Thứ trưởng thứ hai của Bộ Y tế Hàn Quốc, Park Min-soo, ngày 21.2 cho biết hơn 8.800 bác sĩ tập sự- chiếm 71% lực lượng này – giờ đã đình công, giữa phong trào biểu tình ngày càng gay gắt để phản đối việc chính phủ gia tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường đại học y khoa.
Seoul cho rằng thay đổi nói trên là cần thiết vì số lượng bác sĩ ở Hàn Quốc hiện ở mức thấp và dân số đang già đi nhanh chóng. Tuy nhiên theo các bác sĩ, việc này sẽ ảnh hưởng đến quá trình cung cấp dịch vụ y tế tại các bệnh viện cũng như chất lượng đào tạo tại các trường y.
Bác sĩ thực tập Hàn Quốc đình công vì kế hoạch mới của chính phủ
Những người phản đối phong trào biểu tình cho rằng các bác sĩ chủ yếu lo sợ việc gia tăng số lượng bác sĩ có thể làm sụt giảm tiền lương và địa vị xã hội của họ. Chính sách của chính phủ đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của công chúng Hàn Quốc, đặc biệt là những người ở vùng sâu vùng xa, nơi thường khó tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng.
Theo Thứ trưởng Park, 7.813 bác sĩ tập sự đã không đến làm việc hôm 21.2 – tăng gần gấp 5 lần so với hôm 19.2, ngày đầu tiên làn sóng đình công diễn ra – mặc dù chính phủ đã yêu cầu nhiều người trong số họ quay trở lại bệnh viện.
“Sứ mệnh căn bản của người làm trong ngành y là bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân, và bất kỳ hành động tập thể nào đe dọa điều này đều không thể biện minh được”, AFP dẫn lời ông Park. Vị quan chức cũng cho biết việc các bác sĩ đình công là vi phạm luật pháp Hàn Quốc, vì nhân viên y tế không thể từ chối lệnh quay trở lại làm việc “mà không có lý do chính đáng”.
Ông Park cho hay các bệnh viện đa khoa của Hàn Quốc phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng bác sĩ tập sự ở mảng cấp cứu và phẫu thuật. Theo truyền thông địa phương, các bệnh nhân ung thư và phụ nữ cần sinh mổ đã không thể tiến hành phẫu thuật vì phong trào đình công, trong đó nhiều trường hợp gây ra “thiệt hại”.
Ông Hong Jae-ryun, một bệnh nhân ung thư não ở độ tuổi 50 đến từ Daegu, cho biết quá trình hóa trị của ông đã bị hoãn lại mà không có ngày rõ ràng trong tương lai do tình hình hiện tại, mặc dù tế bào ung thư đã di căn đến phổi và gan của ông.
“Thật phi lý. Trong cuộc xung đột giữa chính phủ và bác sĩ, những bệnh nhân bất lực có thể nói gì? Cảm giác như bị phản bội”, AFP dẫn lời ông Hong.
Một nhóm bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, bao gồm ung thư và bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS), cho biết họ đang phải chịu đựng “những ngày đau đớn khủng khiếp”.
“Chúng tôi đang tuyệt vọng từng phút, từng giây. Những bệnh nhân nặng cần được điều trị ngay lập tức… Chúng tôi tha thiết yêu cầu các bác sĩ tập sự đã rời bệnh viện quay trở lại lĩnh vực y tế càng sớm càng tốt”, họ nói trong một tuyên bố gửi tới AFP.
Hôm 21.2, một nhóm bác sĩ hành nghề ở tỉnh Kyunggi đã tổ chức biểu tình ở trung tâm Seoul. Họ quấn băng màu đỏ trên đầu với dòng chữ “(Chúng tôi) phản đối quyết liệt việc mở rộng tuyển sinh vào trường y”.
Các bác sĩ trẻ cho biết những cải cách mới về đào tạo nhân lực y tế là giọt nước tràn ly trong nghề mà họ vốn đang phải vật lộn với điều kiện làm việc khắc nghiệt.
Hiệp hội Bác sĩ tập sự – nội trú Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố: “Mặc dù làm việc hơn 80 giờ một tuần và nhận được thù lao ở mức lương tối thiểu, các bác sĩ tập sự vẫn bị chính phủ bỏ rơi cho đến nay”.
Họ cũng nói rằng việc phụ thuộc quá nhiều vào bác sĩ tập sự trong hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện tại ở Hàn Quốc là không hợp lý và công bằng, đồng thời cho rằng chính phủ đang đối xử với họ như thể họ là “tội phạm”.