Powered by Techcity

Phát huy giá trị di tích Đền thờ 10 nữ liệt sĩ dân quân pháo phòng không Lam Hạ




Đền thờ 10 nữ liệt sĩ dân quân pháo phòng không Lam Hạ xây dựng năm 2009, cùng với Đền Liệt sĩ tỉnh Hà Nam. 10 nữ liệt sĩ trước đây ở trung đội nữ thuộc Đại đội dân quân phòng không Lam Hạ. Trong chiến dịch leo thang đánh phá miền Bắc của đế quốc Mỹ, để bảo vệ tuyến giao thông huyết mạch qua Phủ Lý, các thành viên đại đội có nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Sau các trận đấu ác liệt với không quân Mỹ, 10 nữ dân quân tuổi đời còn rất trẻ đã anh dũng hy sinh.

Tại trận địa pháo 37 mm, ngày 1/10/1966 có 5 nữ pháo thủ cao xạ và một nữ cứu thương, tiếp đạn pháo hy sinh, gồm các chị: Đinh Thị Tâm (sinh năm 1948), Phan Thị Tuyết (sinh  năm 1947), Phạm Thị Lan (sinh năm 1944), Vũ Thị Thanh Phương (sinh năm 1943), Nguyễn Thị Thu (sinh năm 1948), Nguyễn Thị Thi (sinh năm1950). Sau đó 9 ngày, trên trận địa pháo 100 mm, các chị: Nguyễn Thị Oánh (sinh năm 1942), Nguyễn Thị Thuận (sinh năm 1948), Trần Thị Thẹp (sinh năm 1944) cũng anh dũng hy sinh. Ngày 7/7/1967, tại trận địa pháo 57 mm, chị Đặng Thị Chung là pháo thủ cao xạ thứ 10 hy sinh.

Theo những người dân địa phương, trước đây, bên cạnh bờ của dòng chảy- một nhánh nhỏ của sông Châu tưới tiêu cho những cánh đồng phía trong đê của xã Lam Hạ xưa, là hồ Lam Hạ bây giờ có một ngôi miếu nhỏ thờ những người hy sinh tại trận địa pháo Đình Tràng. Với tầm vóc của cuộc chiến và sự hy sinh quả cảm của các cô, trong quá trình nghiên cứu xây dựng Đền Liệt sĩ tỉnh, những nhà sử học, chính quyền tỉnh và các cơ quan hữu quan thấy cần phải có một đền thờ riêng 10 nữ liệt sĩ dân quân pháo phòng không Lam Hạ.


Tượng đài 10 nữ liệt sĩ dân quân phòng không Lam Hạ. Ảnh: Đỗ Hồng

Ngôi đền nằm ngay cạnh trận địa pháo phòng không Đình Tràng trước đây. Ngôi đền quay hướng đông bắc, trước mặt là hồ nước rộng. Công trình kiến trúc này gồm 2 tòa tiền đường và hậu cung. Tòa tiền đường mang đậm kiến trúc cổ truyền với các đầu đao cong vút, mái lợp ngói, nền lát gạch Bát Tràng.

Nổi bật nhất tòa tiền đường là chân dung của 10 nữ liệt sĩ, bức đại tự có 4 chữ quốc ngữ “Liệt nữ tối linh”, có các câu đối cùng một số bài phú, bài thơ của một số tác giả. Trong tủ kính ở tòa tiền đường còn có gương soi, lược chải đầu, quạt giấy, những chùm bồ kết gội đầu, nón lá, mũ tai bèo, những tà áo dài, bộ quân phục… là những vật phẩm bình dị, quen thuộc nhưng vô cùng thiêng liêng, gợi nhớ cho du khách về một thời thiếu nữ của 10 nữ liệt sĩ. Hậu cung là một gian nhỏ, trên ban thờ đặt 10 bài vị, trên bài vị ghi tên của 10 liệt nữ bằng chữ Hán.

Ngôi đền nằm trong không gian tỏa hương hoa cau, hoa ngâu và ngọc lan thơm ngát. Phía ngoài khuôn viên, lối vào trận địa pháo phòng không là hàng chục cây ổi găng, thứ cây đặc trưng của vùng đất Lam Hạ và là thứ quà quê yêu thích của các cô gái khi còn sống. Đi qua cây cầu đá là trận địa pháo phòng không được phục dựng. Ở đây còn có một khẩu pháo 37mm, là khẩu pháo chiến đấu của 10 liệt nữ dân quân phòng không Lam Hạ vẫn được giữ gìn và trưng bày tại chính trận địa năm xưa. Lam Hạ lúc này được ví với Đồng Lộc, tuy các cô không hy sinh cùng một ngày, một địa điểm như các cô gái ngã ba Đồng Lộc nhưng họ đều ngã xuống vì tình yêu quê hương đất nước, yêu hòa bình và căm thù đế quốc Mỹ xâm lược.

Với ý nghĩa lịch sử đó, năm 2016, đền thờ và trận địa pháo đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Nơi đây đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Đây cũng là địa điểm được nhiều người dân và du khách ghé thăm. Bên cạnh việc dâng hương, dâng hoa tại đền thờ 10 nữ liệt sĩ, tham quan trận địa pháo phòng không, du khách còn có thể chiêm ngưỡng Tượng đài 10 cô gái được tạo tác bằng đá xanh trên quảng trường phía trước, bên phải Đền Liệt sĩ tỉnh Hà Nam, hoặc trực tiếp thắp hương tri ân trên mộ phần của 10 cô tại Nghĩa trang Liệt sĩ phường Lam Hạ. Đây là nghĩa trang liệt sĩ có nhiều điều đặc biệt, có nhiều liệt sĩ là hai mẹ con, hai chị em gái, hai anh em trai, hai vợ chồng, hai chị em một trai một gái; trong đó hai chị em gái chính là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Thi và chị gái Nguyễn Thị Thu – hai trong 10 nữ liệt sỹ dân quân Lam Hạ.

Ông Phạm Xuân Hải, cán bộ Văn hóa Xã hội phường Lam Hạ cho biết: Khu tâm linh mới được phường tiếp nhận quản lý  nhưng đã đón rất đông du khách viếng thăm. Du khách đến đây được giới thiệu về 10 cô gái dân quân, nơi trận địa pháo năm xưa, nơi các cô hy sinh và nếu muốn có thể đến thăm thân nhân của các cô. Hầu hết du khách đều rất hào hứng và bày tỏ sự ngưỡng mộ về quê hương Lam Hạ, về sự hy sinh dũng cảm của 10 cô gái năm xưa. Hằng năm, ngoài dịp lễ, Tết, các hoạt động khác của phường như: Tết trồng cây, giải thể thao quần chúng, thắp nến tri ân của đoàn thanh niên vào ngày hy sinh của các cô, ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7, ngày tiễn thanh niên lên đường nhập ngũ, lễ ra quân… cũng đều được diễn ra tại đây.

Để phát huy giá trị của di tích, góp phần phát triển du lịch, thiết nghĩ thành phố Phủ Lý cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, quảng bá. Di tích là một trong 12 điểm du lịch cấp tỉnh nhưng tại thành phố Phủ Lý chưa có biển chỉ dẫn đến điểm du lịch này. Không gian phố đi bộ tại Phủ Lý hiện thu hút khá nhiều người dân và du khách nên quảng bá tại không gian này sẽ mang lại hiệu quả cao. Để thu hút du khách, đơn vị chức năng của thành phố cần chủ động kết nối điểm du lịch này với một số khu, điểm du lịch tâm linh của địa phương khác trong tỉnh, tạo thành các tua, tuyến phù hợp. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho cán bộ, người tham gia quản lý và người thuyết minh tại điểm du lịch. Thành phố Phủ Lý cũng cần tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, hiện vật, hình ảnh về 10 nữ liệt sĩ và phối hợp với các cấp, ngành, đoàn thể, trường học trong tỉnh tổ chức các hoạt động “về nguồn” tại di tích.

Chu Bình





Nguồn: https://baohanam.com.vn/que-huong-nui-doi-song-chau/phat-huy-gia-tri-di-tich-den-tho-10-nu-liet-si-dan-quan-phao-phong-khong-lam-ha-131529.html

Cùng chủ đề

CÔNG DIỄN VỞ CHÈO “TRĂNG SÁNG”

Tối ngày 12/01/2025, tại Hội trường Nhà văn hóa tỉnh, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh đã công diễn vở chèo “Trăng sáng” (tác giả kịch bản: Nguyễn Đức Minh; đạo diễn: NSND Trịnh Thúy Mùi). ...

Thái Bình thu hút dự án đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có thế mạnh

(MPI) – Ngày 13/01/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 83/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xây dựng lộ trình tổ chức triển...

Cùng tác giả

CÔNG DIỄN VỞ CHÈO “TRĂNG SÁNG”

Tối ngày 12/01/2025, tại Hội trường Nhà văn hóa tỉnh, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh đã công diễn vở chèo “Trăng sáng” (tác giả kịch bản: Nguyễn Đức Minh; đạo diễn: NSND Trịnh Thúy Mùi). ...

Thái Bình thu hút dự án đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có thế mạnh

(MPI) – Ngày 13/01/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 83/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xây dựng lộ trình tổ chức triển...

Cùng chuyên mục

Tin nổi bật

Tin mới nhất