.vn/nong-dan-phu-tho-mat-trang-vi-cay-giong-lua-gia-vst-899-20240613144837245.htm