Ngay sau Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Đảng bộ, nhân dân Hà Nam phải đối mặt trước muôn vàn khó khăn, thử thách. Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Chính phủ, Mặt trận Việt Minh, Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết, giành thắng lợi trước: “giặc đói”, “giặc dốt”, “giặc ngoại xâm”, bảo vệ chính quyền cách mạng và nền độc lập non trẻ vừa giành được.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Ảnh tư liệu
Chính quyền dân chủ nhân dân được thành lập đưa địa vị của người lao động từ thân phận người nô lệ, làm thuê lên làm chủ đất nước, động viên mọi người tin tưởng, phấn khởi, quyết dốc sức, dốc lòng xây dựng cuộc sống mới. Trong bối cảnh bộn bề khó khăn, Ban cán sự và Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh tập trung chỉ đạo, xây dựng chính quyền cách mạng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, không phân biệt tôn giáo tín ngưỡng, lứa tuổi, đẩy mạnh sản xuất thực hành tiết kiệm, hướng mọi hoạt động vào sự nghiệp giữ nước, cứu nước. Đồng thời, triển khai những công việc trước mắt: trồng hoa màu ngắn ngày chống đói, mở lớp bình dân học vụ, củng cố xây dựng lực lượng vũ trang sẵn sàng đối phó với âm mưu phá hoại của bọn việt gian phản động.
Trong thời gian đóng quân trên đất Hà Nam, quân Tưởng và bọn tay sai đã không thể thực hiện được âm mưu chống phá cách mạng, tiêu diệt tổ chức đảng, lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân. Có được những thắng lợi đó là do Ban Cán sự Đảng tỉnh đã vận dụng chủ trương, sách lược của Trung ương một cách linh hoạt vào tình hình cụ thể của địa phương. Cùng với đó, tập hợp, đoàn kết, giáo dục, phát động lực lượng quần chúng đấu tranh với địch dưới nhiều hình thức, làm thất bại mọi mưu đồ của địch, bảo vệ tổ chức đảng và chính quyền. Song song với nhiệm vụ trấn áp bọn phản cách mạng, việc chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới, lãnh đạo nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, tiết kiệm lương thực chống nạn đói được các cơ sở đảng hết sức quan tâm. Khẩu hiệu: “Tấc đất, tấc vàng”, “Toàn dân ra sức tăng gia sản xuất”, “Diệt giặc đói như diệt giặc ngoại xâm”… trở thành hành động cách mạng của mọi người. Chính quyền ra lệnh cấm nấu rượu bằng gạo, cấm đầu cơ tích trữ lương thực, đồng thời vận động nhân dân tiết kiệm lập “Hũ gạo cứu đói”. Mặt trận Việt Minh tổ chức cho Hội Thanh niên Cứu quốc quyên góp lương thực giúp đỡ gia đình bị đói.
Ở Kim Bảng, chính quyền phát động nhân dân hăng hái tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống, thực hiện tiết kiệm lương thực. Mỗi gia đình cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa bỏ vào hũ gạo chống đói. Việc sản xuất, đào mương chống hạn, đắp đê chống lụt, bảo vệ lúa, hoa màu được đẩy mạnh. Ruộng đất hoang hoá được khai thác. Hàng ngàn thanh niên ở Kim Bảng tham gia sửa chữa những quãng đê sạt lở, khoanh vùng cứu lúa. Nhân dân ven sông Châu (Bình Lục) tình nguyện góp hàng ngàn cây tre, hàng ngàn ngày công hỗ trợ đồng bào Duy Tiên sửa chữa nhà cửa hư hỏng do vỡ đê, tổ chức đắp đập Môi (Mai Động) để bảo vệ sản xuất ở vùng đồng trũng.
Nhờ nỗ lực của tổ chức đảng, chính quyền cách mạng và Việt Minh các cấp, đời sống nhân dân trong tỉnh dần ổn định. Bên cạnh đẩy mạnh sản xuất, chống đói, chính quyền còn thực hiện nhiều biện pháp nhằm cải thiện đời sống nhân dân, giảm thuế điền thổ 20%, miễn thuế điền thổ cho những vùng bị lụt. Mở nông khố ngân hàng cho vay tiền tạo điều kiện để nông dân trồng thêm hoa màu, đẩy mạnh sản xuất. Nhờ vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, nạn đói đã được đẩy lùi. Ủy ban Hành chính tỉnh đã tịch thu 6 đồn điền lớn của chính quyền thực dân (rộng hơn 10 nghìn ha) với trên 3 nghìn trâu, bò, dê, cừu, giao cho Ban Kinh tế dân sinh quản lý. Cùng với đó, tịch thu ruộng đất của một số chủ Pháp và bọn việt gian bỏ chạy đem chia cho dân.
Để góp phần cùng cả nước giải quyết khó khăn trước mắt về tài chính và trang bị vật lực cho quân đội, đồng bào trong tỉnh đã tích cực ủng hộ “Quỹ độc lập”, “Tuần lễ vàng” do Chính phủ phát động (từ 17 đến 24/9/1945). Nhiều người tự nguyện góp vào “Quỹ độc lập” số tiền chắt chiu dành dụm trong nhiều năm. Ban tổ chức “Tuần lễ vàng” cũng nhận được nhiều trang sức quý là gia tài của ông cha để lại hoặc tài sản hồi môn, kỷ vật ngày cưới của nhân dân tình nguyện đóng góp cho cách mạng. Do tập trung tổ chức tăng gia sản xuất và vận động tiết kiệm nên chính quyền và nhân dân đã bảo đảm tự túc được lượng lương thực, thực phẩm trong một năm (từ cuối 1945 đến cuối 1946) cho các cơ quan chính quyền tỉnh.
Giặc đói, giặc ngoại xâm bị đẩy lùi, tuy nhiên trên 90% dân số Hà Nam bị mù chữ là “một trong ba thứ giặc” mà nhiệm vụ của cách mạng phải diệt trừ. Ban Cán sự Đảng tỉnh phát động phong trào học chữ quốc ngữ sôi nổi, rộng khắp thành thị, nông thôn. Các lớp bình dân học vụ tổ chức rộng rãi ở xã, thôn, đường phố. Phần lớn giáo viên là những người nhiệt tình, lăn lộn ngày đêm trên mặt trận “diệt giặc dốt”. Người biết chữ dạy người chưa biết chữ, người biết nhiều dạy người biết ít, lớp học được mở ở bất cứ địa điểm nào có thể học được. Phong trào rủ nhau đi học, đi dạy học phát triển mạnh, lôi cuốn cả những cụ già 60 – 70 tuổi tham gia. Hàng ngàn người tự nguyện làm giáo viên dạy chữ không ăn lương. Trong khoảng một năm (từ cuối 1945 đến cuối 1946), nhờ quyết tâm của cán bộ, đảng viên cùng với truyền thống hiếu học của nhân dân, cả tỉnh đã có 145.443 người biết đọc, biết viết. Đó là thắng lợi lớn về chính trị, văn hoá, tạo điều kiện thuận lợi cho việc động viên nhân dân tham gia bảo vệ chính quyền, tích cực, tự giác thực hiện nghĩa vụ công dân. Cùng với đó, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân, tự giác bài trừ tệ nạn cờ bạc, nghiện hút, rượu chè, hủ tục mê tín, dị đoan…
Một góc thành phố Phủ Lý hôm nay. Ảnh: Thế Trang
Sau ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền đến cuối năm 1945, Ban Cán sự Đảng tỉnh tập trung củng cố, kiện toàn ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời các cấp, chỉ đạo việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chính quyền dân chủ nhân dân, củng cố ủy ban nhân dân các xã, loại bỏ những phần tử cơ hội ra khỏi chính quyền, mời một số trí thức, nhân sĩ tiến bộ tham gia. Đồng thời, lựa chọn những người có năng lực, uy tín vào giữ các vị trí chủ chốt trong chính quyền.
Ngày 8/9/1945, Hồ Chủ tịch ban hành Sắc lệnh tổ chức tổng tuyển cử bầu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Ngày 6/1/1946, cuộc bầu cử Quốc hội được tiến hành trong phạm vi cả nước. Nhân dân Hà Nam phấn khởi hân hoan đón mừng ngày hội lớn của dân tộc. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, người dân tự mình lựa chọn những người có đủ tài, đức vào cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước. Gần 100% cử tri trong tỉnh tham gia bầu cử. Trong số 45 người ứng cử, đề cử ở đơn vị bầu cử tỉnh Hà Nam, cử tri chọn được 7 đại biểu Quốc hội.
Trong khí thế phấn khởi của ngày bầu cử Quốc hội thành công, chiều 11/1/1946, Ban Cán sự Đảng, chính quyền, nhân dân Hà Nam lại tưng bừng đón chào Hồ Chủ tịch về thăm. Khi đoàn xe đưa Người về đến thị xã Phủ Lý, cán bộ tỉnh, thị xã Phủ Lý cùng đông đảo nhân dân đã tập trung trước Phòng Thông tin để đón chào. Hồ Chủ tịch căn dặn đồng bào, chiến sĩ, cán bộ phải nêu cao tinh thần đoàn kết, chống giặc ngoại xâm, trừ nạn đói, bảo vệ nền độc lập, tự do. Sau bầu cử Quốc hội, từ trung tuần tháng 1 đến tháng 3/1946, nhân dân Hà Nam tiếp tục tiến hành bầu cử hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã, cử ra ủy ban hành chính các cấp, thay thế các ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời.
Thắng lợi của giai đoạn bảo vệ chính quyền cách mạng và nền độc lập non trẻ là thắng lợi có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, Mặt trận Việt Minh trong tỉnh tích luỹ kinh nghiệm, động viên các tầng lớp nhân dân đoàn kết, đồng lòng thực hiện thành công cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, giành lại hoà bình cho quê hương./.
Cổng TTĐT tỉnh