Trước khi được Công an huyện Mộc Châu hỗ trợ khoan giếng thì người dân nơi đây chỉ có nguồn nước duy nhất được dẫn về từ trên núi. Có lẽ bởi những lý do này, nên Hang Táu được gọi là “làng nguyên thủy” trên cao nguyên.
Hang Táu, theo tiếng địa phương có nghĩa là bãi đất trống, hay cái lòng chảo. Cách trung tâm thị trấn Mộc Châu chừng 20km, từ ngã ba Tà Số lên tới Hang Táu là quãng đường vừa để trải nghiệm, vừa chiêm ngưỡng trước khi du khách “thâm nhập” làng nguyên thủy.
Hang Táu bình yên ở mọi góc nhìn. |
Con đường chỉ hơn 3km nhưng là thử thách đối với tất cả các tay lái mô-tô cừ khôi, bởi độ cheo leo và hiểm trở. Những con dốc khi lên thì dựng ngược, khi xuống thì hút sâu. Hai bên mặt đường bị xói lở, trơ ra rãnh đá lổn nhổn, cái “sống trâu” gồ ghề trồi lên ở giữa, cảm giác chỉ vừa đủ cho bánh xe lăn.
Một quy tắc bất thành văn là, khi hai xe đi ngược chiều, phần ưu tiên sẽ thuộc về xe đang chở khách, hoặc xe chở khách đang đà lên dốc. Nếu thực sự không vững lái, thì một lời khuyên dành cho du khách là nên gửi lại xe tại bãi đỗ và yên tâm ngồi sau tay lái của những người đàn ông bản địa, có kỹ năng và kinh nghiệm điểu khiển xe máy tuyệt vời.
Các chàng trai bản địa thật sự là những tay lái cừ khôi. |
Nhưng bù lại, đây là cung đường mãn nhãn, nhất là mùa xuân bởi cảnh sắc thiên nhiên phong phú, bên là núi, bên đồng xanh, đi xuyên qua những thung lũng mận trắng, cải vàng như những mảng màu rực rỡ trên nền xanh bát ngát. Làng nguyên thủy Hang Táu nằm trọn trong thung lũng bốn bề là núi, là nơi cư trú lâu đời của hơn 20 hộ gia đình người Mông. Để lại sau lưng không gian hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, bước qua cổng làng, du khách như chạm tới một nơi chốn bình yên đến lạ, gần như biệt lập với cuộc sống bên ngoài.
Những ngôi nhà nhỏ bình yên bên sườn núi. |
Mấy chục nóc nhà lặng lẽ bên sườn núi, bao quanh thung lũng rộng hơn 1ha. Những em nhỏ dân tộc Mông áo váy sặc sỡ, hai má hây đỏ, hồn nhiên nô đùa trên bãi cỏ dưới cái nắng hanh hao nhưng không e ngại khi du khách ân cần thăm hỏi. Lợn, gà, dê, bò thủng thẳng quanh những phiến đá nhấp nhô. Gặp khi thời tiết ưu ái, du khách tha hồ chiêm ngưỡng và ghi lại những khung hình tuyệt đẹp bởi cảnh quan tựa những thước phim với không gian đất trời hòa quyện.
Trước đây, chưa nhiều người biết đến địa danh này thì cuộc sống của cư dân bản địa chỉ lặng lẽ, ít giao tiếp với bên ngoài và tự cung, tự cấp là chủ yếu. Phía cuối bản có con đường dẫn tới lối leo lên một hang động tự nhiên nhưng vì không có điện nên hang chưa được đưa vào khai thác, du khách chỉ có thể chụp ảnh ở phía ngoài vòm hang động.
Từ năm 2020, với chủ trương xây dựng bản du lịch cộng đồng Tà Số của UBND huyện Mộc Châu, do dự án Great giai đoạn 1 hỗ trợ, khu vực Hang Táu được biết đến nhiều hơn. Lượng khách tìm đến Hang Táu ngày càng đông, đã hình thành một số dịch vụ đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách. Người dân làng nguyên thủy được hướng dẫn tham gia làm du lịch bằng dịch vụ cho thuê trang phục, thuê ngựa, bán đồ lưu niệm hay đặc sản địa phương …
Người dân tham gia làm dịch vụ du lịch, vừa quảng bá hình ảnh con người nơi đây, vừa tăng thêm thu nhập. |
Điều đặc biệt rất đáng lưu tâm là, du lịch đã đưa du khách đến nơi này nhưng Hang Táu vẫn giữ được môi trường gần như “nguyên thủy”, rất hiếm thấy rác du lịch bị để lại trong khu vực thung lũng. Một quán ăn phục vụ du khách nằm ở điểm cuối của khu vực này, có lẽ cũng là để hạn chế tối đa gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Đây là việc cần được địa phương quan tâm, đơn vị quản lý, khai thác du lịch giám sát, cùng trách nhiệm và ý thức của mỗi du khách khi đến với nơi chốn bình yên này. Để Hang Táu vẫn là điểm đến hấp dẫn du khách, với bản sắc “nguyên thủy” vốn có được gìn giữ bao đời.
Hang Táu trở thành điểm du lịch khám phá thu hút du khách đến trải nghiệm … |
…và lưu lại những khoảnh khắc đẹp. |