Thị trường xuất hiện nhiều yếu tố bất ngờ
Niên vụ cà phê 2023 – 2024 được kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm nay. Ngành cà phê toàn cầu đã trải qua nhiều khó khăn và thách thức do biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, sản lượng và chất lượng. Khô hạn và nắng nóng kéo dài từ đầu vụ, mưa bão cuối vụ. Bất ổn chính trị, chiến tranh, cấm vận cục bộ giữa Nga và Ukraine, Israel và Dải Gaza, cùng nhiều nơi khác trên thế giới với diễn biến kéo dài tiếp tục tác động đến khó khăn của nền kinh tế toàn cầu trong trung và dài hạn.
Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,45 triệu tấn cà phê, dự kiến thu về 5,32 tỷ USD |
Tại Việt Nam, theo Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam (VICOFA), kết thúc niên vụ này, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,45 triệu tấn cà phê, dự kiến thu về 5,32 tỷ USD – giảm 12,7% về sản lượng nhưng tăng 30,4% về kim ngạch. Kim ngạch xuất khẩu cà phê niên vụ vừa qua cũng đạt mức kỷ lục của ngành này từ trước đến nay.
Xét theo từng loại cà phê xuất khẩu, có thể thấy chủ yếu vẫn là cà phê Robusta với dự kiến gần 1,23 triệu tấn, kim ngạch 4,32 tỷ USD – giảm gần 18% về sản lượng nhưng tăng 24% về giá trị nhờ giá xuất khẩu tăng.
Đáng chú ý, cà phê chế biến (rang xay và hòa tan) xuất khẩu được khoảng 130.150 tấn (chưa quy đổi ra cà phê nhân), kim ngạch 898 triệu USD – tăng 44,6% về khối lượng và tăng 76% về giá trị. Điều này cho thấy ngành cà phê đã có sự gia tăng sản phẩm chế biến sâu, nâng cao giá trị xuất khẩu bên cạnh việc xuất khẩu nguyên liệu.
Bên cạnh con số kỷ lục về xuất khẩu, thị trường cà phê niên vụ này cũng xuất hiện nhiều bất ngờ chưa từng thấy. Ông Đỗ Hà Nam – Phó Chủ tịch VICOFA – cho hay, đây là lần đầu tiên giá cà phê Việt Nam đắt nhất thế giới; giá cà phê Robusta xuất khẩu cao hơn cả giá cà phê Arabica; giá cà phê kỳ hạn trên sàn London vượt 5.000 USD/tấn và một số thời điểm vượt mốc 5.500 USD/tấn.
Ông Nguyễn Quang Bình – chuyên gia thị trường cà phê – nhận định, 2024 được đánh giá là năm thần kỳ với ngành cà phê. Thị trường cà phê Việt Nam và thế giới chứng kiến cơn bão giá chưa từng có tiền lệ, giá cà phê tăng tới 1,5 lần so với năm ngoái.
Và câu chuyện củng cố lại chuỗi cung ứng
Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) được cho là điểm cộng quan trọng cho xuất khẩu cà phê bởi ngành cà phê Việt Nam đã có sự chuẩn bị sẵn sàng thực hiện quy định này. Theo ông Đỗ Hà Nam, nếu quy định này được thực hiện như kế hoạch ban đầu, giá cà phê Việt Nam tiếp tục sẽ đắt nhất thế giới, vì Việt Nam là nguồn cung tốt nhất trong việc thực hiện quy định này.
Tuy nhiên, thị trường không chỉ toàn “màu hồng”. Giá cà phê tăng giúp nông dân thắng lới nhưng cũng không ít doanh nghiệp gặp khó. Ông Đỗ Hà Nam phân tích, giá cà phê tăng quá nhanh trong khi nguồn cung hạn chế khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Doanh nghiệp xuất khẩu không có hàng giao đúng hạn, đối tác, nhà thu mua, rang xay phản ứng tiêu cực.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu trong ngành, niên vụ vừa qua khi giá cà phê Việt Nam tăng cao và doanh nghiệp thu mua không có hàng để giao cho nhà rang xay đã có một số đối tác tìm đến nguồn cung khác nhằm duy trì sản xuất. Nghĩa là cà phê Việt Nam đã mất một phần thị trường.
Tất nhiên, người mua không mong giá cà phê xuống thấp, nhưng cần phải duy trì mức giá người nông dân có lợi nhuận tốt mà doanh nghiệp thương mại, nhà chế biến cũng có thể cân đối được giá thành. Bên cạnh đó, các mắt xích trong chuỗi thu mua, xuất khẩu cũng cần có giải pháp để duy trì sự ổn định, đảm bảo hàng hoá có thể lưu thông liên tục.
Thị trường cà phê năm 2025 được nhận định sẽ có những biến động mạnh do những lo ngại về nguồn cung, biến động địa chính trị và những yêu cầu gắt gao từ thị trường nhập khẩu. Đáng chú ý, một số nhà nhập khẩu cà phê cho hay, họ sẽ tìm kiếm nguồn cung khác thay thế cho cà phê Việt Nam nếu giá tăng quá cao, doanh nghiệp cung ứng không đảm bảo uy tín. Điều này đòi hỏi ngành cà phê sớm điều chỉnh để đi đúng quỹ đạo, duy trì tăng trưởng một cách bền vững.
Cà phê Việt Nam ngày càng thể hiện vai trò quan trọng đối với nhu cầu thị trường thế giới. Hiện có đến 40% diện tích và sản lượng đạt các chứng nhận sản xuất bền vững, hữu cơ là một lợi thế cạnh tranh lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đi đầu trong việc thực hiện EUDR. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nam Hải – Chủ tịch VICOFA, một vài năm tới, thế giới có rơi vào cuộc khủng hoảng thừa cà phê, khiến giá lao dốc như trước kia hay không, đây là điều cần được suy xét thận trọng. Việt Nam cũng cần tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng cà phê và hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia chuỗi giá trị ngành hàng này.
Về phía các chuyên gia cũng cho rằng, nhiệm vụ của ngành cà phê Việt Nam trước mắt là sớm giải quyết các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng, lấy lại uy tín từ đối tác xuất khẩu. Về phía người nông dân, cần ưu tiên nâng cao chất lượng cà phê, tránh mở rộng diện tích ồ ạt khiến cung vượt cầu. Doanh nghiệp bên cạnh thu mua, xuất thô, tích cực đầu tư vào chế biến, chế biến sâu các sản phẩm giá trị gia tăng để đảm bảo tăng trưởng bền vững trong dài hạn.