Khi viết đề tựa cho cuốn sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn với tư cách là bạn cùng lớp với Đặng Thùy Trâm suốt 3 năm cấp ba ở Trường Chu Văn An, chia sẻ: Trong tâm trí đám học trò chúng tôi lúc nào cũng thấm đẫm tinh thần lãng mạn của Ruồi trâu, của Paven Coocsaghin trong Thép đã tôi thế đấy… Sách vở lúc ấy là đồng nghĩa với văn hóa… Và, có thể nói mà không sợ ngoa là từ đấy, nhiều người đi thẳng ra chiến trường… Sức mạnh của văn học Nga đã gieo cảm hứng và thôi thúc khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ Việt Nam trong chiến tranh.
Ông Vương Trí Nhàn viết và chắc nịch một điều: “Một niềm tin tưởng như chỉ có ở tôn giáo – thứ niềm tin ấy mang đầy cảm giác thánh thiện, chi phối hành động của mọi người. Lao vào chiến tranh lúc ấy không phải chỉ là nghĩa vụ mà còn là niềm ao ước, vinh dự mà nhiều anh chị em chúng tôi cảm thấy phải giành lấy bằng được”. Cả thế kỷ XX, người Việt Nam phải trải qua nhiều cuộc chiến giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Văn học Nga (nói chính xác là văn học Nga Xô viết) là một nền văn học vĩ đại, nền văn học sản sinh ra nhiều thiên tài được cả thế giới biết đến và có ảnh hưởng sâu sắc đến văn học Việt Nam, đến tinh thần của con người Việt Nam.
Ngay từ thời Pháp thuộc, người Việt đã tiếp cận với nhiều tác phẩm văn học Nga như: Phục sinh, Anna Karenina của L.Tolstoi; Những đêm trắng của Dostoievski; Người mẹ của M.Gorki… Tuy nhiên, phải đến năm 1950, khi nước ta lúc đó đã là một quốc gia độc lập và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô, mối giao lưu văn học, văn hóa giữa hai nước mới thực sự phát triển. Thời kỳ này, được sự viện trợ và tạo điều kiện của Liên bang Xô viết, nhiều tác phẩm văn học Nga đã được các dịch giả Việt Nam dịch ra tiếng Việt, xuất bản và phổ biến rộng rãi trong các nhà trường. Nhà thơ, nhà báo Hải Đường, nguyên Ủy viên Ban Biên tập Báo Nhân Dân, một người con của quê hương Bình Lục chia sẻ: Những năm 60-70 của thế kỷ XX, thế hệ trẻ chúng tôi rất yêu văn học Nga, cũng như văn học Trung Quốc, văn học Pháp. Nhưng thích nhất, đọc nhiều nhất là văn học Nga. Các nhà văn cổ điển Nga mà tôi thích đọc là L.Tolstoy, N. Gogol, Maxim Gorky, A.Pushkin, M.Lermontov, A.Ostrovsky, Nikolay Nekrasov, A. Akhmatova, A. Chekhov, v.v..
Những cuốn sách “gối đầu giường” thời ấy là Bộ tiểu thuyết sử thi đồ sộ 4 tập Chiến tranh hòa bình của L. Tolstoi; Người mẹ của Macxim Gorky; Trường ca Lênin, Trường ca Con người của Maiacốpxki… Văn học Nga là tiếng kèn xung trận thôi thúc thế hệ trẻ Việt Nam lên đường ra trận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; là bài ca xây dựng chủ nghĩa xã hội với những nhân vật lý tưởng như Paven Coocsaghin trong cuốn sách nổi tiếng của Nikolai A.Ostrovsky. Paven Coocsaghin là hình mẫu lý tưởng lan tỏa, truyền lửa nhiệt huyết với lý tưởng đấu tranh cho sự nghiệp cao đẹp nhất là giải phóng loài người, giải phóng dân tộc. Thế hệ chúng tôi đã thuộc lòng nhiều trích đoạn trong cuốn sách “Thép đã tôi thế đấy”. Có thể nói, văn học Nga với những tác phẩm đồ sộ, có sức hấp dẫn lớn đối với thế hệ trẻ trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh đó, cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Nga có nhiều điểm tương đồng với chiến tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam nên các tác phẩm văn học mang sức mạnh của những binh đoàn, thôi thúc thế hệ trẻ ra trận và làm nên chiến thắng vĩ đại, giành độc lập, thống nhất Tổ quốc. Với những người viết báo, viết văn như chúng tôi thì những câu thơ “Phải phí tổn nghìn cân quặng chữ/ Mới thu về một chữ mà thôi/ Những chữ ấy làm cho rung động/ Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài” của Maiacốpxki là một bài học vô giá về nghề.
Trong buổi gặp mặt các nhà giáo Hà Nam đã nghỉ hưu mới đây, khi nhắc đến văn học Nga, ai cũng dâng trào một cảm xúc thật đặc biệt. Thầy giáo Trần Văn Hường (nguyên Hiệu trưởng Trường THPT B Bình Lục) chia sẻ: Sự vĩ đại và sâu sắc của văn học Nga đã tạo cho chúng tôi thời tuổi trẻ những xúc cảm mãnh liệt về tình yêu, về đất nước. Đặc biệt, văn học Nga khi đó đã cổ vũ lớp thanh niên thời chiến chúng tôi luôn phấn đấu học tập và lao động hết mình, có khát vọng cống hiến lớn lao vì hòa bình. Ai từng là sinh viên, là học sinh, là thanh niên, đã từng đọc hay chưa đọc hết Thép đã tôi thế đấy đều thuộc lòng câu nói nổi tiếng của Paven Coocsaghin: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.
Câu nói ấy đã như một chân lý sống đối với thế hệ trẻ, để rồi đến hôm nay, ở cái tuổi ngoài 80, những người thầy giáo đã sống và đi qua tháng năm chiến tranh, như: Trần Văn Hường, Nguyễn Văn Mộc (Đồng Văn, Duy Tiên), Nguyễn Trí Tuệ (phường Hai Bà Trưng, thành phố Phủ Lý)… đều cho rằng, văn học Nga đã thấm vào máu, tạo nên nhiệt huyết chiến đấu cho nhiều thanh niên thời đó. Vì những tác phẩm lớn, những nhân vật văn học có sức khơi cảm lớn như Paven mà cả thế hệ sinh viên các trường đại học ở Hà Nội đã “xếp bút nghiên” đi vào Trường Sơn, vào mặt trận chiến đấu.
Ông Nguyễn Trí Tuệ (hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học phường Hai Bà Trưng, Phủ Lý) kể: Chúng tôi vừa kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của Khóa Văn – Đại học Sư phạm Hà Nội. Câu chuyện sau 50 năm gặp lại luôn nhắc đến thời điểm anh chị em trong lớp tôi khi đó lên đường theo tiếng gọi của non sông, của Đảng vào chiến trường. Chúng tôi đều như có chung một cảm nhận về sự ảnh hưởng lớn lao của tư tưởng cống hiến trong văn học Nga khi tạo niềm tin cho chúng tôi vững lòng đi vào mặt trận, không sợ khổ, không sợ chết, không sợ kẻ thù… Trong trái tim chỉ có tình yêu dành cho đất nước và niềm tin chiến thắng. Đâu đâu cũng vang vọng tiếng gọi non sông, thôi thúc chúng tôi phải sống hết mình, hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời – sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng hòa bình.
Văn học Nga Xô viết thấm vào tinh thần, ý chí con người Việt Nam. Sau này, khi đất nước đã hòa bình, những tác phẩm của Exenin, A. Bloc, K. Pauxtopxky… vẫn cuốn hút thế hệ chúng tôi – những người sinh ra sau chiến tranh. Bởi vì, những người thầy của chúng tôi là những người tiếp cận nền văn học này sâu sắc nhất, giờ lại trao truyền cảm hứng và tình yêu ấy cho chúng tôi. Cũng từ đây, trong trái tim và tình cảm của chúng tôi về nước Nga thật sự gần gũi, trìu mến và thân thương. Những câu thơ của Exenin “Ôi nước Nga, nước Nga bằng gỗ của tôi/ Tôi là người ngợi ca duy nhất. Tôi đã sống/ Những bài thơ hoang dại, buồn đau ảo mộng/ Như làm bằng chất nhựa của cây sồi…” hay những câu thơ của Blok, người vẽ tượng đài Tổ quốc bằng thơ: “Ôi nước Nga ngang dọc đầy sông suối/ Và những cánh rừng già vây bọc xung quanh/ Với những đầm lầy và những đàn chim sếu/ Và với cái nhìn mờ đục gã thầy đồng…” đã là những vần điệu nằm lòng của không ít người thuộc thế hệ chúng tôi.
Cho đến bây giờ, câu nói của Paven lại được nhắc đến ở rất nhiều hoàn cảnh “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí…”. Nó vẫn là một chân lý bất hủ soi sáng con đường chúng ta đi!
Giang Nam
Nguồn: https://baohanam.com.vn/van-hoa/van-hoc-nghe-thuat/van-hoc-nga-va-cam-hung-yeu-nuocacho-the-he-tre-viet-nam-trong-chien-tranh-140699.html