Năm 2024, giá trị tổng sản phẩm toàn tỉnh tăng 10,93%, đứng thứ 2 khu vực đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 5 của cả nước. Để có được kết quả trên, dòng vốn tín dụng đóng vai trò rất quan trọng, trong đó các tổ chức tín dụng (TCTD) đã giải ngân kịp thời vào các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh tăng trưởng.
Hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên
Theo tổng hợp của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh Hà Nam, ước đến ngày 31/12/2024, dư nợ tín dụng trên địa bàn toàn tỉnh đạt khoảng 82.500 tỷ đồng (tăng trưởng hơn 13%/năm). Trong tổng dư nợ trên, phần lớn nguồn vốn được đầu tư hướng vào các lĩnh vực ưu tiên, như: công nghiệp, dịch vụ thương mại, nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp đạt hơn 30 nghìn tỷ đồng (không bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển), tăng hơn 1,31% so với đầu năm, với hơn 103.055 khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay doanh nghiệp được hơn 36.442 tỷ đồng, tăng 2,56% so với đầu năm; dư nợ cho vay công nghiệp hỗ trợ hơn 1.457 tỷ đồng, tăng 52,09% so với 31/12/2023.
Theo đánh giá của các ngân hàng thương mại (NHTM), năm 2024 việc giải ngân nguồn vốn tín dụng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, lạm phát kéo dài, trong khi đó nhu cầu sử dụng vốn của nhiều khách hàng, đặc biệt là những khách hàng có tiềm năng sản xuất kinh doanh giảm. Tuy nhiên, các NHTM đã bám sát chỉ đạo của hệ thống, chương trình phát triển kinh tế của tỉnh đầu tư theo các chuyên đề, mục tiêu, dự án… góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế của tỉnh tăng trưởng. Điển hình, thực hiện Đề án phát triển đàn bò sữa trên địa bàn tỉnh, đến nay các NHTM đang giải ngân hơn 32 tỷ đồng cho hơn 70 khách hàng vay. Thông qua nguồn vốn, nhiều khách hàng đã mở rộng trang trại góp phần nâng cao thu nhập cho kinh tế hộ.
Ông Nguyễn Văn Khu (xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên) chia sẻ: Trang trại của gia đình tôi nuôi 150 con bò sữa, trong đó có 120 con đang cho khai thác sữa, một ngày thu được từ 1,5 – 2 tấn sữa, trừ chi phí lãi khoảng 2-3 triệu đồng/con/tháng.
Theo ông Khu, để phát triển đàn bò sữa, ngoài sử dụng vốn của gia đình, ông phải vay vốn ngân hàng đầu tư xây dựng chuồng trại, mua bò giống, trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Đầu những năm 2000, ông đã mạnh dạn thuê đất của xã, của bà con trong thôn kết hợp với đất nông nghiệp của gia đình xây dựng trang trại nuôi bò. Sau hơn 20 năm làm nghề, từ nuôi vài con, đến nay trang trại của ông đang nuôi 150 con bò sữa. Hiện ông đã hoàn toàn làm chủ quy trình, kỹ thuật chăn nuôi bò sữa. Thời kỳ cao điểm trang trại sử dụng khoảng 6 tỷ đồng nguồn vốn vay của ngân hàng.
Thời gian qua, trên địa bàn thị xã Duy Tiên đã phát triển được 107 hộ nuôi bò sữa, với tổng đàn duy trì hơn 3.500 con. Hầu hết các hộ gia đình đều sử dụng vốn vay của ngân hàng đầu tư xây dựng trang trại đem lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó có nhiều hộ đã hoàn trả cả vốn và lãi theo quy định.
Ngoài dự án phát triển chăn nuôi bò sữa, thực hiện các nghị quyết chuyên đề, đề án, chương trình phát triển kinh tế của tỉnh, ước đến hết năm 2024 các NHTM đã giải ngân hơn 50 nghìn tỷ đồng cho khách hàng vay đầu tư sản xuất, kinh doanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Hà Nam II cho biết: So với bình quân chung của cả tỉnh, trong năm 2024, Chi nhánh Agribank Hà Nam II có mức tăng trưởng khá, ước đạt khoảng 16-20%. Đến nay, dư nợ của chi nhánh đạt khoảng 8.600 tỷ đồng, vượt khoảng 300 tỷ đồng so với kế hoạch được giao, trong đó nợ xấu dưới 1,5%. Trong tổng nguồn vốn trên có hơn 30% nguồn vốn đầu tư cho vay doanh nghiệp, còn lại gần 70% cho vay kinh tế hộ, dịch vụ thương mại. Khách hàng vay vốn đầu tư đúng dự án, nhanh chóng phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh tăng trưởng.
Theo chỉ đạo của Chi nhánh NHNN tỉnh Hà Nam trong năm 2024, các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Để đạt được tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 13%, hệ thống các NHTM đã phải nỗ lực lớn để cung ứng cho nền kinh tế một lượng vốn tín dụng phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng song vẫn kiểm soát được các nguy cơ rủi ro tín dụng. Trong bối cảnh đó, bên cạnh việc điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt và sát với diễn biến của thị trường, các TCTD đã phải tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao tính hấp dẫn của các chương trình tín dụng đang được triển khai.
Phấn đấu hoàn thành tăng trưởng tín dụng năm 2025
Năm 2025, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế, Chi nhánh NHNN tỉnh Hà Nam yêu cầu các TCTD cần tập trung vào những giải pháp cụ thể, có thể định hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên và có khả năng phục hồi tốt theo chỉ đạo của tỉnh. Các lĩnh vực ưu tiên là: nông nghiệp – nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hướng dòng vốn vào các lĩnh vực, dự án xanh; vốn cho các ngành hàng thiết yếu của nền kinh tế và vốn cho nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân. Riêng việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn được thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa, vừa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nhưng cũng vừa kiểm soát chặt chẽ để tránh lợi dụng chính sách.
Để hướng dòng vốn vào các lĩnh vực trên, Chi nhánh NHNN tỉnh Hà Nam chỉ đạo các TCTD: đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay và tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay; triển khai nghiêm túc, kịp thời các văn bản chỉ đạo của NHNN và hướng dẫn của TCTD cấp trên; triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm hạn chế nợ xấu mới phát sinh; tích cực tham gia và triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp; phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay và chủ động áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Ông Phạm Văn Tùng, Quyền Giám đốc Chi nhánh NHNN tỉnh Hà Nam cho biết: Quan điểm chỉ đạo của đơn vị đối với các TCTD là tăng trưởng tín dụng đi liền với kiểm soát chất lượng tín dụng. Các TCTD phải chấp hành các quy định và chỉ đạo của NHNN Việt Nam về lãi suất kinh doanh, đặc biệt là lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; các quy định về cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; tiết kiệm chi tiêu nội bộ để giảm lãi suất cho khách hàng; thực hiện nghiêm các quy định chỉ đạo của NHNN; xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả nợ đúng hạn, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng thuận lợi, từng bước vươn lên ổn định sản xuất, kinh doanh. Các TCTD đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền cơ chế, chính sách, thông tin về các sản phẩm dịch vụ, chương trình tín dụng ưu đãi, đặc thù của đơn vị; công khai các biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp biết và dễ dàng tiếp cận các chương trình tín dụng.
Năm 2025, Chi nhánh NHNN tỉnh Hà Nam tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai chủ trương, chính sách có liên quan tới lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng; thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin nhằm nâng cao chất lượng hoạt động ngân hàng trên địa bàn; triển khai kịp thời, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của NHNN và hướng dẫn của TCTD cấp trên; đầu tư tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên và định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Trần Thoan
Nguồn: https://baohanam.com.vn/kinh-te/tin-dung-thuc-day-kinh-te-tang-truong-145548.html