Đủ loại hàng rong
Đoạn clip ghi lại cảnh người phụ nữ bán hàng rong trên xe đạp ở đường Thụy Khuê, P.Bưởi, Q.Tây Hồ, Hà Nội mời hai du khách nước ngoài ăn thử táo mới đây rồi “chém đẹp” khiến nhiều người bức xúc. Sau thử, khách muốn mua nên người bán lấy một túi táo nhỏ và thu 200.000 đồng. Tuy nhiên, khách không đồng ý với giá này nên liên tục từ chối và đòi lại tiền nhưng người bán nhất quyết không trả. Hai bên giằng co một lúc thì có thanh niên làm bảo vệ gần đó “giải cứu”, anh cho rằng số táo quá ít so với số tiền và cần thiết phải trả lại tiền cho khách.
UBND P.Bưởi vào cuộc và do đã trả lại tiền nên ra quyết định xử phạt hành chính người bán hàng rong 150.000 đồng.
Hội An từ lâu được du khách quốc tế ca ngợi an toàn hàng đầu Việt Nam nhưng cũng không thoát khỏi “vòng xoáy” hàng rong phiền toái. Hàng rong đã có mặt ở chùa Cầu, hiện diện trên đường phố, bám theo du khách để chèo kéo mua hàng. Mới đây nhất, du khách tố trên các hội nhóm vì bị người bán hàng rong trên đường Lê Lợi chửi “biến đi” kèm theo những lời tục tĩu. Chính quyền Hội An sau đó xác nhận đã dẹp quầy khoai tây chiên vì đặt ở khu vực không được phép.
Nếu Hà Nội nổi tiếng với các quầy trái cây lề đường hay xe đạp chở trái cây hét giá du khách, thì TP.HCM nhiều năm qua bị lên án vì những gánh dừa rong. Nhiều người đàn ông gánh dừa quanh các điểm tham quan như dinh Thống Nhất, công viên gần Nhà thờ Đức Bà, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh… để đón lõng du khách, cho gánh thử và ép khách mua trái dừa với giá gấp 5 – 7 lần giá thị trường.
Năm ngoái, chị Becky Chan, người Đài Loan làm việc ở TP.HCM đã làm một chuyến thực tế để quay video cảnh báo hành vi “lừa đảo” của người bán dừa và đánh giày ở quận 1. Video đã “bóc trần” chiêu trò của những người gánh dừa đưa khách “vào tròng”, ban đầu là làm thân, sau đó cho gánh thử rồi ép giá 150.000 đồng cho một trái dừa, khách không chịu thì giảm còn 50.000 đồng.
Chị cũng quay cảnh một gia đình người nước ngoài bị người đánh giày tự ý cởi giày khách ra làm sạch ngay trên đường mà không cho khách cơ hội từ chối. Giá mỗi đôi giày sau khi đánh xong là 350.000 đồng, nhưng khách không đồng ý nên giảm còn 50.000 đồng. Gia đình này cũng kể đã mua 2 trái dừa với 150.000 đồng.
Du khách một đi không trở lại
Trên các nền tảng mạng xã hội, nội dung liên quan đến hàng rong chèo kéo chặt chém du khách ở Việt Nam xuất hiện khá nhiều. Trong đó, hầu hết khen Việt Nam cảnh đẹp nhưng hàng rong đeo bám có thể khiến họ không bao giờ quay lại.
Zak Cadogan, du khách người Mỹ sinh sống ở Thái Lan, vừa kết thúc hành trình xuyên Việt Nam. Cảm xúc để lại sau chuyến đi của anh là xen lẫn giữa hài lòng và thất vọng. Nguyên nhân chính của thất vọng là vì những người bán hàng rong đeo bám không rời, khi anh không mua còn bị họ trách cứ, mắng mỏ là “người không tốt”.
“Ở Hội An và Sa Pa, mọi người chèo kéo du khách với bất cứ thứ gì họ đang bán và luôn miệng chào mời mua đồ, theo chân du khách trong suốt 5 tới 10 phút. Đó là một trải nghiệm thực sự kỳ lạ bởi rõ ràng bạn đang liên tục trả lời “Không, không, không” và điều đấy khiến bạn cảm thấy tồi tệ khi nói không với những thứ mình thậm chí không muốn”, anh nói.
Theo anh, ở Thái Lan, không có chuyện buôn bán chèo kéo như thế này xảy ra. Người dân cũng chào mời du khách mua đồ, đi taxi nhưng không quấy rầy hoặc gây áp lực cho du khách. Và đó là điều tuyệt vời khiến anh hay du khách quốc tế khác yêu thích điểm đến này để từ đó thường xuyên quay lại.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Lửa Việt, cho rằng hàng rong không có lỗi, nhưng để hàng rong từ một nét văn hóa buôn bán phổ biến thành hoạt động tiêu cực là lỗi của địa phương, của các cơ quan quản lý. “Hàng rong chặt chém du khách xuất hiện từ lâu ở Việt Nam, nhưng chúng ta xử lý không đến nơi đến chốn. Nếu có vụ việc nào xảy ra, chúng ta xử phạt rồi thôi. Chẳng hạn, hàng rong chiếm lĩnh phố đi bộ Nguyễn Huệ, Q.1, dẹp xong lại quay về như cũ”, ông Mỹ nói và nhấn mạnh, để đưa ra một lý do nổi bật cho việc vì sao khách quốc tế ít quay lại Việt Nam, thì đó chính là hàng rong đeo bám, chặt chém.
Là người trực tiếp hướng dẫn khách du lịch đến nhiều nơi, ông Mỹ cho hay, từ Hạ Long cho đến Đà Lạt, chợ nổi miền Tây đâu đâu cũng có hàng rong chèo kéo. Dưới biển, trên sông, hễ tàu lớn chở khách tới thì thuyền nhỏ cập vào rao bán. Ở chợ nổi Cái Răng, hàng rong là nét văn hóa dễ thương, nhưng dần dần mất chất khi người bán có thể bán nhiều giá khác nhau, sáng sớm giá cao, gần trưa khách về lại bán giá thấp. Người mua, sau khi so giá, có thể nhận lấy cảm giác như mình bị lừa.
“Thời gian gần đây, quá nhiều vụ việc liên quan đến hàng rong chặt chém du khách xảy ra, bị du khách tố lên mạng xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh điểm đến mà chúng ta đã mất công gầy dựng, góp phần đẩy lùi tính cạnh tranh. Điều đó khiến cơ quan quản lý du lịch phải tìm cách phối hợp cơ quan chức năng quản lý hiệu quả để đưa hàng rong vào nề nếp như các nước xung quanh đang làm”, ông Mỹ nói thêm.
Ông Mỹ cho rằng, các nước đều có hàng rong nhưng cách họ quản lý đã hạn chế tối đa chèo kéo, chặt chém. Chẳng hạn, những người bán hàng rong ở Angkor, Campuchia, nếu được hướng dẫn viên hay tài xế mời lên xe để bán cho du khách họ cũng không dám, sợ phạt, bởi họ đã bị giới hạn trong khu vực bán hàng rong của riêng mình với đơn giản chỉ sợ dây giăng dưới đất.