Chi phí thời gian là một trong 10 chỉ số thành phần của Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Năm 2023, Chỉ số Chi phí thời gian của Hà Nam đạt 7,83 điểm, xếp vị trí thứ 26 tỉnh, thành phố trên cả nước. Với nhiều nỗ lực trong triển khai thực hiện các giải pháp, Chỉ số Chi phí thời gian năm 2024 của tỉnh sẽ tiếp tục tăng điểm số và thứ hạng so với năm 2023.
Chi phí thời gian là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu được các doanh nghiệp và nhà đầu tư quan tâm. Bởi lẽ, không một doanh nghiệp nào muốn phải mất nhiều thời gian cho việc giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC). Theo đó, để cải thiện môi trường đầu tư, hằng năm, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành xây dựng chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể nhằm cải thiện, nâng cao Chỉ số PCI nói chung, Chỉ số Chi phí thời gian nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Vì vậy, thực trạng chi phí thời gian của các doanh nghiệp khi đầu tư sản xuất, kinh doanh tại tỉnh Hà Nam trong những năn gần đây đã có sự cải thiện rõ nét, từ vị trí thứ 42 trong bảng xếp hạng vào năm 2021 đã vươn lên vị trí thứ 27/63 tỉnh, thành phố năm 2022 (tăng 15 bậc). Năm 2023, Chỉ số Chi phí thời gian của Hà Nam tiếp tục tăng 0,37 điểm, tuy nhiên lại giảm 1 bậc so với năm 2022, xếp vị trí thứ 28/63 tỉnh, thành phố.
Năm 2023, trong 14 chỉ tiêu cơ sở của Chỉ số Chi phí thời gian, có 2 chỉ tiêu nằm trong tốp 20 tỉnh dẫn đầu cả nước, 4 chỉ tiêu đứng ở nhóm giữa bảng xếp hạng. Cụ thể, theo báo cáo PCI năm 2023, Hà Nam có 5/14 chỉ tiêu trong Chỉ số Chi phí thời gian được cải thiện so với năm trước, bao gồm: tỷ lệ doanh nghiệp dành hơn 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện các quy định pháp luật của Nhà nước là 23% (tăng 2 bậc, xếp hạng 25/63 tỉnh, thành phố); 83% doanh nghiệp đánh giá không gặp khó khăn khi thực hiện TTHC trực tuyến (tăng 9 bậc, xếp hạng 16/63 tỉnh, thành phố); 81% doanh nghiệp cho biết thực hiện TTHC trực tuyến giúp giảm thời gian cho doanh nghiệp (tăng 2 bậc, xếp hạng 21/63 tỉnh, thành phố); 80% doanh nghiệp được hỏi đánh giá thực hiện TTHC trực tuyến giúp tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp (tăng 8 bậc, xếp hạng 23/63 tỉnh, thành phố); 6% doanh nghiệp nhận thấy cán bộ thanh, kiểm tra lợi dụng thực thi công vụ nhũng nhiễu doanh nghiệp (tăng 15 bậc, xếp hạng 40/63 tỉnh, thành phố).
Như vậy, trong số các chỉ tiêu cơ sở của Chỉ số Chi phí thời gian, các chỉ tiêu liên quan đến thực hiện TTHC trực tuyến được doanh nghiệp đánh giá cao. Qua đó cho thấy, thời gian qua, các cấp chính quyền, các sở, ngành của tỉnh đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC. Điều này cũng được các doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá cao tại các buổi gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp do tỉnh tổ chức hằng năm.
Ông Trần Văn Kiên, Chánh Văn phòng UBND tỉnh khẳng định: Có được kết quả tích cực trong thực hiện Chỉ số Chi phí thời gian là do UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành đẩy mạnh cải cách TTHC, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thông thoáng nhất cho các nhà đầu tư khi đến đầu tư và triển khai dự án tại Hà Nam. Với vai trò là cơ quan đầu mối chủ trì thực hiện Chỉ số Chi phí thời gian, Văn phòng UBND tỉnh đã tích cực đôn đốc các cơ quan, đơn vị rà soát, đề xuất phương án đơn giản hoá TTHC; cắt giảm quy trình, thời gian giải quyết TTHC, chuẩn hóa quy trình nội bộ, quy trình điện tử giải quyết TTHC; kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các quy định, TTHC không còn phù hợp, gây phiền hà, làm lãng phí thời gian và tăng chi phí của doanh nghiệp.
Đồng thời, thực hiện cập nhật, công khai đầy đủ, kịp thời danh mục, quy trình giải quyết TTHC và khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện các TTHC thông qua hình thức trực tuyến. Đến nay, 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được giải quyết theo cơ chế “một cửa” hoặc qua các phần mềm ứng dụng riêng. Bộ phận “một cửa” cấp huyện, cấp xã cùng với Trung tâm Phục vụ Hành chính công – Kiểm soát TTHC tỉnh trở thành đơn vị đi đầu trong tiến trình chuyển đổi số, hướng tới chính quyền số.
Là cơ quan phối hợp thực hiện Chỉ số Chi phí thời gian, hằng năm, Thanh tra tỉnh đều có văn bản hướng dẫn các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thanh tra của đơn vị từ cuối năm trước. Đồng thời, thường xuyên rà soát, cập nhật, công khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để tránh trùng lặp, chồng chéo; bảo đảm nguyên tắc: không trùng lặp nội dung kiểm tra giữa các đoàn; không thanh tra, kiểm tra trên 2 lần/năm đối với 1 doanh nghiệp; không thanh tra, kiểm tra khi không có căn cứ theo quy định của pháp luật; rút ngắn hơn nữa thời gian thanh tra, kiểm tra đối với mỗi cuộc. Thanh tra tỉnh cũng tăng cường các kênh tiếp nhận ý kiến phản hồi của doanh nghiệp về tố cáo hành vi nhũng nhiễu của cán bộ cơ quan nhà nước; kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp của cán bộ cơ quan Nhà nước.
Ông Nguyễn Huy Đông, Phó Chánh Thanh tra tỉnh cho biết: Thực hiện Chỉ số Chi phí thời gian, năm 2024, Thanh tra tỉnh tập trung theo dõi, rà soát, xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra. Trong năm 2024, các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã đề xuất việc thanh, kiểm tra đối với 2.354 lượt đơn vị, doanh nghiệp; trong đó, có 1.957 đơn vị, doanh nghiệp không trùng lặp, 397 lượt đơn vị, doanh nghiệp trùng lặp, chồng chéo. Sau rà soát cắt giảm theo chỉ đạo, xử lý chồng chéo… số đơn vị, doanh nghiệp thực tế được thanh, kiểm tra là 1.440 đơn vị.
Tuy nhiên, trong bảng xếp hạng PCI cấp tỉnh năm 2023, Chỉ số Chi phí thời gian của Hà Nam vẫn còn 9/14 chỉ tiêu cơ sở chưa được đánh giá tốt. Đó là những chỉ tiêu liên quan đến việc doanh nghiệp đánh giá sự thân thiện, giải quyết công việc hiệu quả của cán bộ Nhà nước; việc doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký; doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra trên 3 lần một năm; số giờ trung vị cho mỗi cuộc làm việc với thanh tra, kiểm tra thuế còn cao…
Để nâng hạng Chỉ số Chi phí thời gian, các sở, ban, ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; tăng cường công khai, minh bạch hóa thông tin trên website, đặc biệt là đăng tải đầy đủ các thông tin về quy hoạch, kế hoạch phát triển của tỉnh, các dự án đầu tư công; rút ngắn, loại bỏ những thủ tục cản trở việc đầu tư của các chủ dự án vào tỉnh.
Bên cạnh đó, thực hiện sắp xếp hợp lý các nội dung, chương trình, kế hoạch công tác, đặc biệt là đối với nội dung thanh, kiểm tra doanh nghiệp; ứng dụng hiệu quả công tác chuyển đổi số trong quản lý thuế, phí, cắt giảm thời gian thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra lĩnh vực thuế. Với những chỉ tiêu thành phần giảm điểm, giảm thứ hạng, tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương tập trung giải quyết có hiệu quả những vướng mắc, hạn chế, hướng tới sự hài lòng của doanh nghiệp, nhà đầu tư…
Hân Hân
Nguồn: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/cai-cach-hanh-chinh/no-luc-cai-thien-chi-so-chi-phi-thoi-gian-140630.html