Hình ảnh hàng dài vệt sáng nối đuôi nhau lướt qua bầu trời Việt Nam được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội. Trên thực tế, đây là gì?
Mới đây, nhiều tài khoản mạng xã hội chia sẻ hình ảnh chụp lại khoảnh khắc hàng chục những vệt sáng dài nối đuôi nhau trên bầu trời đêm, được cho là chụp ở Quảng Trị vào tối 24.7.
Anh Linh – một trong những người chứng kiến khoảnh khắc này cho biết anh có ghi lại hình ảnh về vệt sáng vào khoảng 19 giờ 30 phút ngày 24.7. Chị Hồng Nhật (ngụ Quảng Trị) cũng cho biết tối hôm đó khi vô tình nhìn lên bầu trời đêm cũng thấy được những vệt sáng lướt qua thật nhanh. Chị cũng thắc mắc không biết đây là hiện tượng gì.
“Lần đầu tiên mình thấy những vệt sáng như vậy luôn, lướt qua nhanh lắm. Mình có lên mạng thì thấy nhiều người cũng chứng kiến giống như mình. Mình nghĩ cũng không có gì quá kỳ bí, chỉ là một hiện tượng tự nhiên hoặc do con người tạo ra thôi. Nhưng nhìn cũng thú vị mà”, chị nói.
Tài khoản Đình Thành cho biết: “Hiện tượng này cách đây vài năm mình có thấy một lần rồi nhưng nói không ai tin”. “Nhìn lạ quá nhỉ?”, nickname Phan Nhựt bày tỏ.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA) khẳng định đó không phải là hiện tượng thiên văn mà đây là hệ thống vệ tinh Starlink của SpaceX (Mỹ) di chuyển, tạo một vệt sáng dài trên bầu trời đêm.
Theo đó, SpaceX bắt đầu phóng vệ tinh Starlink đầu tiên vào năm 2019. Kể từ đó đến nay, công ty này có hàng ngàn vệ tinh trên quỹ đạo tầm thấp của trái đất và bao phủ toàn cầu.
Ngày 25.3 vừa qua, một hiện tượng tương tự cũng đã xảy ra trên bầu trời đêm tại dãy núi Alps, Thụy Sĩ khi 60 vệ tinh Starlink của SpaceX của tỉ phú Elon Musk nối đuôi nhau bay trên bầu trời đêm.
Trao đổi với Thanh Niên, Chủ nhiệm một CLB thiên văn tại TP.HCM cũng khẳng định những vệt sáng dài di chuyển trên bầu trời là hình ảnh đặc trưng của chùm vệ tinh Starlink. Chùm vệ tinh này có quỹ đạo thấp, có thể nhìn thấy bằng mắt thường khi quan sát trên bầu trời.
“Với sự phổ rộng của Starlink trên khắp thế giới hiện nay, có thể quan sát được Starlink trên bầu trời Việt Nam là điều bình thường”, vị này nói thêm. Trước đó, chùm vệ tinh này cũng vấp phải nhiều phản đối của các nhà thiên văn nước ngoài khi họ cho rằng các vệ tinh này sẽ cản trở các quan sát khoa học, gây khó khăn cho họ khi quan sát bầu trời đêm vì chúng phản chiếu ánh sáng.
thanhnien.vn