Tuổi Trẻ Online vừa trở lại dự án nâng cấp, mở rộng đường Lê Thánh Tông (TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) thì nhận thấy tất cả máy móc, thiết bị đã rút khỏi công trường vì thiếu đất đắp, vi phạm.
“Trộm” đất đắp để làm dự án
Trước đó, khoảng tháng 4-2023, đơn vị trúng thầu thi công đường Lê Thánh Tông rầm rộ dùng máy múc đào bới, xe tải lớn ầm ầm chở đất từ một quả đồi về đổ đắp cho công trình. Sau khi báo chí đưa tin, địa phương vào cuộc, việc múc trộm đất bị tạm dừng và dự án cũng dang dở từ đó.
Trả lời phóng viên khi đó, ông Lê Đức Thịnh – giám đốc Công ty TNHH MTV Thịnh Thành Đắk Nông (đơn vị trúng thầu thi công dự án) – cho biết đến cuối tháng 4-2023, ông đã đưa được khoảng 50.000m3 đất về công trình thì bị tạm dừng.
“Hiện tỉnh chưa có mỏ đất nào được cấp phép để làm vật liệu san lấp. Vì tiến độ công trình, chúng tôi buộc phải tự tìm nguồn đất”, ông Thịnh giãi bày.
Tương tự, cuối năm 2023, một quả đồi tại buôn Cuôr Đăng B (xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk) “bị trộm” để làm đất đắp tại gói thầu ở Km 9 – Km 11 đường tránh Đông Buôn Ma Thuột.
Một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk cho biết dự án đường tránh Đông được phê duyệt 11 điểm mỏ vật liệu (các mỏ đá). Đất khai thác ngoài phạm vi 11 mỏ được phê duyệt đều không đúng hồ sơ thiết kế, đó là hoạt động khai thác trái phép.
Đây chỉ là 2 trong hàng trăm công trình tại Đắk Lắk và Đắk Nông bị thiếu đất đắp, dự án bị dang dở.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa – giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông – khẳng định thiếu đất đắp đang là mối lo lắng lớn nhất tại các dự án ở tỉnh này. Theo ông, riêng một số dự án ở TP Gia Nghĩa thiếu gần 1 triệu mét khối đất và đã phải tạm dừng thi công.
Nút thắt từ… quy hoạch
Một điều hết sức nghịch lý là Đắk Lắk và Đắk Nông có nhiều công trình phải “đỏ mắt” tìm đất đắp dù là hai tỉnh miền núi, chất lượng đất đắp rất tốt.
Theo lý giải của các địa phương, nút thắt nằm ở quy hoạch chậm khiến đến nay các mỏ đất được cấp phép chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Như dự án đê ngăn lũ phía nam sông Krông Ana (huyện Lắk) còn thiếu 120.000m3đất nhưng đến nay tỉnh Đắk Lắk vẫn đang hướng dẫn các nhà đầu tư lập hồ sơ thăm dò khai thác mỏ đất.
Tình trạng dự án bị loại, chậm tiến độ, trong đó có các dự án mỏ vật liệu do vướng quy hoạch tại Đắk Nông lại càng căng thẳng. Ông Hồ Văn Mười – chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông – nói 1/3 diện tích của tỉnh, với 1.067 dự án không triển khai được, tỉnh nợ dân quá nhiều.
Trong hơn 1.000 dự án này, hầu hết các dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật giao thông, các dự án khu tái định cư, ảnh hưởng lớn đến dân sinh.
Trong quy hoạch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh đã xác định có 112 mỏ đất san lấp. Diện tích các mỏ quy hoạch là 1.053,57ha và tổng trữ lượng trên 79 triệu mét khối.
Tuy nhiên khi triển khai thực hiện cấp phép các mỏ có quá nhiều vướng mắc, chưa thể tháo gỡ. Tỉnh Đắk Nông đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản hướng dẫn thủ tục pháp lý và phương pháp việc thu hồi, bảo vệ bô xít theo quy định trên khu vực được cấp mỏ đất.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông Trần Đình Ninh, có 425 dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh nằm trong vùng quy hoạch thăm dò, khai thác bô xít đang gặp khó khăn, vướng mắc trong thu hồi, bảo vệ khoáng sản.
Việc này nếu không được tháo gỡ sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ, nguy cơ đội vốn, bị cắt vốn.
Nguồn: https://tuoitre.vn/hang-tram-du-an-dung-banh-do-thieu-dat-dap-vuong-quy-hoach-20240623194743215.htm