Những công trình này chủ yếu do UBND cấp xã và cộng đồng quản lý. Ðây là các khu vực dân cư không tập trung, có điều kiện khó khăn về kinh tế – xã hội, nhận thức của người dân về nước sạch còn hạn chế, tiền nước thu được không đủ để bù đắp chi phí quản lý, vận hành và duy tu, bảo dưỡng công trình, dẫn đến công trình hoạt động kém hiệu quả, xuống cấp, hư hỏng, ngừng hoạt động tăng lên theo thời gian.
Bất cập khâu quản lý
“Chết yểu” nhanh nhất trong số các công trình nước sinh hoạt nông thôn tại xã Quách Phẩm Bắc, huyện Ðầm Dơi, là Trạm ấp Kinh Ngang. Anh Nguyễn Văn Mau, hộ gia đình cho mượn đất đặt trạm nước, cho biết công trình đưa vào sử dụng được khoảng 2 năm thì ngưng hoạt động vào khoảng năm 2011-2012. Trạm nước được UBND xã giao cho người dân tại địa bàn trực tiếp quản lý. “Cá nhân được giao tự thu – tự chi cho hoạt động trạm nước, nhưng thu không đủ chi nên người ta tự bỏ, trong đó có cả cha tôi”, anh Mau chia sẻ.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó chủ tịch UBND xã Quách Phẩm Bắc, là người thứ 3 nhận nhiệm vụ quản lý trạm nước xuống cấp tại ấp Nhà Dài. |
Ðến năm 2019, trạm nước hư hỏng được tháo dỡ để đảm bảo an toàn cho gia đình anh và người dân tại địa bàn. Riêng hệ thống bơm nước của trạm vẫn chưa được ngành chuyên môn xử lý. “Mỗi lần đắp nền cao hơn, gia đình đều phải nối ống nhựa, che chắn để bụi bẩn không theo hệ thống ống cũ rơi xuống mạch nước ngầm, gây ô nhiễm nguồn nước tự nhiên”, anh Mau cho biết thêm.
Từng công tác tại Xí nghiệp Cấp nước thị xã Cà Mau, khi nghỉ hưu trở về địa phương, ông Trần Tấn Lợi, người dân ấp Cây Kè (ấp Minh Ðiền cũ), xã Quách Phẩm Bắc, huyện Ðầm Dơi, thấy những khó khăn của bà con nên tự nguyện cho mượn phần đất gia đình để đặt trạm nước. Phải khoan sâu hơn 240 m, năm 2007 nước sinh hoạt được đưa đến bà con tại địa bàn làm thoả “cơn khát” của nhiều hộ khó khăn không khoan được giếng nước. Thời điểm ban đầu có 3 cá nhân được phân công trực, quản lý trạm nước. Dần dần chỉ còn 1 người trực tiếp gắn đồng hồ, thu tiền, kéo nước về cho bà con tại ấp. Không có chuyên môn, trạm nước sinh hoạt mở rộng có thời điểm hơn 100 hộ sử dụng, từ đó dẫn đến tình trạng thiếu nước cấp cho bà con, trạm xuống cấp, đến năm 2013-2014 thì ngưng hoạt động.
Năm 2022, ông Lợi yêu cầu dỡ trạm vì nguy cơ đổ ngã do đài nước đã bị oxy hoá. “Khâu quản lý quá dở do người giữ trạm nước không có chuyên môn, xã thiếu quan tâm đầu tư khắc phục khi có sự cố, không có ai sửa khi hư hỏng máy móc cũng như hệ thống đường ống dẫn đến công trình xuống cấp dần và ngưng hoạt động”, ông Lợi chia sẻ.
Thực trạng công trình nước sinh hoạt nông thôn giao cho UBND xã quản lý bỏ hoang đã không còn là chuyện lạ ở nhiều địa phương. Thế nhưng, “lì đòn” nhất vẫn là công trình tại Ấp 2, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh. Ðưa vào sử dụng từ năm 2007, ngừng hoạt động năm 2012, đến nay trạm nước vẫn “trơ đứng giữa trời”. Hơn 10 năm bỏ hoang, một cây còng đã mọc và vươn cao ở bên trong trạm nước, chạm đến bồn nước, minh chứng cho sự thiếu quan tâm, chậm tháo dỡ đối với công trình này.
Thiếu trước hụt sau
Quy mô hơn, Trạm nước tại ấp Nhà Dài, xã Quách Phẩm Bắc, huyện Ðầm Dơi, được đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng và đưa vào sử dụng từ năm 2010. Ðến nay trạm được ông Nguyễn Chí Thanh, hiện là Phó chủ tịch UBND xã và gia đình duy trì việc vận hành, cung cấp nước cho hơn 60 hộ dân tại ấp. Nói về hiện trạng của trạm, ông Thanh cho biết, hiện hệ thống đường ống hơn 3.000 m đã hư nhiều đoạn. Các hạng mục của trạm nước, như bể lọc, bộ điều khiển cũng đã hư hỏng, nguồn nước cung cấp đến người dân là nước sinh hoạt không qua xử lý. Trụ nước cũng bong tróc, xuống cấp nên việc kiểm tra, duy tu mang nhiều rủi ro nguy hiểm, không có người dám nhận sửa chữa, gia cố.
Hiện nay, tại xã Quách Phẩm Bắc có 3 trạm nước tập trung do xã và người dân quản lý. Trong đó, Trạm Kinh Ngang, ấp Cây Kè (Minh Ðiền cũ) đều đã hư hỏng, ngưng hoạt động. Riêng Trạm nước ấp Nhà Dài phục vụ không đảm bảo. “Yêu cầu cấp trên có sự quan tâm, đầu tư mở rộng hệ thống đường ống từ trạm cấp nước do Trung tâm Nước sạch và Môi trường nông thôn quản lý để người dân thuận lợi hơn trong sinh hoạt, có nguồn nước đảm bảo sử dụng”, ông Nguyễn Chí Thanh mong muốn.
Nhu cầu nước sạch sinh hoạt là nhu cầu thiết yếu của người dân. Với những công trình đang vận hành, rất cần sự quan tâm, điều chỉnh từ khâu quản lý cũng như nâng cấp để đảm bảo hiệu quả sử dụng dài lâu, tránh tình trạng hư hỏng, ngưng hoạt động, phục vụ tốt hơn nhu cầu của bà con./.
Hoài Thương