Sáng 1/10, Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức Tọa đàm “Nâng cao chất lượng, hiệu quả việc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân”. Đồng chí Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì tọa đàm. Dự tọa đàm có các đồng chí: Đặng Thanh Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; đại diện Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh, thường trực các huyện, thị, thành ủy.
Theo nội dung báo cáo đề dẫn toạ đàm: Quán triệt sâu sắc tinh thần “dân là gốc”, những năm qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu BTV Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền tăng cường và đổi mới nội dung, phương thức thực hiện công tác dân vận theo hướng “trọng dân, gần dân, có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, trong đó việc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân vận.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 518 hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân (cấp tỉnh 5 hội nghị, cấp huyện 36 hội nghị, cấp xã 477 hội nghị). Nội dung đối thoại đề cập toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch; nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh; giải phóng mặt bằng…
Tại các hội nghị đối thoại, ý kiến phản ánh, kiến nghị của nhân dân được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trực tiếp trả lời đầy đủ, trách nhiệm, trọng tâm, trọng điểm, cơ bản, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Thông qua đối thoại, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đã tranh thủ lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, chương trình phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH), đảm bảo quốc phòng – an ninh và các vấn đề quan trọng liên quan đến nhân dân; trực tiếp lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân để kịp thời chỉ đạo giải quyết; phát huy quyền làm chủ, khuyến khích nhân dân đóng góp ý kiến đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền, tạo sự đồng thuận xã hội và thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh.
Tại tọa đàm, các đại biểu tham luận tập trung đánh giá thực trạng, những khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong thực hiện đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; phân tích nguyên nhân; trao đổi kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả đối thoại; đề xuất, kiến nghị một số vấn đề nhằm thực hiện tốt hơn việc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy chính quyền với nhân dân.
Phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đinh Thị Lụa nhấn mạnh: Việc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân vận. Ví thế, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, tổ chức chính trị – xã hội tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện tốt Quyết định 218 của Bộ Chính trị; Hướng dẫn 09 của BTV Tỉnh ủy về đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu về công tác đối thoại trực tiếp với nhân dân; đưa nội dung đối thoại vào chương trình công tác hằng năm.
Ban Dân vận Tỉnh ủy tham mưu BTV Tỉnh ủy rà soát, bổ sung, thay thế văn bản hướng dẫn việc tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân bảo đảm bám sát chỉ đạo của Trung ương, phù hợp với thực tiễn địa phương; phối hợp tổ chức tốt các hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân.
Thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo thực hiện việc đối thoại bảo đảm quy trình, chất lượng. Trước khi tổ chức hội nghị đối thoại, phân công đơn vị chủ trì tham mưu, cơ quan phối hợp đối thoại lựa chọn hình thức, nội dung đối thoại với nhân dân bảo đảm quy định, hướng dẫn. Quá trình đối thoại phải có chương trình chi tiết, cụ thể. Sau đối thoại, ban hành thông báo kết luận kết quả đối thoại; chỉ đạo giải quyết kiến nghị của nhân dân kịp thời, đúng quy định.
Quan tâm công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ công tác dân vận cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, nhất là đội ngũ cán bộ tham mưu. MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội làm tốt công tác nắm bắt, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân, dư luận xã hội, những vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc để phối hợp tham mưu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tổ chức đối thoại với nhân dân; chủ động theo dõi, giám sát việc thực hiện kết luận sau đối thoại. Mặt khác, thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, xử lý kỷ luật đối với những tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm trong việc đối thoại và giải quyết kiến nghị của nhân dân. Định kỳ sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc đối thoại. Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, nhân rộng cách làm hay, kinh nghiệm tốt để việc đối thoại ngày càng hiệu quả thiết thực…
Nguyễn Hằng
Nguồn: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/xay-dung-dang-chinh-quyen/nang-cao-chat-luong-hieu-qua-viec-doi-thoai-giua-nguoi-dung-dau-cap-uy-chinh-quyen-voi-nhan-dan-136044.html