Powered by Techcity

Thanh Liêm chú trọng gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống




Cùng với tập trung thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, huyện Thanh Liêm cũng đặc biệt quan tâm công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân, xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng.

Trên địa bàn xã Liêm Cần có 4 di tích được xếp hạng, gồm: Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia đền Lăng và 3 di tích cấp tỉnh đình Trại Hạ, chùa Tứ, đình Bông. Ông Hoàng Văn Vinh, Công chức Văn hóa – xã hội xã Liêm Cần cho biết: Do các di tích được xây dựng từ lâu đời, theo thời gian, nhiều hạng mục của các di tích lịch sử, văn hóa bị xuống cấp nghiêm trọng và hư hại nặng. Những năm qua, địa phương đã tập trung các giải pháp cho gìn giữ, bảo vệ các di tích; trong đó, đã tham mưu, đề xuất với các cơ quan chuyên môn của huyện và của tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí, vận động nguồn lực xã hội hóa để tu bổ, tôn tạo các di tích, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân. Từ năm 2023, xã đã phục dựng lại Lễ hội đền Lăng, hướng tới mục tiêu đưa di tích này trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách tới tham quan.

Theo thống kê, toàn huyện Thanh Liêm có 40 di tích được xếp hạng, trong đó cấp tỉnh 30 di tích, cấp quốc gia 10 di tích; 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 2 nghệ nhân dân gian. Thời gian qua, cùng với kinh phí đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước, các địa phương còn đẩy mạnh công tác xã hội hóa tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn, cơ bản khắc phục được tình trạng xuống cấp, bảo đảm an toàn lâu dài cho công trình.


Đình Tứ (thôn Tam Tứ, xã Liêm Cần) được cải tạo, đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân.

Ông Đặng Như Thọ, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Thanh Liêm cho biết: Những năm trở lại đây, với sự phát triển của du lịch, đòi hỏi công tác gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, khai thác có hiệu quả các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn càng trở nên cấp thiết hơn. Theo đó, để du lịch Thanh Liêm trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách thập phương, huyện đã kịp thời chỉ đạo quy hoạch hạ tầng, phát triển giao thông để kết nối các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, trong đó tập trung vào các di tích có giá trị về kiến trúc nghệ thuật, lịch sử, văn hóa để thúc đẩy phát triển du lịch gắn với văn hóa tâm linh. Một số điểm đến đáng chú ý có thể kể đến, như: Di tích Lịch sử – Văn hóa quốc gia đền Lăng, chùa Tiên, đền thờ Đinh Công Tráng, chùa Cây Thị, chùa Địa Tạng Phi Lai, chùa Phật Quang, chùa Ninh Tảo… Đồng thời, khuyến khích các địa phương đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ nhằm đáp ứng các nhu cầu của du khách, cũng như quảng bá, giới thiệu rộng rãi hơn nữa các sản phẩm đặc trưng của huyện, như: thêu ren Thanh Hà, nón lá Liêm Sơn, bánh đa Kiện Khê… hướng đến phát triển du lịch bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế của huyện.

Để gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, các cấp, ngành, địa phương trong huyện đã quan tâm bảo tồn, phục dựng và tổ chức các lễ hội; thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ quần chúng. Tiêu biểu như: Lễ hội vật võ Liễu Đôi (Liêm Túc), Lễ hội đền Lăng (Liêm Cần), Lễ hội chùa Tiên (thị trấn Tân Thanh), Lễ hội đình, chùa Châu (thị trấn Kiện Khê), Lễ hội Vũ Cố Đại Vương (Thanh Thủy), Lễ hội đình làng Gừa (Liêm Thuận)… Ngoài Lễ hội vật võ Liễu Đôi do Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện tổ chức, các lễ hội đều do cấp xã và cộng đồng dân cư tổ chức. Mỗi lễ hội thường gắn với một câu chuyện, sự kiện lịch sử; song, điểm chung là đều hướng về nguồn cội, là sợi dây kết nối quá khứ và hiện tại, củng cố, nhân lên tinh thần đoàn kết, cổ vũ nhân dân chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, phát triển.

Để gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, các cấp, ngành, địa phương trong huyện đã quan tâm bảo tồn, phục dựng và tổ chức các lễ hội; thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ quần chúng. Tiêu biểu như: Lễ hội vật võ Liễu Đôi (Liêm Túc), Lễ hội đền Lăng (Liêm Cần), Lễ hội chùa Tiên (thị trấn Tân Thanh), Lễ hội đình, chùa Châu (thị trấn Kiện Khê), Lễ hội Vũ Cố Đại Vương (Thanh Thủy), Lễ hội đình làng Gừa (Liêm Thuận)… Ngoài Lễ hội vật võ Liễu Đôi do Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện tổ chức, các lễ hội đều do cấp xã và cộng đồng dân cư tổ chức. Mỗi lễ hội thường gắn với một câu chuyện, sự kiện lịch sử; song, điểm chung là đều hướng về nguồn cội, là sợi dây kết nối quá khứ và hiện tại, củng cố, nhân lên tinh thần đoàn kết, cổ vũ nhân dân chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, phát triển.

Trong các lễ hội, phần lễ được tổ chức trang nghiêm, thành kính, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, địa phương; phần hội là sự kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân gian truyền thống và hiện đại với sự đa dạng, phong phú về loại hình gắn với đặc trưng của địa phương. Với sự chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc, các lễ hội trên địa bàn huyện đều diễn ra an toàn, trật tự, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân theo đúng tinh thần của lễ hội truyền thống và các quy định của pháp luật về quản lý, tổ chức lễ hội.

Thời gian tới, huyện Thanh Liêm chỉ đạo các địa phương tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác tu bổ, tôn tạo di tích; đẩy mạnh tuyên truyền về giá trị của di tích và ý nghĩa, giá trị của lễ hội. Đồng thời, phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư trong quản lý, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; xây dựng con người, gia đình, cộng đồng văn hóa… tạo chuyển biến và động lực trong xây dựng nếp sống văn hóa, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Hoàng Hải





Nguồn: https://baohanam.com.vn/van-hoa/di-san/thanh-liem-chu-trong-gin-giu-phat-huy-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-139957.html

Cùng chủ đề

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tin nổi bật

Tin mới nhất