Powered by Techcity

Thơ Hà Nam cần có đột phá!




Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Hà Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2023-2028 được tổ chức với một không khí và diện mạo mới. Tham gia Ban Chấp hành Hội khóa này, nhà thơ Nguyễn Văn Thắng rất trăn trở và mong muốn góp một phần trách nhiệm của mình cho sự phát triển thơ Hà Nam. Phóng viên Báo Hà Nam có cuộc gặp gỡ và trao đổi với nhà thơ bên lề Đại hội.

Nhà thơ Nguyễn Văn Thắng (thứ 2 từ bên trái sang) là một trong số các hội viên được đại hội bầu vào BCH Hội VHNT tỉnh Hà Nam khóa VI.

PV: Xin chào nhà thơ Nguyễn Văn Thắng, chúc mừng ông được Đại hội bầu vào Ban Chấp hành Hội VHNT tỉnh Hà Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2023-2028! Ông có chia sẻ gì khi trở thành Ủy viên Ban Chấp hành khóa này của Hội.

Nhà thơ Nguyễn Văn Thắng: Được bầu vào Ban Chấp hành Hội tuy là điều bất ngờ với tôi nhưng với trách nhiệm cá nhân và tình cảm dành cho quê hương Hà Nam nói chung và VHNT Hà Nam nói riêng nên dù bận rất nhiều việc, tôi sẽ luôn nỗ lực, dành mọi tâm sức cho nhiệm vụ mới này. Riêng với lĩnh vực sáng tác thơ, trên cương vị mới, tôi rất mong thơ Hà Nam phát triển hơn nữa, các hội viên trong chi hội thơ có một môi trường sáng tạo tốt hơn, tác phẩm xuất bản đến được với đông đảo bạn đọc.

P.V: Với cảm quan cá nhân, ông nhận xét thế nào về thơ Hà Nam hiện nay?

Nhà thơ Nguyễn Văn Thắng: Với câu hỏi này, tôi chỉ xin mạn phép đề cập đến thơ của các hội viên Hội VHNT tỉnh Hà Nam thôi. Hiện nay, Chi hội Thơ có 28 hội viên, chiếm gần một phần tư tổng số hội viên của Hội VHNT tỉnh Hà Nam, ở 7 chuyên ngành. Thực tế cho thấy, thơ Hà Nam có tiềm năng rất lớn khi có hai nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; một số nhà thơ đã lộ diện chân dung rõ nét, tác phẩm xuất bản có giá trị, tạo được dấu ấn và vị thế riêng, phong cách riêng. Nhiều nhà thơ tuổi đã cao vẫn gắn bó với hội, sức viết tốt, tác phẩm xuất bản đều. Có những nhà thơ “lấn sân” sang lĩnh vực khác và ít nhiều thành công.

Mặt khác, thơ của các hội viên Hội VHNT tỉnh hiện vẫn giữ được nét riêng hiền hòa, trong trẻo, dù không có nhiều những đột phá hay sáng tạo bất ngờ, khi thể hiện được sự đằm thắm, dịu dàng, thân thiện trong tâm hồn của con người Hà Nam – những con người chịu thương, chịu khó, vươn dậy từ chính mảnh đất vốn nhiều gian nan. Hơi thở của cuộc sống đã đi vào thơ ca, gợi lên không khí lao động sản xuất, học tập hăng say, miệt mài của nhân dân, không còn dừng lại ở cảm xúc cá nhân bất chợt nữa… Đó là cái được!

Tuy nhiên, thơ của các hội viên Hội VHNT tỉnh nói riêng, thơ Hà Nam nói chung hiện có biểu hiện chững lại. Có những nhà thơ được đánh giá tích cực về năng lực, tư duy sáng tác thơ nhưng lại không tỏa sáng như kỳ vọng; một vài nhà thơ nhiều năm không công bố được tác phẩm mới, không còn giữ được “chất thơ” riêng,… Vì thế, để tìm những gương mặt thơ ca tiêu biểu cho thơ Hà Nam hôm nay là không nhiều.

Bên cạnh đó, số lượng tác phẩm xuất bản trong 5 năm qua tương đối lớn, với khoảng 30 tập thơ. Nội dung của nhiều tập thơ tương đối tốt, nghĩa là thơ hay cũng nhiều. Nhưng tôi vẫn thấy, chất lượng in ấn của một số tập thơ chưa hấp dẫn, thiếu đi cái sang trọng. Trong xu thế chung bây giờ, người ta đến với thơ không phải chỉ đọc thơ đâu, mà còn chơi thơ, nên việc coi trọng hình thức in ấn, thể hiện thơ của các tác giả là rất cần thiết. Bởi, nếu nội dung thơ hay nhưng hình thức đuối, cũ sẽ khó tạo ấn tượng cho bạn đọc. Hay sáng tác nhiều, in nhiều, nhưng lại thiếu chọn lọc nên có những tập thơ dù được in ra vẫn không hấp dẫn người đọc, sớm đi vào quên lãng.

P.V: Có phải vì điều này mà những năm qua, thơ Hà Nam ra đời nhiều nhưng vẫn ít bạn đọc, ít thu hút sự quan tâm của công chúng. Theo ông, điều gì đang tác động khiến sự phát triển thơ của Hà Nam chưa đúng với mong đợi của chúng ta?

Nhà thơ Nguyễn Văn Thắng: Thơ Hà Nam ít bạn đọc, tôi và nhiều người cũng nghĩ vậy! Hiện có thực tế, các tác giả, các nhà thơ viết ra nhưng lại không phát hành được nhiều. Còn điều gì đang tác động đến sự phát triển thơ Hà Nam chưa được như mong đợi của chúng ta ư? Theo tôi, có nhiều chứ! Thí dụ, tuổi tác của hội viên Chi hội Thơ hầu hết đã trên, dưới 70 rồi. Phải nói một sự thật không vui và rất đáng lo ngại là trong số 28 hội viên thơ, không có một ai ở độ tuổi còn trẻ nữa. Gần 30 năm, kể từ khi tái lập tỉnh đến nay, thử hỏi chúng ta kết nạp được bao nhiêu nhà thơ trẻ? Bây giờ, ở Chi hội Thơ, người trẻ nhất cũng đã sắp chạm tuổi 50! Việc “trẻ hóa” đội ngũ, tôi nghĩ, không dễ một sớm một chiều có thể khắc phục được.

Bên cạnh đó, chúng ta đang thiếu “sân thơ” cho tuổi trẻ. Và như bạn thấy đấy, không khí thơ chỉ sôi động khi có cuộc thi sáng tác thơ hoặc trong Ngày Thơ Việt Nam! Các nhà thơ trẻ của Hà Nam thiếu đi cơ hội để thể hiện và khẳng định tài năng; thiếu đi một môi trường đặc trưng để ươm mầm, nuôi dưỡng, khích lệ, tạo nên khát vọng và động lực từ bên trong cho thơ phát triển.

P.V: Nguyên nhân nào cho thực tế này, thưa ông?

Nhà thơ Nguyễn Văn Thắng: Nguyên nhân thì có nhiều, có chủ quan, có cả khách quan. Thời gian qua, mặc dù Hội VHNT tỉnh, trong đó có Chi hội Thơ đã có rất nhiều cố gắng tổ chức các hoạt động để tạo nên môi trường cho thơ phát triển nhưng phương thức tổ chức chậm đổi mới, chưa nhiều cách làm có tính đột phá, chưa có một chiến lược thực sự hiệu quả để phát triển đội ngũ sáng tác. Các nhà thơ Hà Nam không kém bất cứ một tỉnh nào trong khu vực đồng bằng sông Hồng, nhưng hình như còn tự ti nên rất ít khi gửi đăng những tờ báo uy tín về văn chương ở trung ương. Và có lẽ, Chi hội Thơ cần những người lãnh đạo dám dấn thân nhiều hơn nữa, cần một cái “đầu tầu” đủ mạnh mẽ để lôi cuốn và trở thành động lực cho phát triển! Các nhà thơ ở Hà Nam cần xây dựng và duy trì sự liên kết cần thiết trong một tập thể để có sự hỗ trợ, tương tác với nhau cho việc tạo nên một môi trường sáng tạo đa dạng, tích cực và nhiều động lực.

P.V: Tôi cũng nghĩ thế, và cho rằng các hội viên thơ Hà Nam nhiều năm qua còn bị hạn chế cả trong việc tiếp cận thực tế, hòa nhập với dòng chảy chung của VHNT nước nhà vì nhiều lý do nữa…

Nhà thơ Nguyễn Văn Thắng: Đúng vậy, các nhà thơ của chúng ta đang thiếu những lớp bồi dưỡng, những lớp nghiên cứu, những sinh hoạt học thuật. Việc tổ chức các trại sáng tác, trại viết cho các nhà văn, nhà thơ tham gia chỉ được vài tuần và thậm chí ít thời gian hơn; với tính chất có những điểm khác với các lớp bồi dưỡng nên các nhà văn, nhà thơ chưa được lĩnh hội nhiều kiến thức, kỹ năng sáng tác. Bên cạnh đó, do không có nhiều hoạt động sinh hoạt thi ca đa dạng cả về quy mô và phương thức tổ chức để giúp đỡ nhau nên các nhà thơ hình như cũng chưa đọc nhiều tác phẩm của nhau để góp ý cho nhau và vẫn hầu hết là mạnh ai nấy sáng tác, mạnh ai nấy in. Tôi cho rằng, sinh hoạt thơ được coi như một diễn đàn trong sáng, cần cho các hội viên nghiêm túc nhìn nhận thực tế, do đó, các diễn đàn thơ nếu được tổ chức thường xuyên sẽ giúp các hội viên trau dồi kinh nghiệm, năng lực, tạo nên một môi trường sáng tạo có trách nhiệm, chuyên nghiệp hơn.

P.V: Theo ông, trong thời gian tới, Hội VHNT nói chung, Chi hội Thơ nói riêng cần làm gì để thơ Hà Nam “cất cánh”?

Nhà thơ Nguyễn Văn Thắng: Có 3 vấn đề tôi muốn trao đổi. Thứ nhất, cần phải thay đổi một cách cơ bản cách thức quản lý của hội và Chi hội Thơ để tạo xung lực mới cho các nhà thơ. Thứ hai, phải đặc biệt chú ý và tạo bước đột phá về việc công bố tác phẩm và đưa tác phẩm đến với công chúng, có tiêu chí cụ thể về việc này để tạo đồng thuận trong tổ chức; tăng cường giới thiệu, quảng bá tác phẩm thơ Hà Nam trên báo chí có uy tín về văn chương ở trung ương, không thể để các tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật nói chung, thơ nói riêng của các hội viên ít được công chúng biết tới. Và cuối cùng, Chi hội Thơ nên chia thành các tổ, tạo điều kiện để các hội viên lớn tuổi sinh hoạt thuận lợi; việc tổ chức Ngày Thơ Việt Nam cần được nghiên cứu tổ chức ở các nơi khác nhau, đồng thời một thời điểm; quan tâm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu lý luận, phê bình văn học nghệ thuật, trong đó có thơ, đối thoại cởi mở, gắn kết hoạt động của Chi hội Thơ với các chi hội khác.

P.V: Việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng tư tưởng chính trị, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm công dân cho hội viên hiện nay rất đáng quan tâm. Ông có nghĩ vậy không?

Nhà thơ Nguyễn Văn Thắng: Lẽ thông thường, văn nghệ không thể đứng ngoài chính trị; thiếu định hướng chính trị, văn nghệ dễ chệch hướng. Những thành tựu to lớn của văn nghệ nước nhà hơn 90 năm qua đều gắn với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, không có những thành tựu tự thân. Vậy nên, sự lãnh đạo của Đảng đối với văn nghệ luôn là một tất yếu khách quan. Không ai nhạy bén hơn đội ngũ trí thức và văn nghệ sĩ, vì thế để Đảng tin yêu, nhân dân quý trọng, họ biết phải làm gì và không bao giờ quên vai trò của mình là một chiến sĩ văn hoá đúng như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận. Anh chị em là những chiến sĩ trên mặt trận ấy”…

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Chu Uyên (Thực hiện)





Nguồn: https://baohanam.com.vn/van-hoa/van-hoc-nghe-thuat/nha-tho-nguyen-van-thang-tho-ha-nam-can-co-dot-pha-139722.html

Cùng chủ đề

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tin nổi bật

Tin mới nhất