(Dân Sinh) – Bằng việc thực hiện hiệu quả dự án “Đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo”, hàng nghìn hộ dân ở Thanh Hóa đã có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Thực hiện dự án “Đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, công tác giảm nghèo ở Thanh Hóa đã có sự thay đổi rõ rệt, hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cho biết, tổng kinh phí Trung ương giao thực hiện dự án giai đoạn 2021-2024 là hơn 300,6 tỷ đồng.
Đến nay Thanh Hóa đã triển khai được 320 dự án gồm 21 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; 299 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng.
Các loại hình dự án chủ yếu với 302 dự án chăn nuôi như: trâu, bò, dê, lợn, gà, vịt… Có 12 dự án trồng trọt, chủ yếu là cây dược liệu, cây ăn quả và 6 dự án nuôi cá lồng.
Thuộc diện hộ nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn lại thường xuyên đau ốm, được nhận hỗ trợ kinh phí mua bò từ “Dự án đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo”, anh Phạm Quốc Việt (SN 1982) ở thôn Thập Lý, xã Thăng Long, huyện Nông Cống phấn khởi cho biết:
“Gia đình tôi được nhận 15 triệu đồng hỗ trợ mua bò và làm chuồng trại chăn nuôi, ngoài ra tôi còn được cán bộ hỗ trợ về cách làm chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc bò…
Hiện bò sinh trưởng, phát triển rất tốt, theo dự kiến của gia đình, khoảng giữa năm 2025 bò sẽ sinh lứa đầu tiên. Ngoài ra, gia đình cũng nuôi thêm lợn, gà, làm thêm ruộng để tăng thu nhập cho gia đình…”.
Có chồng bệnh nặng, hai con bị tâm thần, khuyết tật; thuộc hộ cận nghèo, điều kiện kinh tế của gia đình chị Mai Thị Chinh (SN 1970) ở thôn Tân Vinh, xã Thăng Long cũng rất khó khăn khi trong nhà có nhiều nhân khẩu.
Cuối năm 2023, chị Chinh được nhận tiền hỗ trợ mua bò từ “Dự án đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo”, đến nay bò mẹ đã sinh sản lứa đầu tiên.
“Cuối năm 2023, gia đình tôi được nhận 12 triệu đồng hỗ trợ mua bò giống, làm chuồng trại. Từ số tiền hỗ trợ đó, gia đình tôi đã mạnh dạn vay thêm 7 triệu đồng để mua bò giống to hơn về chăn nuôi.
Sau khi mua bò về, tôi chăm sóc cẩn thận theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Do được chăm sóc đúng kỹ thuật, bò lớn nhanh, đến nay đã cho sinh sản được 1 bê con. Cứ đà này, không lâu nữa bò sinh sản thêm sẽ tăng thu nhập cho gia đình…”, chị Chinh chia sẻ.
Không chỉ có anh Việt, chị Chinh, ở xã Thăng Long đã có 32 hộ được nhận kinh phí hỗ trợ mua bò giống từ Dự án.
Các hộ dân tham gia đều phấn khởi bởi chính sách nhân văn này và cho rằng mô hình này rất phù hợp vì có thể sử dụng nguồn lao động các độ tuổi, tận dụng thời gian nhàn rỗi, công việc chăm sóc đơn giản, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật phức tạp.
Ông Cao Văn Dũng, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nông Cống, cho biết thêm, từ các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh, công tác giảm nghèo ở huyện được triển khai thực hiện hiệu quả.
“Các chính sách hỗ trợ đã đi vào cuộc sống người dân, đến từng hộ gia đình, mở ra cơ hội, tạo động lực cho hộ nghèo, cận nghèo có vốn sản xuất, có việc làm để tăng thu nhập…từng bước cải thiện đời sống vật chất cũng như tinh thần, vươn lên thoát nghèo, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của huyện…”, ông Dũng nói.
Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa, cho biết sau 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, công tác giảm nghèo ở Thanh Hóa đã có những hiệu quả rõ rệt.
“Từ các dự án sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo, Thanh Hóa đã có 11.101 hộ gia đình được hưởng lợi, trong đó có 5.409 hộ nghèo, 311 hộ người khuyết tật, 4.202 hộ cận nghèo, 675 hộ mới thoát nghèo, 504 hộ dân khác; Có 2.323/11.101 hộ là người dân tộc thiểu số; 1.062/11.101 hộ có phụ nữ là chủ hộ được thụ hưởng…
Năm 2024, qua rà soát sơ bộ, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 1,46% còn 2,06%; hộ cận nghèo giảm giảm 1% còn 4,57%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 5%. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 8,7%.
Giai đoạn 2022-2024, tổng tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 4,66% (năm 2022 giảm 1,79%, năm 2023 giảm 1,47%, năm 2024 giảm 1,46%); bình quân giai đoạn 2022-2024 mỗi năm toàn tỉnh giảm 1,57%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX và chỉ tiêu giao tại Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ…”, bà Hương thông tin.
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/xoa-doi-giam-ngheo/hang-nghin-ho-dan-vuon-minh-thoat-ngheo-nho-du-an-da-dang-hoa-sinh-ke-20241130144202058.htm