Mới đây, hình ảnh chụp tại Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh với thiết kế bên trong nhiều hàng ghế gỗ lớn kết hợp bàn trà gây nhiều tranh cãi.
Nhiều ý kiến cho rằng, hàng ghế này “không phù hợp với không gian của một nhà hát”, cũng có người bênh vực cho rằng, công trình đẹp, hoành tráng phù hợp với quy mô một nhà hát của miền quan họ.
Được biết, công trình do ba kiến trúc sư Ngô Trung Hải, Trần Hoàng Hải Nam, Trần Anh Sơn tư vấn thiết kế. Nhà hát từng được giải Bạc hạng mục Kiến trúc công cộng Giải thưởng Kiến trúc quốc gia lần thứ 15 (2022 – 2023).
Đã cân nhắc rất kỹ lưỡng
Chia sẻ với PV Dân trí, đại diện nhóm thiết kế cho biết, mấy ngày nay, cả nhóm có đọc được nhiều ý kiến trái chiều trên mạng. Với một công trình kiến trúc, việc khen chê là khó tránh khỏi.
Theo đại diện này, một công trình thành công hay không, đều có những ý kiến khác nhau, có người ủng hộ, có người không và nhóm thiết kế đều tôn trọng.
“Chúng tôi làm công trình này từ năm 2016. Đó là một chặng đường dài khi nhóm tư vấn thiết kế phải thi tuyển với 17 nhóm khác. Sau khi được chọn, chúng tôi đã đưa ra 20 phương án để thuyết phục địa phương.
Ý kiến làm ghế ngồi theo hướng hiện đại cũng được chúng tôi cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đề xuất. Rất may là ý tưởng này được duyệt, chúng tôi có một thời gian dài đi cùng tỉnh Bắc Ninh để thi công. Công trình mang nhiều tâm huyết, đến bây giờ nhìn lại chúng tôi vẫn tự hào”, đại diện nhóm tư vấn chia sẻ.
Nói thêm về ý tưởng thiết kế, người đại diện này cho biết Bắc Ninh là một địa phương có lịch sử, văn hóa đặc trưng. Thậm chí, khi tư vấn, còn có những ý kiến là phải làm cổ từ ngoài vào trong, cả nhóm đã mất rất nhiều thời gian để lên phương án kiến trúc, có thiết kế phù hợp, hài hòa.
“Đây là công trình vốn ngân sách, đa phần các công trình dạng này thường khó làm “một cái gì đó mới” nên khi có những sáng tạo thì chúng tôi cũng mong mọi người ủng hộ”, đại diện nhóm kiến trúc sư cho hay.
Hàng ghế gỗ phù hợp chứ làm gì đến mức tranh cãi!
Nói về hàng ghế gỗ ở Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, kiến trúc sư Trần Huy Ánh – Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho PV Dân trí biết, thiết kế của Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh khá hiện đại, nhưng có hàng ghế gỗ như vậy thì là “tân cổ giao duyên” cũng khá phù hợp chứ không đến mức gây tranh cãi như mọi người đang bàn tán.
“Có thể thiết kế ghế gỗ và bàn trà sẽ là một kiểu độc đáo của nhà hát này. Việc nhận xét bộ bàn ghế đẹp hay không là do cách nhìn của mọi người nhưng tôi cho rằng, nhóm kiến trúc sư tư vấn họ có lý của mình khi đặt bộ bàn ghế như vậy.
Việc nói đến môi trường xanh, không thân thiện môi trường thì cũng không đúng, chúng ta có những quy định về việc trồng rừng, lấy gỗ. Tất cả đều có quy định riêng nên không nên nhìn những hình ảnh trên mạng mà phán bừa được”, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh nói.
Họa sĩ, nhà điêu khắc Phạm Sinh thì đồng ý với ý kiến của kiến trúc sư Trần Huy Ánh, ông cho rằng, thiết kế ghế gỗ ở Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh khá ổn. Bản thân nhà điêu khắc Phạm Sinh đã nhìn thấy phía ngoài của Nhà hát này, ông thấy, ghế gỗ phù hợp với thiết kế cảm hứng từ mái đình truyền thống, với lớp vỏ bao che 2 lớp, dải tre bên ngoài có họa tiết từ nón Ba Tầm phía ngoài nhà hát.
“Bắc Ninh có các làng ghề làm gỗ như Đồng Kỵ nên nhà hát sử dụng ghế gỗ sẽ kích cầu tiêu dùng địa phương. Gỗ là sản phẩm rất bền, nếu có thể thì thay họa tiết đệm đi một chút cũng được, nếu không để thế cũng không sao.
Dùng ghế gỗ là phù hợp, là vật liệu hữu cơ lại quảng bá được làng nghề cho địa phương. Nếu dùng ghế kiểu châu Âu hay phong cách Trung Hoa thì mới đáng bàn. “Sập gụ tủ chè” là kiến trúc phù hợp với nhà hát này. Việc tranh cãi là không nên, bởi mình phải biết rõ thì hãy nên nói, nếu không lại làm tổn thương người làm, người bỏ bao công sức để sáng tạo nên công trình đó”, nhà điêu khắc Phạm Sinh thẳng thắn.