Sau sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 1288/NQ-UBTVQH15, ngày 14/11/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tỉnh Hà Nam giai đoạn 2023-2025, tỉnh Hà Nam có 6 ĐVHC cấp huyện với 3 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố; 98 ĐVHC cấp xã với 65 xã, 29 phường và 4 thị trấn. Việc quan tâm sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau sáp nhập phù hợp với thực tế của mỗi địa phương, tránh lãng phí là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của UBND tỉnh trong quá trình thực hiện sáp nhập ĐVHC trên địa bàn.
Theo Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của UBND tỉnh, số lượng trụ sở, tài sản công hiện có trước khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã ở 19 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025 là 122 trụ sở, gồm: 18 trụ sở Đảng uỷ – HĐND – UBND, 72 trụ sở trường học, 6 trụ sở công an cấp xã, 7 trụ sở hợp tác xã và 19 trụ sở trạm y tế cấp xã. Sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã, dự kiến bố trí, sử dụng 88 trụ sở, tài sản công ở 8 ĐVHC cấp xã mới hình thành.
Trong đó, sẽ bố trí sử dụng 8 trụ sở Đảng uỷ – HĐND – UBND để làm trụ sở Đảng uỷ – HĐND – UBND của các đơn vị: xã Bình An, xã Mộc Hoàn, phường Tân Tựu, phường Châu Cầu, phường Tân Hiệp, phường Lam Hạ, phường Liêm Chính, phường Tân Liêm; bố trí sử dụng 61 trường học, trong đó, 47 trường học giữ nguyên như hiện có và 14 trường học còn lại để bố trí cho 2 trường THCS, 4 trường/điểm trường tiểu học, 8 trường/điểm mầm non. Đồng thời, sẽ thực hiện bố trí sử dụng 3 trụ sở làm trụ sở chính của Công an các phường Châu Cầu, Lam Hạ và nơi làm việc của một bộ phận cán bộ Công an phường Châu Cầu; sẽ bố trí sử dụng 7 trụ sở hợp tác xã (giữ nguyên như hiện có); bố trí sử dụng 9 trụ sở làm trụ sở chính của trạm y tế các phường: Tân Tựu, Châu Cầu, Tân Hiệp, Lam Hạ, Liêm Chính, Tân Liêm và các xã Mộc Hoàn, Bình An và điểm trạm y tế xã Bình An.
Như vậy, với phương án bố trí, sử dụng trụ sở, tài sản công sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025 như trên, toàn tỉnh dự kiến vẫn còn dôi dư 34 trụ sở, gồm: 10 trụ sở Đảng uỷ – HĐND – UBND, 11 trường học, 3 trụ sở công an cấp xã, 10 trụ sở trạm y tế cấp xã. Ông Đỗ Hồng Hà, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Đối với các trụ sở, tài sản công dôi dư không tiếp tục sử dụng sẽ thực hiện việc kiểm kê, đánh giá và thực hiện sắp xếp lại, xử lý theo quy định hiện hành. Lộ trình thời gian xử lý trụ sở, tài sản công của các ĐVHC sau sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025 được thực hiện theo quy định của Chính phủ về sắp xếp, xử lý tài sản công. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động cân đối, bố trí nguồn ngân sách để đầu tư sửa chữa, xây mới hoặc chuyển đổi công năng sử dụng phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương.
Thực tế, vấn đề này cũng được UBND tỉnh đặt ra trong Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 với quan điểm bố trí sử dụng, xử lý phù hợp, tránh lãng phí. Theo đó, trong thời hạn 3 năm kể từ ngày Nghị quyết số 1288/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với ĐVHC có hiệu lực thi hành, các địa phương phải bảo đảm hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công của các ĐVHC sau sắp xếp theo quy định tại Khoản 2, Điều 13, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Cụ thể, trong năm 2025 tỉnh sẽ tập trung xử lý 26 trụ sở công (gồm: 10 trụ sở Đảng uỷ – HĐND – UBND, 07 trường học, 01 trụ sở công an cấp xã, 08 trụ sở trạm y tế cấp xã). Trong số 10 trụ sở Đảng uỷ – HĐND – UBND dôi dư sẽ có 1 trụ sở được lấy bố trí làm trụ sở Công an, Ban Chỉ huy Quân sự phường Tân Tựu, thị xã Kim Bảng; 1 trụ sở đề xuất điều chuyển để xây nhà đa năng mở rộng Trường THCS xã Hưng Công, Bình Lục; 1 trụ sở đề xuất điều chuyển làm khu trưng bày làng nghề, khu tiếp đón khách lễ hội đền Lảnh Giang, thị xã Duy Tiên; 5 trụ sở bố trí làm nơi làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức ở thành phố Phủ Lý hoặc đầu tư xây dựng trụ sở mới cho Đảng uỷ – HĐND – UBND, công an phường, ban chỉ huy quân sự phường ở một số đơn vị; rà soát dự án trong quy hoạch để chuyển đổi công năng sử dụng 2 trụ sở. Bên cạnh đó, điều chuyển 7 trường học dôi dư làm nhà văn hoá ở thôn; 1 trụ sở công an cấp xã dôi dư sử dụng làm trụ sở của Công an phường Châu Cầu, thành phố Phủ Lý. Đối với 8 trụ sở trạm y tế cấp xã dôi dư, sẽ bố trí 1 trụ sở làm điểm trạm y tế phường Tân Tựu, thị xã Kim Bảng; 1 trụ sở ở huyện Bình Lục đề xuất chuyển đổi công năng sử dụng hoặc xử lý theo quy định; đề xuất bàn giao 1 trụ sở ở thị xã Duy Tiên làm trụ sở công an cấp xã còn 5 trụ sở ở Phủ Lý tạm thời vẫn giữ nguyên làm nơi làm việc của một bộ phận cán bộ trạm y tế các xã, phường mới.
Kế hoạch năm 2026 sẽ tiếp tục xử lý 8 trụ sở công dôi dư, gồm: 4 trường học, 2 trụ sở công an cấp xã, 2 trụ sở trạm y tế cấp xã. Theo đó, đề xuất thu hồi 4 trường học để xử lý theo quy định; thực hiện chuyển đổi công năng sử dụng hoặc đưa vào đấu giá tài sản công theo quy định đối với 2 trụ sở công an cấp xã và 2 trụ sở trạm y tế cấp xã.
Vấn đề xử lý, sắp xếp tài sản công, trụ sở sau sáp nhập để tránh lãng phí cũng là mối quan tâm và mong mỏi của các địa phương và nhân dân ở nơi thực hiện sáp nhập. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh ở các địa phương trước kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2024 mới đây, đã có rất nhiều ý kiến của cử tri đề cập đến nội dung này. Ngay cả các đại biểu HĐND tỉnh cũng đã có chất vấn đối với người đứng đầu UBND tỉnh về vấn đề này. Trả lời chất vấn của đại biểu tại kỳ họp cuối năm 2024 HĐND tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy đã khẳng định rất rõ quan điểm của UBND tỉnh là sẽ chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành của tỉnh cũng như các địa phương rà soát tổng thể đối với từng địa phương. Trên cơ sở đó, đề xuất phương án sử dụng tài sản dôi dư hợp lý nhất, tránh lãng phí ngân sách của Nhà nước. Đối với những xã, phường khu vực thành thị hiện nay đang thiếu rất nhiều các điểm đỗ xe, công viên cây xanh, do vậy sẽ không bố trí đấu giá mà sắp xếp quy hoạch tiện ích cho người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đối với các điểm trường, thực hiện sắp xếp lại theo cơ cấu tổ chức bộ máy gọn nhẹ, phù hợp, bảo đảm cho con em nhân dân đi học thuận lợi. Đối với các trụ sở một số xã, có thể nghiên cứu chuyển đổi thành các điểm, nhà văn hóa tại các xã có quy hoạch công lập; còn những vị trí rà soát lại đã đáp ứng được tiêu chí hạ tầng xã hội phục vụ người dân thì có thể đánh giá lại tài sản và tổ chức đấu giá để trở thành các cơ sở thương mại, dịch vụ hoặc để lại đất ở, khu tái định cư khu vực nông thôn…
Việc tính toán sử dụng hiệu quả tài sản công, trụ sở công và việc chống thất thoát tài sản rất cần được chú trọng trong quá trình thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã. Đây là những vấn đề khó, phức tạp gắn với nhiều quy định liên ngành. Do đó, bên cạnh thực hiện đúng các quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản pháp luật liên quan, các địa phương kịp thời có những kiến nghị, đề xuất các cơ chế đặc thù phù hợp với từng địa phương để các khó khăn sớm được tháo gỡ và nhất là người đứng đầu mỗi cơ quan chức năng, các địa phương cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, đề cao tinh thần dám nghĩ, dám làm vì mục tiêu chung.
Tin rằng, với quyết tâm chính trị, quyết liệt trong chỉ đạo của tỉnh, tinh thần trách nhiệm tích cực của các địa phương, Hà Nam sẽ thực hiện tốt việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025; trong đó, thực hiện có hiệu quả việc sử dụng, xử lý trụ sở, tài sản dôi dư, tránh lãng phí ngân sách nhà nước.
Thu Thảo
Nguồn: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/cai-cach-hanh-chinh/quan-tam-sap-xep-xu-ly-tru-so-tai-san-cong-sau-sap-nhap-xa-142583.html