Hãng AFP ngày 23.11 đưa tin hàng loạt tác phẩm kinh điển tiếng Nga quý hiếm trị giá hàng triệu euro đã bị trộm tại các thư viện khắp Đông Âu và sau đó được bán đấu giá ở Nga.
Các kệ sách văn học Nga thế kỷ 19 đã bị lục lọi trong 2 năm qua ở Ba Lan và các nước vùng Baltic, và những bản gốc được thay thế bằng những bản giả.
Thư viện Đại học Warsaw (Ba Lan) chỉ mới phát hiện ra thủ đoạn này vào tháng trước, bao gồm cả ấn bản đầu tiên các tác phẩm của Alexander Pushkin và Nikolai Gogol. Một nhân viên đại học am hiểu vấn đề này đã ước tính giá trị của những cuốn sách bị đánh cắp lên đến khoảng một triệu euro.
Giáo sư Hieronim Grala, cựu quan chức ngoại giao và là chuyên gia về chính sách Nga tại Đại học Warsaw cho rằng việc này giống như “khoét những viên ngọc quý trên vương miện”.
“May mắn thay, không phải tất cả mọi thứ đều bị lấy đi, mà chỉ một số viên ngọc lục bảo, kim cương và hồng ngọc bị mất”, theo ông Grala, người giúp nhà trường đánh giá thiệt hại.
Không chỉ ở Ba Lan, các thư viện tại những nước vùng Baltic cũng trở thành nạn nhân của bọn trộm sách quý nhằm vào văn chương Nga.
Các chuyên gia tin rằng những tác phẩm bị đánh cắp đã tìm đường đến Nga, với ít nhất một số đã được bán trong các cuộc đấu giá vội vàng ở Moscow.
Trong trường hợp được phát hiện tại Thư viện Quốc gia Latvia vào năm ngoái, 3 cuốn sách đã bị đánh cắp. Một công dân Georgia sau đó bị kết tội ăn trộm và bị kết án 6 tháng tù, nhưng một đồng phạm vẫn chưa bị bắt.
Những cuốn sách giả mà bọn trộm để lại được làm giả ở nhiều mức độ khác nhau, từ cẩu thả cho đến cực kỳ tỉ mỉ, chỉ có thể phát hiện qua màu mực tem hoặc kích thước nhãn không phù hợp.