Nông dân chuyển đổi cây trồng
Trước đây, điều được xem là “cây xóa đói giảm nghèo” của tỉnh Đắk Nông. Thế nên, từ năm 2018, UBND tỉnh Đắk Nông đã chọn điều là một trong 4 loại cây trồng chủ lực của tỉnh cùng với cà phê, tiêu, cao su.
Nhiều năm qua cây điều liên tục mất mùa đã khiến cho người dân Đắk Nông mất niềm tin và đang có xu hướng chặt bỏ để chuyển sang cây trồng khác.
Gia đình anh Nguyễn Văn Chí, ở xã Quảng Tân, vừa cắt hạ 2,5ha điều và dự định thay thế bằng cây sầu riêng.
“Trước đây, gia đình tôi trồng thuần cây điều. Thế nhưng, 3 năm liên tiếp mất mùa, nên không còn đủ để kiên nhẫn chờ đợi nữa. Tôi phải chuyển đổi cây trồng để tìm nguồn thu nhập khác” – anh Chí cho hay.
Tương tự, nhận thấy cây điều không còn phù hợp, năm 2017, ông Đoàn Văn Trường, xã Đắk Ru (Đắk R’lấp), bắt đầu chuyển đổi dần sang trồng sầu riêng.
Vụ vừa rồi, ông có 100 cây sầu riêng cho thu chính, thu được 15 tấn quả bán với giá 80.000 đồng/kg. Đến nay, ông đã chuyển đổi 7hecta điều sang trồng sầu riêng.
Ông Trường cho biết, ông đã tìm hiểu kỹ thuật canh tác sầu riêng để có hướng phát triển bền vững. Điều ông lo lắng nhất hiện nay là đầu ra cho sầu riêng…
Theo ông Kiều Quí Diện, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Đức thì sản xuất nông nghiệp chịu tác động lớn của tiểu vùng khí hậu.
Trong một giai đoạn người dân đã trồng theo tự phát theo xu thế của thị trường. Hiện nay, khi phát hiện một số loại cây trồng không thích nghi với tiểu vùng khí hậu thì các ngành chức năng địa phương đang khuyến khích người dân chuyển đổi một cách phù hợp.
Xây dựng lộ trình chuyển đổi cây trồng
Ngành chức năng xác định, Đắk Nông có 21.725hecta cà phê, hồ tiêu, điều, cao su sản xuất ở những vùng không thích nghi với điều kiện tự nhiên, khí hậu cần chuyển đổi. Trong đó, có 17.673hecta cà phê và hồ tiêu, 1.033hecta điều, 3.019hecta cao su.
Liên quan đến việc này, UBND tỉnh Đắk Nông đã ký ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu đến năm 2030.
Cụ thể, hiện nay, trên toàn tỉnh Đắk Nông có hơn 21.700 hecta cây lâu năm như: Cà phê, hồ tiêu, cao su, điều… cần chuyển đổi. Đối với vấn đề này, tỉnh Đắk Nông xác định từ nay đến năm 2030, tỉnh sẽ chuyển đổi 6.252 hecta cà phê sang trồng cây ăn trái.
Đối với 950 hecta tiêu không phù hợp sẽ được tỉnh chuyển sang trồng ca cao, sầu riêng, mít; 291 hecta điều được chuyển sang trồng sầu riêng, bơ, cam, quýt, bưởi…
Với 1.041 hecta cao su không thích nghi, tỉnh cũng chuyển đổi sang trồng cây ăn trái. Các diện tích cây lâu năm không phù hợp còn lại, tỉnh chuyển đổi sau năm 2030.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, việc chuyển đổi cây trồng được xem là một trong những giải pháp quan trọng để sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để việc chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả, ngành Nông nghiệp sẽ đồng hành với người dân. Việc chuyển đổi cây trồng sẽ được thực hiện một cách bài bản, khoa học, tuân thủ quy hoạch, không mang tính tự phát.
“Ngành Nông nghiệp sẽ là cầu nối để tiêu thụ các loại cây trồng sau khi chuyển đổi, tạo liên kết bền vững, gắn sản xuất với tiêu thụ. Từ chuyển đổi cây trồng, tỉnh sẽ hình thành các vùng nguyên liệu đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu, làm cơ sở kêu gọi đầu tư vào sơ chế, chế biến…” – lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay.