Sáng 6/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương.
Giữ mức lạm phát dưới 4,5%
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện báo cáo và dự thảo Nghị quyết phiên họp, sớm trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Thủ tướng biểu dương một số địa phương có GRDP 6 tháng tăng mạnh: Bắc Giang tăng 14,14%; Khánh Hoà tăng 12,73%; Thanh Hoá tăng 11,49%; Hà Nam tăng 10,35%; Hải Phòng tăng 10,32%; Trà Vinh tăng 10,27%; Hải Dương tăng 10%.
Bên cạnh những thành quả tích cực, cơ bản, Thủ tướng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế ở một số địa phương còn thấp; trong đó một số đầu tàu kinh tế có tốc độ tăng trưởng thấp hơn bình quân chung cần phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa.
Thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ trong chỉ đạo điều hành, cần lưu ý quý III, quý IV có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của năm 2024 để phấn đấu đạt mức cao nhất kế hoạch năm 2024.
“Mục tiêu là phấn đấu đạt tăng trưởng GDP từ 6,5-7% trong quý III, sau đó xác định mục tiêu phù hợp trong quý IV”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu giữ mức lạm phát dưới 4,5%.
Thủ tướng yêu cầu không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, “say sưa chiến thắng”; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; không để tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm; đồng thời quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực bên trong và bên ngoài.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; phát huy tinh thần chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; nắm chắc diễn biến tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả.
Trong mọi trường hợp phải tăng cường đoàn kết, thống nhất; ổn định chính trị xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập quốc tế và thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.
Giữ vững ổn định thị trường vàng, ngoại tệ
Chỉ rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng trước hết yêu cầu thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Lãnh đạo chủ chốt, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; phối hợp đồng bộ, hài hòa và tạo thuận lợi cho việc thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.
Tiếp tục điều tiết tỉ giá, mặt bằng lãi suất phù hợp; trong đó lưu ý giảm mặt bằng lãi suất cho vay, chi phí vay để hỗ trợ sản xuất kinh doanh; bảo đảm cung ứng đủ vốn tín dụng, tăng tiếp cận vốn tín dụng.
Giữ vững ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng. Siết chặt kỷ luật tài chính, ngân sách Nhà nước, tăng cường quản lý thu, tiết kiệm chi; đẩy mạnh chuyển đổi số, sử dụng hóa đơn điện tử, chống thất thu thuế, nhất là từ thương mại điện tử. Tiếp tục thực hiện việc miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của 5 Tổ công tác của Thủ tướng và 26 Tổ công tác của thành viên Chính phủ; kiên quyết điều chuyển 29.900 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ chi tiết; tháo gỡ khó khăn giải ngân vốn ODA; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao.
Bên cạnh đó, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Đồng thời, thúc đẩy tăng cung của nền kinh tế, trong đó lưu ý tập trung thực hiện các giải pháp phát triển cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, nhất là các ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao và các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, lan tỏa mạnh mẽ để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng.
Khẩn trương ban hành Kế hoạch triển khai các quy hoạch. Quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh chuyển đổi số, Đề án 06, xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia. Tiếp tục xử lý dứt điểm các vấn đề, dự án tồn đọng, kéo dài.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/thu-tuong-phan-dau-tang-truong-gdp-quy-iii-tu-6-5-7-a671734.html