Ông Trần Ngọc Tiếp (sinh năm 1953, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm), là cựu lãnh đạo Thanh tra của Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong suốt những năm công tác ở Hà Nội, nhận thấy người dân quê mình vẫn còn nghèo khó, vì vậy ông đã tìm hiểu và mở xưởng nhang sạch vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, đặc biệt là những người khuyết tật yếu thế.
Nói về lý do chọn nghề làm hương ông Tiếp cho biết: Thứ nhất là nguyên liệu sản xuất rẻ, có sẵn tại địa phương lại dễ thu mua. Thứ hai là vốn đầu tư không quá lớn. Thứ ba là làm hương không quá khó, ai cũng có thể làm được, từ người khuyết tật cho tới người già 70 tuổi vẫn làm rất năng suất. Bởi vì công việc này không nặng nhọc hay phải đòi hỏi kỹ thuật cao, chỉ cần bền bỉ, kiên trì và có ý thức trách nhiệm với sản phẩm của mình làm ra…
Những ngày đầu mở xưởng ông Tiếp gặp vô vàn khó khăn. Mặc dù đã nắm được quy trình sản xuất nhưng khi bắt tay vào làm, ông và cộng sự phải tự mày mò, học hỏi rất nhiều mới ra được thành phẩm chất lượng cao. Ông Tiếp cho biết: Tôn chỉ mục đích của tôi là chất lượng cao – an toàn sức khỏe – giá cả cạnh tranh vì thế tiếng lành đồn xa, giờ đây tôi có nhiều đối tác từ Mexico, Ai Cập, Argentina, Đài Loan… tìm đến tận cơ sở để quan sát, đánh giá, tìm hiểu và mua hàng. Đây cũng là những đối tác lâu năm, tin tưởng đặt hàng của gia đình tôi.
Trước đó, thị trường Ấn Độ là mối hàng chủ yếu của xưởng. Nhưng năm 2019, trong bối cảnh Ấn Độ đột ngột cấm nhập hương của Việt Nam, có rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hương xuất khẩu bị phá sản hoặc tạm ngừng sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp của ông vẫn được duy trì với mối hàng các nước khác.
Xưởng sản xuất hương của ông với doanh thu hằng năm đều đặn đạt trên dưới 1.000.000 USD. Tuy nhiên, doanh thu năm 2020, 2021 giảm sút chỉ còn khoảng 500.000 – 600.000 USD bởi ảnh hưởng của dịch bệnh và biến động chung của thế giới.
Năm 2022, xưởng hương của ông bắt đầu phục hồi, xuất khẩu 100% với doanh thu trên dưới 1.000.000 USD/năm. Ông Tiếp chia sẻ: Tôi không có bí quyết gì đặc biệt ngoài việc bảo đảm đúng tiến độ, đúng mức giá đã thỏa thuận và đặc biệt là chất lượng sản phẩm phải uy tín trong mọi hoàn cảnh. Họ cho phép sản phẩm lỗi không quá 3% nhưng hàng của tôi lỗi cao nhất chỉ 0,2%. Doanh nghiệp của tôi cũng luôn bảo đảm mọi yêu cầu theo đúng quy định của pháp luật.
Hiện, xưởng làm hương của ông Tiếp tạo việc làm cho gần 40 công nhân, có thời điểm lên đến 80 – 100 công nhân, chủ yếu là người khuyết tật, người cao tuổi, người lao động thuần nông địa phương. Có người làm chuyên nghiệp, có người tranh thủ lúc nông nhàn. Những ai ở xa, ông Tiếp tạo điều kiện nơi ăn chốn ở để tiện làm việc. “Điều khiến tôi vui nhất là có 9 cặp người khuyết tật đã đến với nhau, thành vợ chồng sau thời gian làm việc tại xưởng. Toàn bộ các cháu nhỏ được sinh ra đều khoẻ mạnh bình thường, không bị khuyết tật như bố mẹ các cháu là điều khiến tôi rất mừng. Hiện, có 11 công nhân khuyết tật đang làm việc tại xưởng, ban đầu tôi cầm tay chỉ việc và giờ cũng rất thành thạo” – ông Tiếp cho biết.
Mặc dù, đã ở tuổi “xế chiều”, sức khỏe đã kém đi nhiều nhưng ông luôn mong muốn: Nếu có thêm nguồn kinh phí, nhân công sẽ mở rộng thêm xưởng hương góp phần tạo việc làm cho người yếu thế, mang hương sạch đến tay người tiêu dùng… Mỗi năm doanh thu của xưởng đều đặn khoảng 1 triệu USD. Thế là có ích cho đời!
Ông Lê Hải Đăng, Chủ tịch UBND xã Liêm Sơn cho biết: Mô hình hương sạch của ông Trần Ngọc Tiếp vừa tạo điều kiện phát triển kinh tế, vừa giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn. Ông là tấm gương tiêu biểu đi đầu trong việc tìm tòi phát triển ngành nghề thủ công truyền thống tại địa phương.
Năm 2023, sản phẩm hương an toàn của Công ty cổ phần Dân Sinh của ông Tiếp được Bộ Công thương chứng nhận đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia; được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao của UBND huyện Thanh Liêm; Sở Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hà Nam.
Trần Giang
Nguồn: https://baohanam.com.vn/que-huong-nui-doi-song-chau/nguoi-mang-nghe-moi-ve-que-131472.html