Thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện cân đối vốn, tập trung chuyển đổi số, tiết kiệm chi tiêu, duy trì ổn định lãi suất huy động theo quy định, kịp thời giải ngân nguồn vốn với lãi suất phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Thông qua đó, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn, từng bước tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định sản xuất.
Theo tổng hợp của Chi nhánh NHNN tỉnh Hà Nam, đến hết tháng 11 năm 2024, dư nợ tín dụng trên địa bàn toàn tỉnh đạt hơn 81 nghìn tỷ đồng, trong đó có khoảng hơn 30% nguồn vốn đầu tư cho vay doanh nghiệp. Thực hiện việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, ngày 23/4/2023 (được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư 06/2024/TT-NHNN), quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã hỗ trợ 45 khách hàng cơ cấu lại thời gian trả nợ; trong đó, có 28 cá nhân và 17 doanh nghiệp, với tổng giá trị nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lũy kế (bao gồm cả gốc và lãi) hơn 550 tỷ đồng.
Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho các doanh nghiệp, các NHTM trên địa bàn tỉnh đã chủ động bám sát diễn biến kinh tế trong và ngoài nước để triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng, đầu tư phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với an toàn hoạt động hệ thống tổ chức tín dụng. Chi nhánh NHNN tỉnh Hà Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; phối hợp với hiệp hội các doanh nghiệp tỉnh, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe góp ý, khuyến nghị của doanh nghiệp để kịp thời xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển, hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp tại địa phương, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do bão lũ, về tài chính, pháp lý, thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng… theo các quy định; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, doanh nghiệp…
Ông Hoàng Xuân Hội, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) Hà Nam cho biết: Khoảng 35% nguồn vốn tín dụng của chi nhánh đầu tư cho vay doanh nghiệp, tương đương với khoảng 4.000 tỷ đồng. Đối với nhiều doanh nghiệp là khách hàng thân thiết với chi nhánh nhiều năm qua vẫn sử dụng số vốn lớn, song đến năm nay lại đầu tư cầm chừng, thậm chí có doanh nghiệp còn thu gọn sản xuất. Trước tình hình này, chi nhánh thường xuyên cử cán bộ khảo sát, nắm bắt nhu cầu vay vốn tín dụng của các doanh nghiệp; đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, chủ động phối hợp với hiệp hội doanh nghiệp tỉnh nắm bắt thông tin về nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh cũng như xem xét, giải quyết đề nghị của khách hàng. Đồng thời, thường xuyên rà soát lại từng khoản vay của doanh nghiệp, cân đối lại vốn, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi suất, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Cũng như Chi nhánh Agribank Hà Nam, các Chi nhánh NHTM cổ phần trên địa bàn tỉnh trong năm 2024 đã tập trung cơ cấu lại thời gian trả nợ cho khách hàng gặp khó khăn, trong đó nhiều khách hàng được giảm sâu với mức lãi suất giảm 1– 3%/năm. Hiện, các NHTM trong tỉnh đang cho doanh nghiệp vay với lãi suất phổ biến 7- 9%/năm đối với ngắn hạn, trên 9-10,5%/năm đối với trung và dài hạn. Thời điểm cuối năm 2024, đầu năm 2025, các NHTM tiếp tục rà soát lại những khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, có giải pháp cơ cấu lại thời gian trả nợ, mở rộng nguồn vốn cho vay, miễn giảm lãi suất. Nhóm khách hàng mà chi nhánh ưu tiên hỗ trợ tín dụng đó là doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng tiêu dùng, xuất nhập khẩu hàng hóa…
Bên cạnh những kết quả đạt được, năm 2024, việc giải ngân vốn của các NHTM cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vay cũng gặp nhiều khó khăn, mặc dù có thời điểm đã giảm lãi suất. Cụ thể, nhiều ngân hàng đã mời chào các doanh nghiệp có uy tín trên địa bàn vay vốn nhưng nhu cầu sử dụng nguồn vốn tín dụng của khách hàng cũng hạn chế. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp rất cần vay vốn song các chi nhánh lại không thể giải ngân do không có tài sản bảo đảm; không có phương án sản xuất kinh doanh khả thi hoặc phương án sản xuất kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hiện, nhiều khách hàng đề nghị các NHTM cần nâng cao giá trị tài sản khi thế chấp vay vốn.
Theo ông Phạm Văn Tùng, Quyền Giám đốc Chi nhánh NHNN tỉnh Hà Nam, thời gian tới, Chi nhánh NHNN tỉnh Hà Nam chỉ đạo các NHTM tập trung tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao, liên kết với nông dân sản xuất nông nghiệp ở địa bàn nông thôn; đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục vay vốn, đồng thời niêm yết công khai, minh bạch quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay để doanh nghiệp, người dân vay vốn một cách thuận lợi với thời gian nhanh nhất; khuyến khích mở rộng hoạt động và phát triển thêm các gói sản phẩm tín dụng phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp.
Trần Thoan
Nguồn: https://baohanam.com.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/tap-trung-thao-go-kho-khan-ve-von-cho-doanh-nghiep-142268.html