Quang cảnh núi rừng trước cửa đình Phục Cổ xứ Mường (xã Minh Hòa, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) trở nên náo động khi hàng ngàn người tụ về từ lúc mờ sáng. Trò chơi dân gian, bắn nỏ, bóng chuyền, gian hàng nông sản, đồ chơi… diễn ra sôi động. Cả du khách và nhân dân cùng đón đợi khoảnh khắc xứ Mường vinh dự đón nhận danh hiệu Di sản phi vật thể Quốc gia Tín ngưỡng mở cửa rừng – giá trị văn hóa đặc sắc bậc nhất của cộng đồng người Mường huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.
Lễ mở cửa rừng xứ Mường Yên Lập thường niên được tổ chức sáng Mùng 6 Tết. Nơi này rừng vẫn thiêng liêng ẩn chứa năng lượng cho muôn sinh. “Mở cửa rừng”, lễ hội văn hóa độc đáo xứ Mường huyện miền núi Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, vừa diễn ra đầu Xuân như một sự trả ơn cho rừng, hồi sinh đại ngàn khi nguồn sống tự nhiên dần cạn.
Giá trị văn hóa lớn nhất từ Lễ hội, theo ông Đinh Hải Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lập, Trưởng Ban tổ chức, đó là môi trường nuôi dưỡng bản sắc văn hóa dân tộc của cộng đồng, vừa giáo dục truyền thống, giữ gìn tiếng nói Mường, trang phục Mường, và cũng là dịp cho nhân dân vui chơi, nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả.
“Không gian sinh tồn, từ xa xưa, người Mường nơi đây sống dựa vào rừng và trồng lúa. Thung lũng và địa hình chân núi chỉ cho phép dân chúng cấy trồng một vụ, bù đắp cho mưu sinh chính là rừng. Tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng, Thần cây, Thần rừng là rất quan trọng và nuôi sống người dân bao đời. Nghi lễ mở cửa rừng cho thấy những quan niệm của người Mường về vũ trụ, vạn vật, và ứng xử của con người với rừng, với thiên nhiên, đặc biệt thể hiện mong muốn làm chủ cuộc sống của người Mường”, bà Trần Thị Quý, Trưởng Phòng văn hóa huyện Yên Lập phát biểu tại buổi Lễ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết bên đình Phục Cổ, ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, đây là vinh dự rất lớn của đồng bào Mường huyện Yên Lập và toàn vùng Đất Tổ. Không chỉ gìn giữ, trao truyền và phát huy tiềm năng, bản sắc phong tục Mường, danh hiệu Di sản phi vật thể Tín ngưỡng mở cửa rừng có vai trò quan trọng trong việc tích lũy, kế thừa, củng cố các giá trị văn hóa tốt đẹp và gắn kết tính cộng đồng. Tôn vinh di sản với giá trị bền vững và sức sống mãnh liệt của nét văn hóa riêng có độc đáo này, Phú Thọ đang mạnh mẽ phát huy và lan tỏa giá trị của chính những di sản này, vừa là điểm nhấn tâm linh, vừa nhớ về nguồn cội, và đặc biệt là phát triển kinh tế du lịch.
Thông tin với Đại Đoàn Kết trước giờ khai mạc, ông Nông Quốc Thành, Cục phó Cục Di sản – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết hiện toàn quốc đã có các tỉnh Phú Thọ, Lào Cai và Hà Giang được công nhận Di sản phi vật thể Quốc gia về tín ngưỡng mở cửa rừng với những tên gọi khác nhau. Tiêu chí xét sẽ dựa trên thực tiễn địa phương do các tỉnh, thành lập hồ sơ, nhưng được đánh giá kỹ lưỡng, nghiêm túc và chặt chẽ, song rất khuyến khích các địa phương thực hiện. Khơi dậy bản sắc văn hóa rừng và chăm sóc, bảo vệ rừng đang cực kỳ quan trọng khi môi trường hiện nay đang gặp nhiều nguy cơ tác động.
Theo người dân địa phương, Lễ mở cửa rừng đã có từ ngàn đời ở xứ Mường Yên Lập, đó là nghi thức mở mùa bắt đầu vào rừng hái lượm, săn bắn, và cũng là mở đầu năm mới. Người dân cầu xin các vị thần và tinh linh núi rừng phù trợ. Rừng là nguồn sống, là linh thiêng, ở đây mọi cành cây, con thú gắn bó mật thiết dưỡng sinh cho dân chúng mà tạo nên cả vùng văn hóa Mường – văn hóa Rừng.
Cụ Đinh Công Bảo, đại diện người có uy tín bản Mường, xúc động phát biểu lời cam kết thực hiện việc bảo tồn, bảo vệ rừng. “Đón nhận danh hiệu Di sản Quốc gia cũng là trách nhiệm đã được trao cho chúng tôi cao hơn, con cháu bản Mường từ nay càng ý thức hơn với Mẹ rừng”.
Xã miền núi Minh Hòa có tới 90% dân số là người Mường đang hướng tới cán đích Nông thôn mới trong ít năm nữa. Địa bàn vùng núi có tỷ lệ nghèo 13% nhưng đã có 3 trường học chuẩn Quốc gia, phủ sóng toàn diện internet, tivi và điện lưới.
Theo ông Đinh Tiến Công, Chủ tịch UBND xã, rừng sản xuất của Minh Hòa chiếm tới 50% (nguồn sống chính của người dân) và rừng đặc dụng chiếm 36%. Những năm 1978-1979 vẫn còn có beo cọp vào bản bắt lợn. Đây cũng là nơi có “An toàn khu” kháng chiến Lòng Chảo nổi tiếng từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Hiện rừng ở Minh Hòa là nơi hiếm hoi còn thú hoang như hươu, nai, sóc, và rất nhiều loại chim muôn – đến từ ý thức bảo vệ rừng truyền thống của dân bản.