Bão số 3 càn quét khiến các cơ sở lưu trú, hạ tầng du lịch Quảng Ninh, Hải Phòng tan hoang. Những nỗ lực ngày đêm để tái thiết, sửa chữa đã giúp Quảng Ninh đón cả chục nghìn du khách, còn Hải Phòng sẽ trở lại trạng thái bình thường từ tháng 11.
LỜI TÒA SOẠN:
Bão số 3 Yagi với cường độ mạnh nhất 30 năm qua trên Biển Đông và 70 năm qua trên đất liền đã để lại những hậu quả rất nghiêm trọng về người, tài sản, sinh kế và tâm lý người dân.
Giữa những ngày bão lũ triền miên, cả hệ thống chính trị và toàn dân đã hướng về đồng bào bị thiệt hại với tinh thần “tập trung hỗ trợ cao nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất” cả về vật chất và tinh thần.
Và nay, tinh thần “tái thiết nhanh nhất” lại được gấp rút triển khai ở những vùng bão lũ tàn phá.
Nỗ lực khắc phục để sớm ‘hồi sinh’
Nhớ lại thời điểm bão số 3 đổ bộ, ông Trần Văn Hồng (chủ đội tàu Hồng Hải) kể rằng, trước khi bão về, ông cùng nhân viên đã ráo riết di chuyển tàu du lịch về khu neo đậu tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu và Bãi Cháy. Các tàu được chằng néo dây chắc chắn để đảm bảo không bị trôi dạt, chìm đắm.
Tuy nhiên, cơn bão khủng khiếp với gió giật liên hồi, những đợt sóng vồ vập táp vào bờ khiến những phương tiện thủy trôi nổi khác va đập vào đội tàu của ông Hồng, gây hư hỏng.
Bão qua, khu neo đậu tàu thuyền tan tành như một “bãi chiến trường”. Đội tàu của ông Hồng bị hư hỏng phần vỏ, khoang máy và ngay lập tức phải đưa đi sửa chữa. Thế nhưng, chỉ sau 1 tuần “lấy đà”, đội tàu Hồng Hải đã vào guồng và có thể đón khách trở lại.
“Ngay khi được phép đón khách du lịch trở lại, đội tàu của tôi đều kín khách”, ông Hồng nói.
Hàng loạt tàu du lịch bị hư hỏng sau bão số 3. Ảnh: Phạm Công
Cô Tô là địa phương đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh hứng chịu tác động từ cơn bão số 3. Tại đây gió giật cấp 17, hàng loạt công trình, nhà ở của người dân bị tốc mái. Trước tình huống cấp bách, nhiều cơ sở kinh doanh lưu trú tại huyện đảo này đã tiếp nhận người dân vào ở.
Là một trong những khách sạn đầu tiên tự nguyện đón người dân đến ở miễn phí, bà Lê Thị Loan (SN 1981, chủ khách sạn CoTo View) chia sẻ, 13 phòng của khách sạn kín du khách và người dân lưu trú khi bão đổ bộ. Mọi người tới đây được phục vụ ăn uống mà không phải trả bất cứ chi phí nào.
Bão số 3 quần thảo. Nhiều cửa sổ tại khách sạn của bà Loan bị gió giật tung, xung quanh tan hoang, đổ nát.
Do đặc thù là hải đảo nên việc sửa chữa, thay mới đồ đạc khó hơn rất nhiều so với trong đất liền. Sau một tuần bão số 3 đi qua, thay lời cảm ơn, những người dân, du khách trước đó được ở miễn phí, đã chủ động tìm nguồn cung ứng mái tôn, khung sắt, kính cửa sổ giúp bà Loan đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bão, rút ngắn thời gian hoạt động trở lại.
“Đến nay, khách sạn đã mở cửa. Nếu không có sự giúp đỡ của người dân, của du khách thì khách sạn của tôi khó có thể hoạt động trở lại sớm như vậy”, bà Loan nói.
Nhiều khách sạn tại Quảng Ninh đã kịp thời sửa chữa kính bị vỡ do bão số 3 để tiếp tục đón khách. Ảnh: Phạm Công
Một tuần sau bão, Quảng Ninh đã đón hàng nghìn du khách
Ngày 13/9, vịnh Hạ Long chính thức mở cửa để tàu du lịch hoạt động trở lại. Chỉ một tuần sau khi bị bão số 3 tàn phá, ngành du lịch Quảng Ninh đã nỗ lực tái thiết và sớm “hồi sinh”, đón hơn 6.000 lượt khách đến tham quan, lưu trú, trong đó có nhiều đoàn khách du lịch quốc tế.
Riêng trong ngày 13/9, khoảng 50 tàu du lịch đưa 1.000 lượt khách tham quan vịnh Hạ Long.
Ban Quản lý vịnh Hạ Long cùng các cơ quan, doanh nghiệp và tình nguyện viên đã khẩn trương dọn dẹp, mua sắm các thiết bị, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn cho du khách tới tham quan.
Đến thời điểm này, có 315/359 tàu tham quan, tàu nhà hàng và tàu lưu trú, tương đương với 88% số tàu trên vịnh Hạ Long đã sẵn sàng phục vụ khách du lịch.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, nói rằng sau thời gian sửa chữa ngoại thất do bị sóng đánh va chạm với tàu khác, du thuyền Heritage Bình Chuẩn đã đón khách trở lại từ ngày 13/9, còn du thuyền Emper Cruises Legacy Hạ Long hỏng nặng hơn nhưng cũng đã kịp khắc phục và đón khách từ 16/9.
Ngay sau khi mở cửa trở lại, nhiều du khách đã tới vịnh Hạ Long để tham quan, du lịch. Ảnh: T.C
Cả hai tàu đều kín khách đến cuối tháng 9, chủ yếu là khách quốc tế đến từ châu Âu, Mỹ… Đến nay, hai tàu đã đón tổng cộng 6 đoàn, mỗi đoàn gần 100 khách. Sang tháng 10, khách sẽ đông hơn.
“Chúng tôi đang sửa tàu cao tốc đưa đón khách từ cảng ra du thuyền, cố gắng ngày 15/10 sẽ xong. Nhà chờ tại cảng cũng vừa hoàn thiện, đã đưa vào phục vụ du khách. Tuy nhiên, việc quan trọng nhất hiện nay là dọn sạch môi trường vịnh vì rác sau bão ngổn ngang, chưa kể các tàu thuyền bị chìm chưa trục vớt được dễ gây nguy hiểm khi di chuyển trên biển”, ông Phạm Hà lưu ý.
Là doanh nghiệp có nhiều khu vui chơi bị thiệt hại nặng do bão số 3, nhưng với những nỗ lực nhanh nhất, ngày 23/9, Sun Group chính thức mở cửa trở lại tổ hợp giải trí Sun World Ha Long. Công viên Rồng cũng dự kiến đón khách trở lại từ giữa tháng 10.
Ghi nhận lượng khách những ngày đầu mở cửa trở lại, ông Trần Văn Minh, Giám đốc Sun World Ha Long, chia sẻ, lượng khách tới tham quan công viên và trải nghiệm cáp treo những ngày qua duy trì ở mức khá ổn định. So với cùng kỳ năm 2023, số lượng khách vẫn ghi nhận sự tăng trưởng tích cực; đặc biệt, phần lớn là khách quốc tế đến từ Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), chiếm tới 78%.
Một số khách sạn tại Hạ Long dù còn nhiều ô cửa kính bị hư hỏng vì chưa có vật liệu sửa chữa đang duy trì đón khách sau bão số 3. Ảnh: Phạm Công
Theo Ban Quản lý vịnh Hạ Long, chỉ trong hơn 10 ngày (từ 10/9-22/9), vịnh Hạ Long đã đón gần 52.000 lượt du khách, trong đó khách quốc tế chiếm 88,5%, đông nhất vẫn là các đoàn khách châu Âu, Hàn Quốc. Trong khi đó, mùa cao điểm đón khách quốc tế tại Hạ Long là từ tháng 10 tới tháng 3 năm sau.
“Sau những ngày bão giông vừa qua, nhìn thấy khách trở lại đông đảo như vậy quả là một tín hiệu vô cùng đáng mừng”, ông Trần Văn Minh nhận xét.
Tuy nhiên, trong thời gian chờ Hạ Long “hồi phục”, một số đoàn khách quốc tế đến Quảng Ninh trong tháng 9, 10 đã chuyển hướng tham quan sang các điểm đến miền Trung, Nam và các đảo (Phú Quốc, Côn Đảo), một số vẫn tham quan miền Bắc ở khu vực Ninh Bình, Hà Nội.
Một số đoàn dời thời gian khởi hành để chờ các dịch vụ miền Bắc phục hồi trở lại để có thể tham quan, bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị truyền thông Vietluxtour (TP.HCM), nói.
‘Thủ phủ’ du lịch Hải Phòng sẽ trở lại bình thường từ tháng 11
Ngành du lịch Hải Phòng thiệt hại nặng nề sau bão số 3. Đã 20 ngày trôi qua, “thủ phủ du lịch” Cát Bà vẫn ngổn ngang, khách sạn, nhà hàng bị bão đánh te tua chưa sửa chữa xong. Khách du lịch còn e dè, chưa dám trở lại hòn đảo xinh đẹp này.
Chính quyền địa phương cùng doanh nghiệp, nhân dân Cát Hải đang dồn sức, dồn của để nhanh chóng sửa chữa, xây dựng lại cơ sở lưu trú bị bão làm hư hỏng.
Cảnh thị trấn Cát Bà tan hoang sau bão số 3. Ảnh: Hoài Anh
Ông Phạm Trí Tuyến, Trưởng phòng Văn hoá, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Cát Hải (Hải Phòng) chia sẻ với PV VietNamNet rằng, bão số 3 đã khiến huyện Cát Hải thiệt hại gần 1.300 tỷ đồng.
Trên địa bàn huyện đảo có 313 cơ sở lưu trú phục vụ hoạt động du lịch. Bão số 3 đã làm cho tất cả cơ sở lưu trú trên bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tính đến nay, có khoảng 30-40% nhà nghỉ, khách sạn đã sửa chữa xong có thể đón khách. Số lượng lớn còn lại vẫn trong cảnh đổ nát, các doanh nghiệp đang nỗ lực để khắc phục.
Dự tính phải hết tháng 10, hoạt động lưu trú trên địa bàn thị trấn Cát Bà nói riêng và huyện Cát Hải nói chung mới trở lại trạng thái bình thường.
Theo ông Tuyến, khó khăn nhất vẫn là cơ sở lưu trú; còn bến phà, cáp treo dẫn ra đảo cũng như các tàu hoạt động đưa khách tham quan vịnh đã phục vụ bình thường trở lại. Thế nhưng sau bão, du khách đến với Cát Bà chưa nhiều.
Vietnamnet.vn
Nguồn:https://vietnamnet.vn/hang-chuc-ngan-du-khach-tham-noi-tam-bao-can-quet-than-toc-hoi-sinh-o-ha-long-2326122.html