Powered by Techcity

Triển vọng từ mô hình liên kết sản xuất khoai tây làm nguyên liệu chế biến




Để hình thành vùng nguyên liệu cung cấp cho nhà máy chế biến của Công ty TNHH Thực phẩm PepsiCo Việt Nam (Khu Công nghiệp Đồng Văn I mở rộng, thị xã Duy Tiên) thông qua Công ty cổ phần Logistics Viettrans, vụ đông năm nay trên địa bàn tỉnh đã xây dựng 2 mô hình trồng khoai tây có tổng diện tích 4 ha. Đây là giống khoai tây mới (FL2215) chuyên phục vụ cho chế biến (không sử dụng được cho tiêu dùng hằng ngày). Từ mô hình này, hứa hẹn mở ra hướng sản xuất mới tại các địa phương.

Mô hình trồng khoai tây giống FL2215 làm nguyên liệu chế biến có diện tích 3 ha của anh Đặng Xuân Nam, trên vùng đất bãi ven sông Hồng (xã Nguyên Lý, Lý Nhân), cây đang lên xanh tốt, độ đồng đều cao. Đặc biệt, cây khoai tây có tốc độ sinh trưởng nhanh, thân to và dài gấp 2 lần những loại khoai tây thường trồng từ trước đến nay. Được biết, anh Nam đang sản xuất trên vùng đất bãi có diện tích 18 ha được thuê lại của người dân không còn nhu cầu sản xuất. Trước đây, diện tích này được anh trồng đa dạng các loại cây, như: húng quế để chiết xuất tinh dầu, chuối tây, cỏ voi, ngô lai…  Sản phẩm làm ra đều tiêu thụ tại thị trường tự do, giá cả bấp bênh theo từng thời điểm của mùa vụ.

Anh Đặng Xuân Nam chia sẻ: Lựa chọn mô hình trồng khoai tây làm nguyên liệu chế biến liên kết với Công ty TNHH Thực phẩm PepsiCo hy vọng mở ra sự thay đổi trong sản xuất. Vụ đầu tiên này, nếu thành công tôi sẽ tiếp tục mở rộng thay thế những loại cây trồng truyền thống hiện nay. Như vậy, giúp quá trình sản xuất ổn định hơn khi sản phẩm khoai tây FL2215 đã có nơi tiêu thụ.


Kiểm tra sinh trưởng cây khoai tây FL2215 tại HTX Nông sản an toàn Liên Hiệp (Thi Sơn, Kim Bảng).

Cùng tham gia mô hình trồng khoai tây FL2215 làm nguyên liệu chế biến cho Công ty TNHH Thực phẩm PepsiCo, HTX Nông sản an toàn Liên Hiệp, xã Thi Sơn (Kim Bảng) trồng 1 ha, chiếm 20% tổng diện tích sản xuất. Mô hình thay thế cho diện tích trồng khoai tây truyền thống và rau xanh (su hào, bắp cải, súp lơ…) trước đây của HTX tuy hiệu quả kinh tế khá tốt, nhưng thiếu ổn định về thị trường. Theo anh Phạm Hoàng Hiệp, Giám đốc HTX Nông sản an toàn Liên Hiệp, cây khoai tây giống mới này khỏe và hầu như chưa xuất hiện sâu, bệnh. Qua kiểm tra thử sau 2 tháng trồng, cây khoai tây giống FL2215 đang cho củ sai, khả năng cho năng suất cao và vượt giá trị cả các loại rau thực phẩm vẫn trồng trước đây. HTX  hy vọng có thể duy trì và mở rộng thêm diện tích sản xuất trong những vụ tiếp theo…

Giống khoai tây mới chịu thâm canh cao và trồng với mật độ dày gấp 2 lần khoai tây truyền thống. Tuy chi phí sản xuất (gồm cả giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) khá cao, khoảng gần 3 triệu đồng/sào, nhưng khả năng đem lại hiệu quả vượt trội. Về năng suất, cây khoai tây giống FL2215 có thể đạt từ 25 – 30 tấn/ha, gấp 2 lần khoai tây thường. Như vậy, với giá thu mua của doanh nghiệp 8.000 đồng/kg theo hợp đồng đã ký, giá trị sản xuất sẽ đạt hơn 200 triệu đồng/ha/vụ (bình quân đạt khoảng 7,5 triệu đồng/sào), trừ chi phí lợi nhuận đem lại hơn 50%, cao gấp gần 2 lần khoai tây thường.

Quá trình sản xuất, người dân được doanh nghiệp ký hợp đồng cung ứng toàn bộ giống đúng chủng loại, chất lượng theo phương thức trả chậm đến cuối vụ (đối trừ vào sản phẩm); hướng dẫn kỹ thuật cả trong quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, phân loại và đóng bao bì sản phẩm để vận chuyển về nhà máy. Quan trọng hơn, toàn bộ sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng sẽ được doanh nghiệp thu mua (theo khuyến cáo, khi trồng đúng yêu cầu kỹ thuật tỷ lệ khoai loại 1 chiếm cơ bản). Bà Trần Thị Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm (Sở NN & PTNT) cho biết: Qua theo dõi các mô hình trồng khoai tây giống FL2215 cho thấy khả năng đạt năng suất cao. Sản xuất liên kết với doanh nghiệp giúp tạo thành vùng có diện tích lớn, cho sản phẩm hàng hóa tập trung. Triển vọng mô hình sẽ được áp dụng nhân rộng trong những vụ tiếp theo.

Cây khoai tây giống FL2215 phù hợp với sản xuất trên vùng đất bãi do thời gian sinh trưởng dài (thu hoạch sau Tết Nguyên đán). Tỉnh ta có tổng diện tích đất bãi khoảng 3.000 ha ven các sông chạy qua địa bàn, trong đó, nhiều diện tích đất bãi hiện nay người dân chủ yếu trồng ngô lai và một số loại cây trồng khác hiệu quả kinh tế thấp (khoảng 1 triệu đồng/sào/vụ). Mô hình trồng khoai tây giống FL2215 làm nguyên liệu chế biến có tiềm năng năng suất cao, có nhiều khả năng sẽ được nhân rộng ở các vụ sản xuất tiếp theo, giúp khai thác hiệu quả diện tích đất bãi, nâng cao thu nhập cho người dân.

Manh Hùng





Nguồn: https://baohanam.com.vn/kinh-te/nong-nghiep/trien-vong-tu-mo-hinh-lien-ket-san-xuat-khoai-tay-lam-nguyen-lieu-che-bien-143188.html

Cùng chủ đề

Chống lãng phí và chuyển động từ những công trình “đắp chiếu”

Chuyển động từ những công trình “đắp chiếu” nhiều năm Chống lãng phí phải trở thành công việc cần làm ngay từ Trung ương đến địa phương và việc lan tỏa được tinh thần này đã bắt đầu chuyển biến tại nhiều địa phương, ngay chính tại các công trình vốn lâu nay “câu giờ”, “đắp chiếu”. Tại Hà Nội, công viên Phùng Khoang vốn là dự án nổi tiếng về chậm tiến độ đã được khẩn trương thi công và...

48 giờ ở Mộc Châu

...

Cùng tác giả

Chống lãng phí và chuyển động từ những công trình “đắp chiếu”

Chuyển động từ những công trình “đắp chiếu” nhiều năm Chống lãng phí phải trở thành công việc cần làm ngay từ Trung ương đến địa phương và việc lan tỏa được tinh thần này đã bắt đầu chuyển biến tại nhiều địa phương, ngay chính tại các công trình vốn lâu nay “câu giờ”, “đắp chiếu”. Tại Hà Nội, công viên Phùng Khoang vốn là dự án nổi tiếng về chậm tiến độ đã được khẩn trương thi công và...

48 giờ ở Mộc Châu

...

Cùng chuyên mục

Tin nổi bật

Tin mới nhất