Cơ quan chức năng Trung Quốc cho biết xử lý nhiều trường hợp làm giả túi LV, đồng hồ Alexander McQueen với giấy tờ chứng nhận “hàng thật”.
Dịp 15/3 – ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới, trang Yangcheng Evening News đăng bài về cách thức biến hàng giả thành hàng thật của người sản xuất, người bán tại Trung Quốc. Có khách hàng chấp nhận mua hàng hiệu giả, cũng có người bị lừa mua phải đồ nhái.
Theo bài viết, khi đến khu mua sắm Trạm Tây ở Quảng Châu, người tiêu dùng có thể bắt gặp các nhân viên chuyên mồi chài mua hàng hiệu giả. Chưa đến 100 m, có khoảng 10 người làm công việc này. Họ sẽ dẫn khách đến cửa hàng bán sản phẩm nhái đồ hiệu, thường ẩn trong cao ốc văn phòng để tránh kiểm soát của cơ quan chức năng.
Chiêu thức của các đường dây làm hàng giả này là khi nhận thấy mặt hàng xa xỉ nào bán chạy, các xưởng sẽ mua đồ chính hãng về làm mẫu để sản xuất hàng loạt. Những cửa hàng ở đây bày bán đủ sản phẩm nhái, hiệu nào cũng có, như Hermès, LV, Gucci, Nike, Adidas.
Chẳng hạn, đồng hồ Alexander McQueen giá chính hãng là 6.200 tệ (21,3 triệu đồng), hàng giả có các mức giá dao động từ 160 tệ (550 nghìn đồng) đến 380 tệ (1,3 triệu đồng). Giày Louis Vuitton x Nike Air Force 1 khan hiếm và đắt đỏ nhưng chỉ cần 380 tệ, người dùng có thể sở hữu đôi y hệt như hãng.
Với 1.300 tệ (4,4 triệu đồng), người mua có thể xách túi làm nhái LV, giá niêm yết chính hãng là 25.600 nhân dân tệ (88 triệu đồng). Đi kèm còn có hóa đơn, chứng nhận hàng thật từ “cửa hàng ở Hàn Quốc”. Thậm chí, người mua có thể lên mạng tra cứu thông tin lưu trữ, nguồn gốc hàng hóa. Túi giả trở thành “hàng thật trong tiệm ở nước ngoài”.
Cơ quan chức năng nước này nhận định đường dây sản xuất và biến hàng giả thành “đồ chính hãng ở tiệm nước ngoài” tinh vi và chuyên nghiệp. Các cửa hàng cung cấp đầy đủ giấy tờ bao gồm hóa đơn mua sắm, tờ hướng dẫn sử dụng, tag, hộp, thẻ bảo hành. Những “chứng nhận hàng thật” này được bán với giá 30 tệ (103 nghìn đồng).
Nhằm lừa người mua, phía bán hàng có thể móc nối với người trong công ty logistics để làm giả thông tin chuyển phát hàng hóa. Vì thế, một chiếc túi hiệu sản xuất ở Quảng Châu có thể trở thành “túi xách tay” từ cửa hàng chính hãng ở Hong Kong hay Hàn Quốc, các nước Âu Mỹ.
Luật sư Liêu Kiến Huân ở công ty luật tại Quảng Đông cho biết, theo Luật Thương hiệu, sử dụng nhãn hiệu của người khác mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu là hành vi vi phạm nhãn hiệu, thậm chí có thể cấu thành phạm tội. Ông kêu gọi người tiêu dùng trình báo công an hoặc cơ quan quản lý thị trường nếu mua phải hàng giả.
Theo trang Chenbao, những năm gần đây, cảnh sát bắt giữ, xử lý nhiều trường hợp dùng hóa đơn giả lừa người tiêu dùng. Cảnh sát Giang Tô từng bắt giữ cô gái họ Từ vì cáo buộc lừa nạn nhân họ Vương 22.000 nhân dân tệ (75,5 triệu đồng). Theo Vương, do tin tưởng Từ là lưu học sinh ở Pháp, cô chuyển tiền cho Vương mua túi Hermès bản giới hạn. Khi nhận hàng, cô đi giám định túi, nhận kết quả túi giả, vì thế báo cơ quan chức năng. Từ khai mua túi Hermès giả và các giấy tờ, hóa đơn mua sắm trên mạng, bán lại cho Vương để kiếm lời.
Dù cơ quan chức năng Trung Quốc triệt phá các đường dây vi phạm nhãn hiệu, những nhà phân phối hàng nhái vẫn tràn lan. Một mặt vì cả người bán và người mua đều chưa kiên quyết nói không với đồ nhái. Mặt khác, với chi phí sản xuất thấp nhưng lợi nhuận cao, các đường dây sản xuất, cung ứng không bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền.
Như Anh (theo Yangcheng Evening News)