Loài giun thìa hay còn gọi là cá dương vật mắc cạn dọc bãi biển ở Argentina sau bão, thu hút ngư dân tới nhặt để làm mồi câu.
Vô số con giun biển có tên khoa học Urechis unicinctus bị sóng xô vào bãi biển Multillar ở phía bắc Rio Grande, Argentina, sau cơn bão lớn vào chiều ngày 17/7, theo Mail. Những ngư dân địa phương đổ xô tới bãi biển để nhặt giun biển do chúng là mồi câu tuyệt vời, đặc biệt khi câu cá vược biển đen.
Đây không phải là hiện tượng hiếm gặp ở Argentina. Trước đây, chúng cũng dạt vào bờ biển phía nam đất nước trong thời tiết mưa bão. Năm 2019, loài vật này cũng bao phủ bãi biển ở bang California, Mỹ.
Dài khoảng 25 cm, giun biển thường vùi mình trong cát nhưng bão và sóng trào ngoài biển có thể dễ dàng đẩy chúng ra khỏi nơi trú ngụ và dạt vào đất liền. Chúng đào hang hình chữ U ở đáy biển và để những loài vật khác chui vào. Bằng chứng hóa thạch cho thấy giun biển đã tồn tại trên Trái Đất 300 triệu năm. Một cá thể có tuổi thọ lên tới 25 năm, chủ yếu ăn vi khuẩn và sinh vật phù du. Chúng là mồi săn của những loài cá lớn hơn, cá mập, mòng biển, rái cá và cả con người.
“U. unicinctus hoàn toàn vô hại đối với con người do không có răng và cho cảm giác rất dễ chịu khi chạm vào. Hơn nữa, ở các nước châu Á, chúng còn được sử dụng làm thức ăn, có thể ăn sống hoặc nấu chín theo nhiều kiểu khác nhau”, nhà nghiên cứu người Nga Igor Adameyko, cho biết.
Người dân ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc thường ăn sống giun biển cùng với muối và dầu mè. Chúng được xem là món ăn bổ dưỡng do chứa nồng độ axit amin cao. Vị của chúng rất dịu và giống con trai.
An Khang (Theo Mail)