Powered by Techcity

Sôi động thị trường bán lẻ




Cuối năm thường là “mùa vàng” của ngành bán lẻ do nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân tăng cao để phục vụ dịp lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp bán lẻ tăng tốc, tạo sự bứt phá về doanh thu.

Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh 10 tháng năm 2024 ước đạt trên 43.833 tỷ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, đáng chú ý là hoạt động thương mại diễn ra sôi động hơn về cuối năm với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước đạt trên 4.600 tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức tăng cao so với bình quân các tháng kể từ đầu năm đến nay. Dựa trên đà tăng trưởng này, ngành bán lẻ kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng cao về doanh thu trong quý IV năm 2024 để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch năm đề ra.

Kết quả đạt được trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ cũng là minh chứng cho thấy sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế trong giai đoạn hậu đại dịch Covid -19 với hàng loạt chính sách kích cầu tiêu dùng từ các đơn vị, doanh nghiệp bán lẻ. Ông Lưu Văn Cường, quản lý siêu thị Điện máy Xanh (đường Lê Hoàn, thành phố Phủ Lý) cho biết: Doanh thu bán hàng trong 10 tháng năm 2024 của Điện máy Xanh tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước. Tất cả các sản phẩm từ đồ điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng, phụ kiện điện thoại… đều có sức mua tăng cao so với năm trước. Bình thường, hoạt động mua sắm chủ yếu tập trung trong những tháng mùa hè nhưng năm nay, sức mua được duy trì đều cho đến cuối năm. Thời điểm này, lượng khách đến tham quan, mua sắm ti vi, tủ lạnh, đồ gia dụng… đang tăng mạnh do Điện máy Xanh đang áp dụng nhiều chương trình giảm giá sâu và các gia đình có nhu cầu mua sắm đồ mới để trang hoàng nhà cửa chuẩn bị đón Tết Nguyên đán 2025.


Khách hàng mua sắm hàng hóa thiết yếu tại siêu thị Winmart+, đường Lý Thường Kiệt, phường Lê Hồng Phong (TP Phủ Lý).

Tương tự, theo phản ánh của các cửa hàng kinh doanh mặt hàng thời trang như quần áo, giày dép, túi xách, hoạt động mua sắm đang bắt đầu trở nên sôi động trong “mùa vàng” tiêu dùng cuối năm. Nguyên nhân là do cuối năm là thời điểm diễn ra nhiều sự kiện lễ hội mua sắm, khuyến mại hấp dẫn như Black Friday, Tháng Khuyến mại tập trung quốc gia, Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán… Từ đó, tạo ra “làn sóng” mua sắm mạnh mẽ, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu ngành thương mại, dịch vụ. Với việc triển khai hàng loạt chính sách khuyến mại, giảm giá hấp dẫn để kích cầu tiêu dùng trong mùa cao điểm mua sắm, nhiều đơn vị đã đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức thời điểm trước đại dịch Covid -19, nhất là đối với các mặt hàng thời trang, điện tử, công nghệ…

Chị Lại Thị Mai, chủ cửa hàng Phương Mai – một trong những cơ sở bán lẻ có quy mô lớn và hàng hóa đa dạng trên địa bàn thành phố Phủ Lý cho biết: Thời điểm này, người dân có nhu cầu cao về mua sắm quần áo, phụ kiện để phục vụ dịp lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán đang đến gần. Theo đó, hoạt động kinh doanh thuận lợi nhất là vào dịp cuối năm. Hơn nữa, trong những năm gần đây, người tiêu dùng có xu hướng mua sắm Tết sớm chứ không đợi đến cận Tết mới đi mua sắm đồ như trước. Khi mua sớm, người tiêu dùng vừa có cơ hội để lựa chọn nhiều đồ đẹp, vừa không bị cập rập do gần Tết ai cũng bận rộn với lượng công việc nhiều hơn thường ngày. Khoảng 2 tuần nay, cửa hàng đang bán rất “chạy” mặt hàng mỹ phẩm và đồ thời trang mùa đông như quần áo, khăn, mũ, tất… các loại.

Có thể thấy, năm 2024, với sự phục hồi của sản xuất công nghiệp, việc làm và tiền lương của người lao động được cải thiện đáng kể đã góp phần thúc đẩy tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc Chính phủ thực hiện cải cách tiền lương từ tháng 7/2024 cũng có sự tác động lớn đến những người được hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách Nhà nước. Thu nhập và mức sống được nâng lên đã thúc đẩy hoạt động mua sắm trong nhân dân.

Ông Lê Minh Ngọc, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết: Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp bán lẻ nào ứng dụng tốt chuyển đổi số, xây dựng chiến lược kinh doanh tập trung vào nâng cao trải nghiệm khách hàng thì doanh nghiệp đó sẽ giành được thị phần. Thực tế cho thấy, sau thời gian “thử nghiệm” bán hàng trực tuyến từ đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp, nhà bán lẻ đã rất thành công trong việc chuyển đổi mô hình hoạt động, triển khai bán hàng đa kênh (trực tuyến và truyền thống) cho hiệu quả cao. Điều này cũng thúc đẩy doanh nghiệp, nhà phân phối tích cực tham gia hưởng ứng các chương trình kích cầu tiêu dùng do ngành công thương triển khai để  tạo sự bứt phá về doanh số những tháng cuối năm.

Theo đánh giá của Sở Công thương, thị trường hàng hóa những tháng cuối năm tương đối ổn định, nhu cầu hàng may mặc, trang thiết bị gia đình đang có chiều hướng gia tăng khi bước vào giai đoạn chuyển mùa. Nguồn cung mặt hàng lương thực, thực phẩm cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá bán không có biến động lớn. Dự báo, từ nay tới Tết Nguyên đán 2025, thị trường tiêu dùng sẽ rất sôi động; nhu cầu mua sắm mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm đặc biệt tăng cao trong tháng cận Tết.

Để bảo đảm cân đối cung – cầu, bình ổn thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán, Sở Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương theo dõi sát sao tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, bảo đảm không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Sở cũng phối hợp với các địa phương xây dựng phương án dự trữ hàng hóa, triển khai chương trình bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán đến các doanh nghiệp, nhà phân phối lớn trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân với giá cả bình ổn. Đồng thời, vận động, khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục triển khai các chương trình khuyến mại, giảm giá để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy doanh số bán hàng dịp cuối năm.

Nguyễn Oanh





Nguồn: https://baohanam.com.vn/kinh-te/thuong-mai-dich-vu/soi-dong-thi-truong-ban-le-140895.html

Cùng chủ đề

Nữ thạc sĩ tốt nghiệp nước ngoài, về quê nuôi ngỗng thu hơn 69 tỷ/năm

Nữ sinh An Kỳ quê ở thành phố Vũ Cương, tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) từng theo học thạc sĩ ngành tài chính tại Australia. Sau khi tốt nghiệp, cha mẹ cô kỳ vọng con gái sẽ tìm được một công việc văn phòng ổn định với mức lương cao giống như nhiều người trẻ khác. Thế nhưng, cô gái trẻ không muốn sống theo khuôn mẫu quen thuộc, theo China.org. Từ du học sinh tài chính đến nông dân nuôi...

Cùng tác giả

Nữ thạc sĩ tốt nghiệp nước ngoài, về quê nuôi ngỗng thu hơn 69 tỷ/năm

Nữ sinh An Kỳ quê ở thành phố Vũ Cương, tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) từng theo học thạc sĩ ngành tài chính tại Australia. Sau khi tốt nghiệp, cha mẹ cô kỳ vọng con gái sẽ tìm được một công việc văn phòng ổn định với mức lương cao giống như nhiều người trẻ khác. Thế nhưng, cô gái trẻ không muốn sống theo khuôn mẫu quen thuộc, theo China.org. Từ du học sinh tài chính đến nông dân nuôi...

Cùng chuyên mục

Tin nổi bật

Tin mới nhất