Không có cây đa, bến nước, sân đình, nhưng làng chài Vung Viêng (vịnh Bái Tử Long, Quảng Ninh) vẫn mang đặc trưng của làng quê Việt Nam, giản dị, thanh bình với những nét văn hóa đặc sắc.
Làng chài Vung Viêng (hay Vông Viêng) ban đầu chỉ là nơi neo đậu của tàu thuyền để ngư dân nghỉ ngơi, tránh gió bão. Dần dần, người dân quần tụ, thế kỷ 19, vùng đất lành trở thành làng trên biển. Dẫu mang những sắc thái đặc trưng của một làng chài nhưng Vung Viêng có cổng làng như bao làng quê Việt Nam khác. Cổng làng Vung Viêng là một vòm đá khổng lồ, ngăn cách không gian phía trong làng và vùng vịnh phía ngoài. Dẫu không có tường hào bao quanh để phân định ranh giới làng như ở đất liền, vào Vung Viêng có rất nhiều lối nhưng cổng làng là lối ra cửa biển gần nhất.
Ngày hè nóng rực, những bóng núi lô nhô của hòn to, hòn nhỏ trên vịnh có mát nhưng nơi mát nhất, thoáng nhất chính là cổng làng. Dưới mái vòm cổng làng, người già, đám trẻ trong làng thường tụ họp. 10 năm vào bờ nhưng vẫn không thể quên 12 năm sinh sống ở làng, anh Vũ Văn Năm kể với chúng tôi về thời gian anh ở làng là những ngày hạnh phúc nhất. Tuy vất vả hơn ở đất liền nhưng người làng chài rất đoàn kết, yêu thương nhau.
Nhà nọ sang nhà kia, tối lửa tắt đèn có nhau. Năm 10 tuổi, anh chuyển ra làng chài sinh sống cùng cha mẹ. Con cái dân chài lặn ngụp rất giỏi. Ngày ấy, anh thường cùng đám bạn ra cổng làng chơi. Có trưa, ở nhà nóng quá, anh lại ra cổng làng mắc võng ngủ ngon lành. Giờ đây, dù có nhà ở đất liền, vợ con sinh sống trong bờ là chính nhưng anh vẫn nửa ở bờ, nửa ở lại Vung Viêng. Anh nhớ những mùa chim nhạn làm tổ, cổng làng cũng là nơi chim kéo về da diết, nhớ mong.
Phía ngoài biển tàu to đi lại, qua cổng làng, giữa lóng lánh mặt nước xanh, làng chài yên bình, đơn sơ, được bao quanh bởi núi non nhấp nhô. Những ngôi nhà nổi đặc trưng vừa là nơi sinh sống vừa là nơi dân làng nuôi trồng thủy, hải sản. “Sân đình” của Vung Viêng chính là phần nhà nổi lớn nhất làng, nơi nhiều bè được kết nối với nhau và dân làng thân thương gọi là “bè cộng đồng”. Bè cộng đồng là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt chung của làng. Ở đó người dân làng chài cùng nhau tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội, tiệc làng, học tập… Nét văn hóa của làng chài xưa bây giờ được giữ lại làm di sản để giới thiệu cho khách du lịch tham quan. “Sân đình” cũng là nơi người làng chài giới thiệu với du khách những nét đặc trưng văn hóa ấy.
Theo lời kể của dân làng, với họ, ngọn núi cao nhất trên vịnh là ngọn núi chính của làng. Ở đấy, ngày xưa, người dân làng leo lên để nhìn ra toàn vịnh hay ngóng trông về đất liền. Những lúc đau ốm hay mưa dông, đất liền là giấc mơ xa xôi. Nhưng ngày nay, đi xuồng từ làng vào đất liền chỉ mất 15 phút. Dưới chân ngọn núi chính giờ là bến thuyền phục vụ du khách. Từ bến thuyền vào làng, bè cá giăng giăng, cá song, cá vược, cá giò, cá chim, cá mú… đủ góp phần tăng thêm thu nhập cho đời sống người dân làng chài.
Ở đây cũng có công ty nuôi trồng và giới thiệu ngọc trai biển Quảng Ninh cho du khách trong và ngoài nước. Du khách đến Vung Viêng có thể di chuyển bằng thuyền nan do người dân làng đưa đi hoặc tự chèo thuyền kayak để tìm hiểu làng, vào xem các bè thủy sản… Được nhiều du khách quốc tế gọi là “một trong những làng chài đẹp nhất thế giới”, Vung Viêng không chỉ hấp dẫn du khách bởi nét đặc trưng, vẻ đẹp tựa cổ tích mà còn không có rác thải nhờ ý thức giữ gìn cảnh quan chung và làm du lịch có trách nhiệm của dân làng.
Theo qdnd.vn
Nguồn: https://baohanam.com.vn/du-lich/than-thuong-lang-chai-vung-vieng-140004.html