Powered by Techcity

Tập trung khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão Yagi




Mặc dù, không có thiệt hại về người nhưng Hà Nam cũng là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề về sản xuất nông nghiệp do bão số 3 (Yagi) gây ra. Nhiều diện tích lúa mùa và hoa màu bị thiệt hại, tập trung chủ yếu ở các huyện Bình Lục, Lý Nhân và thị xã Duy Tiên. Vì vậy, ngay sau khi bão tan, các địa phương đã khẩn trương chỉ đạo ngành nông nghiệp, các đơn vị thủy nông, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) và bà con nông dân khẩn trương triển khai các biện pháp tiêu úng, bó dựng lúa bị đổ, sớm phục hồi diện tích rau màu… nhằm giảm thiệt hại do bão số 3 gây ra và sớm khôi phục sản xuất.

Là địa phương có diện tích lúa và rau màu thiệt hại lớn nhất tỉnh, vì vậy, huyện Bình Lục đã sớm có thống kê về diện tích thiệt hại; đồng thời có chỉ đạo quyết liệt đối với những địa phương có diện tích lúa mùa và rau màu thiệt hại nặng. Theo ông Nguyễn Đăng Định, Phó Chủ tịch UBND huyện, để kịp thời khắc phục hậu quả của bão số 3 và sớm khôi phục sản xuất, ngay sau bão, UBND huyện đã có công văn số 1035/UBND-NN chỉ đạo tập trung khôi phục sản xuất, chăm sóc cây trồng sau bão số 3. Huyện đã chỉ đạo các địa phương phối hợp với các đơn vị điện lực, viễn thông khẩn trương khắc phục bảo đảm cấp điện trở lại, kịp thời phục vụ chống úng, sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Riêng với diện tích lúa vụ mùa đến thời kỳ thu hoạch, tập trung rút nước đệm trên mặt ruộng; đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân tranh thủ thời tiết khẩn trương thu hoạch. Còn với diện tích chưa chín bị đổ bệt và ngập nước, yêu cầu ngành nông nghiệp hướng dẫn bà con khẩn trương buộc lúa càng sớm càng tốt tránh để bị thối, mọc mầm trên cây… Cùng với đó, huyện cũng yêu cầu xí nghiệp thủy nông phối hợp với các xã, thị trấn, các HTXDVNN tập trung khơi thông, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước, vận hành hệ thống các trạm bơm, phục vụ kịp thời tiêu thoát nước trên đồng ruộng…


Diện tích hành lá của người dân thôn 2 – Hạ Vỹ, xã Nhân Chính (Lý Nhân) bị đổ đang được người dân dựng lại. Ảnh: Mạnh Hùng

Tại huyện Thanh Liêm theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bão số 3 đã làm cho nhiều diện tích lúa mùa trên địa bàn bị đổ cùng nhiều diện tích cây rau màu bị thiệt hại (chủ yếu bị đổ, dập nát). Ước thiệt hại khoảng trên 64 tỷ đồng.

Còn tại huyện Lý Nhân, theo số liệu báo cáo, ngoài diện tích lúa bị đổ, rau màu bị dập nát và cây ăn quả bị ảnh hưởng (chủ yếu là chuối và bưởi), huyện còn có 46 m tường rào của UBND xã Đạo Lý, Trường THCS Hợp Lý và nhà dân bị đổ; gãy 10 cột điện, cột viễn thông, một số tuyến đường dây điện, cáp viễn thông bị đứt; nhiều lán trại, nhà xưởng, trang trại chăn nuôi, trường học, điểm bưu điện bị tốc mái…

Cũng như Bình Lục, ngay sau khi bão tan, các địa phương trên địa bàn huyện Lý Nhân, Thanh Liêm và trong toàn tỉnh đã dồn lực khẩn trương triển khai các biện pháp tiêu úng, bó dựng lúa bị đổ, sớm phục hồi diện tích rau màu nhằm giảm thấp nhất thiệt hại do bão số 3 gây ra.

Theo ước tính thiệt hại sơ bộ, toàn tỉnh có khoảng 10.868,6 ha lúa mùa bị đổ và hơn 400 ha rau màu bị dập nát. Trong đó, thị xã Duy Tiên 2.200 ha lúa, 120 ha rau màu; huyện Bình Lục 4.000 ha lúa, 159ha rau màu; huyện Lý Nhân 1.500ha lúa, 150 ha rau màu; huyện Thanh Liêm 1.087ha lúa; thành phố Phủ Lý 1.191,6 ha lúa; huyện Kim Bảng 890 ha lúa bị đổ. Ngoài ra ở các địa phương còn có hàng chục ha chuối, bưởi bị ảnh hưởng và hàng trăm mét vuông chuồng trại chăn nuôi bị tốc mái. Bão số 3 cũng gây tốc mái nhà kho, nhà chứa nước tại HTX Thanh Hà; tốc mái nhà vòm trồng nho tại HTX Công nghệ cao Đồng Du (Bình Lục)…

Khẩn trương khắc phục thiệt hại, sớm ổn định sản xuất nông nghiệp sau bão, đến nay, toàn bộ diện tích lúa bị đổ đã cơ bản được bó dựng. Tuy nhiên, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Nam, trong những ngày tới lũ trên sông Đáy khả năng lên trên báo động I và vẫn có thể xảy ra mưa dông trên địa bàn. Vì vậy, theo ông Khương Văn Tuyến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nam, các địa phương cần phải bám sát diễn biến của thời tiết, chủ động bơm rút nước đệm; đồng thời, tuyên truyền vận động nhân dân khẩn trương thu hoạch lúa mùa với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng” nhằm hạn chế ảnh hưởng của mưa và ngập úng gây ra; đồng thời thu hoạch nhanh gọn toàn bộ diện tích rau màu đã đến kỳ thu hoạch; chuẩn bị đủ số lượng và chủng loại hạt giống rau để sẵn sàng gieo trồng lại ngay khi thời tiết thuận lợi, bảo đảm cung cấp cho thị trường lúc giáp vụ, tăng thu nhập cho người dân.

Tin rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự chủ động của người dân, sản xuất nông nghiệp sẽ sớm được phục hồi.

Minh Thu – Mạnh Hùng





Nguồn: https://baohanam.com.vn/kinh-te/tap-trung-khoi-phuc-san-xuat-nong-nghiep-sau-bao-yagi-135293.html

Cùng chủ đề

Thái Bình thu hút dự án đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có thế mạnh

(MPI) – Ngày 13/01/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 83/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xây dựng lộ trình tổ chức triển...

Cùng tác giả

Thái Bình thu hút dự án đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có thế mạnh

(MPI) – Ngày 13/01/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 83/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xây dựng lộ trình tổ chức triển...

Cùng chuyên mục

Tin nổi bật

Tin mới nhất