Di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương (xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân) thờ Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng gia quyến và các bộ tướng có công trong cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên xâm lược vào thế kỷ XIII. Đền tọa trên thế đất “Hình nhân bái tướng”, lại có sự kết nối liên hoàn với vùng địa linh Trần Thương, nơi có điểm nhấn phong thủy độc đáo “Lục Đầu Khê” (hội tụ sáu con ngòi) tựa như vùng địa linh Kiếp Bạc (Chí Linh, Hải Dương) gắn với địa danh “Lục Đầu Giang” (điểm gặp của sáu con sông) miền đông bắc Tổ quốc.
Linh từ Trần Thương
Trần Thương (Lý Nhân, Hà Nam) cùng với: Kiếp Bạc (Chí Linh, Hải Dương), Cố Trạch (Bảo Lộc, Nam Định) là ba ngôi đền lớn thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Đền Trần Thương hiện còn lưu giữ nhiều sắc phong, trong đó có bản niên đại Cảnh Hưng 28 (năm 1767) phong Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn có ghi: “Kiếp Bạc, Bảo Lộc, Trần Thương tối linh từ” (dịch nghĩa: ba di tích tiêu biểu thờ Đức Thánh Trần). Hằng năm, nhân dịp tưởng niệm ngày mất của Đức Thánh Trần (20 tháng 8 âm lịch), cả ba nơi đều tổ chức lễ hội lớn, trọng thể hơn cả. Đặc biệt, đền Trần Thương còn có Lễ phát lương Đức Thánh Trần (vào giờ tý ngày rằm tháng giêng đầu xuân).
Tương truyền: Khi thắng giặc Mông – Nguyên lần thứ III (1288), Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn xa giá hai vua về kinh đô rồi quay trở lại Trần Thương, mở kho phát lương khao quân dân và “tạo lệ” (*), rồi đặt sinh phần (vì thế sau này dân gian thường hay truyền tụng rằng ngài ngự ở Trần Thương). Sau khi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn qua đời (ngày 20/8 năm Canh Tý; tức năm Hưng Long thứ 8, ngày 5/9/1300, tại Phủ đệ ở Vạn Kiếp, Chí Linh, Hải Dương), nhân dân Trần Thương đã thành kính lập đền trên đất kho lương cũ để thờ tự, chiêm bái, tri ân ngài.
Vùng đất Trần Thương
Theo các sử liệu và truyền thuyết dân gian: xưa kia Trần Thương mang tên thôn Miễu là vùng đất cổ hình thành từ lâu đời. Khoảng hơn 2000 năm trước Công nguyên đã có người Việt từ thượng lưu sông Hồng xuôi về cư trú ở vùng hạ lưu ven sông, hình thành nên các vùng dân cư, trong đó có vùng đất Miễu thôn. Chứng tích tiêu biểu về thời đại Hùng Vương hiện hữu ở vùng Miễu thôn-Trần Thương là việc tìm thấy trống đồng thuộc dòng Đông Sơn ở bãi Trần Thủy, xã Như Trác (nay là thôn Như Trác, xã Trần Hưng Đạo) vào khoảng năm 1893 -1894(**). Vùng địa linh – thôn Miễu mà Trần Hưng Đạo chọn làm kho lương vốn xưa kia là gò đất lớn có hình mai rùa, cây cối, lau sậy um tùm nổi lên giữa vùng trũng ven sông. Thôn Miễu có sử tích lưu truyền cùng ngôi đền thờ bà Chúa Miễu (là người phụ nữ có tấm lòng nghĩa ái, dạy dân, chữa bệnh cứu người, khi quy tiên thì thiêng hóa nạp âm địa cả vùng) nên mang danh thế đất “Hình nhân”. Cũng vì địa linh và có vị thế hiểm yếu nên thôn Miễu được Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn chọn làm nơi xây dựng kho lương chính và đặt tên là “Trần Thương” phục vụ cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên từ lần thứ II năm 1285, nay là di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương, thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng gia quyến và các bộ tướng của ngài. Thế đất “Hình nhân” nơi thôn Miễu trước đây, do sau này có thêm đền thờ Đức Thánh Trần nên được lưu truyền là thế đất “Hình nhân bái tướng”.
Ngoài kho lương chính mang tên Trần Thương, các kho lương phụ được bố trí rải rác tại một số nơi (có địa thế gần sông, ngòi, tiện thu gom, bảo quản, vận chuyển… lương thảo) ở quanh vùng mà địa danh còn lưu giữ đến tận ngày nay, như: Phú Cốc (Phú Phúc), Trần Xá (Nguyên Lý)… Đặc biệt, vùng đất này còn lưu giữ nhiều địa danh cổ liên quan đến việc lập, quản lý, điều hành, bảo vệ… hệ thống kho lương và đồn trú quân sĩ nhà Trần, như: Đội Xuyên (quân canh), Khu Hoàng (Hoàng thất, còn gọi khu mật, Hoàng Xá), Trác Nội, Trác Ngoại (Như Trác), Đồng Nhân…
Linh từ Trần Thương và địa danh “Lục Đầu Khê”
Nếu như ở Kiếp Bạc (Chí Linh, Hải Dương) có sáu con sông (sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Đuống, sông Kinh Thầy, sông Thái Bình) cùng hợp lưu, tụ thủy tạo thành địa danh Lục Đầu Giang, thì ở Trần Thương (xã Trần Hưng Đạo, Lý Nhân, Hà Nam) cũng có sáu con ngòi cùng hội tụ về nhánh chính là sông Trần Thương và được ví như sáu con rồng chầu nên còn được lưu danh là “Địa Long Lục Đầu Khê”. Thời Trần, sông Trần Thương có tên Hà Xuyên, cửa sông ăn ra Hoàng Giang, lại có “Đội Xuyên” (quân canh gác thường xuyên ở cửa sông Hà Xuyên). Đây còn là Trạm Quan báo khi có việc cơ mật liên quan đến kho lương nhà Trần. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Trạm Hà Xuyên ở xã Đội Xuyên, huyện Nam Xang, phía bắc đến tỉnh thành Hưng Yên 16 dặm, phía nam đến trạm Nam Hoàng tỉnh Nam Định 32 dặm”. Sách Đồng Khánh địa dư chí cũng chép: “Một đường quan báo từ địa giới tỉnh Hưng Yên qua trạm Hà Xuyên, huyện Nam Xương đến địa giới tỉnh Nam Định…”. Như vậy, từ thời Trần đến các triều sau này, thôn Đội Xuyên đều đóng vai là “trạm” và “đường quan báo” ở điểm sông Hà Xuyên- một nhánh của Hoàng Giang nối với Long Xuyên rồi hội tụ các dòng thành Lục Đầu Khê chạy về Trần Thương.
Vùng đất chiêm trũng ven sông Trần Thương có nhiều sông, ngòi bao bọc, hiểm trở, nối thông nhau, rất hợp với quân binh Nhà Trần vốn rất giỏi thạo tác chiến sông nước. Đây cũng là địa vùng tốt cho vận dụng binh cơ yếu lược, nhất là kế sách “ẩn thế ém binh”. Nhờ hệ thống Lục Đầu Khê liên hoàn, thông thủy nên quân lương, khí giới của giặc tiếp viện mà quân ta cướp cũng được đưa về Trần Thương rất thuận tiện. Lương thảo của triều đình từ Trần Thương chi viện cho Châu Ái, Châu Hoan (Nghệ An, Thanh Hóa), Nam Ái, Nam Thanh (Tiên Lãng, Hải Phòng) cũng được lưu chuyển rất cơ động, linh hoạt. Đường nước từ Trần Thương theo Lục Đầu Khê qua sông Hà Xuyên rồi ra Hoàng Giang, qua phố Hiến (Hưng Yên) hay đi Thăng Long, hoặc xuôi Tuần Vường rồi ra biển; hoặc gần hơn là ra Long Xuyên, xuôi sông Châu qua Cửa Mạnh (Xuân Khê) về Thiên Trường (Nam Định)… đều rất thông thoáng, thuận tiện. Đặc biệt, những lúc chiến trận ác liệt thì đường nước Lục Đầu Khê là tuyến đường thủy ít bị lộ, lại thông thủy với nhiều sông, ngòi trong vùng. Khi cần ém binh, có thể dìm thuyền dưới nước, khi cần khởi binh lại nhanh chóng nổi thuyền cơ động, tác chiến. Nhiều lần chiến sự ác liệt, khi nhà Trần thực hiện kế sách “thanh dã” (vườn không nhà trống) rút khỏi kinh thành Thăng Long để lui về phủ Thiên Trường (Nam Định), Tràng An (Ninh Bình)… thì Lục Đầu Khê chính là một trong những hướng tạm rút lui theo đường thủy bảo toàn cho Hoàng thất, vợ con quan tướng sơ tán về Hoàng Xá (thôn Khu Hoàng) cùng với Đại Hoàng (Hòa Hậu) và một số nơi thuộc lưu vực Hoàng Giang.
Về việc này, sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Đến khi người Nguyên tắt đường vào cướp, kinh thành thất thủ, Linh Từ ở Hoàng Giang, giữ gìn hoàng thái tử, cung phi, công chúa và vợ con các tướng soái thoát khỏi giặc cướp…”. Sách “Văn Hiến Hà Nam-Truyền thống và hiện đại” cũng chép: “…cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên lần thứ nhất năm 1258. Giữa lúc chiến trận đang căng thẳng, vua Trần Thái Tông quyết định giao cho bà Trần Thị Dung (phu nhân Trần Thủ Độ) việc tổ chức một cuộc sơ tán khẩn cấp toàn bộ gia quyến của các tôn thất, ngoại thích trong triều, cùng vợ con tướng lĩnh… xuống thuyền đưa về vùng Hoàng Giang (Lý Nhân)…”. Khúc sông Hồng vùng Nam Xương thời Trần gọi là Hoàng Giang, chữ “Hoàng” bởi Tổ Trần ở Tam Đường (Thái Bình). Nay địa danh: Khu Hoàng, Khu Mật vẫn còn đó, ghi dấu nơi này đã một thời tôn thất, hoàng tộc Nhà Trần đã từng an cư tại ngoại và nhờ con đường nước từ Long Xuyên, Lục Đầu Khê để về đây ngự dưỡng lúc chiến tranh, loạn lạc.
Ngày nay, tuy không còn nguyên vẹn thế hướng, luồng lạch như thuở ban sơ nhưng Lục Đầu Khê vẫn trường tồn và đang hòa cùng hệ thống kênh, mương, cầu cống của công cuộc xây dựng nông thôn mới. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để hình thế môi trường, cảnh quan sinh thái của một địa danh lịch sử đã từng gắn bó với truyền thống chống giặc ngoại xâm hào hùng thuở xưa luôn được gìn giữ, lưu truyền và tôn vinh đúng mức, nhất là khi ngôi linh từ Trần Thương cùng địa danh huyền thoại Lục Đầu Khê vẫn còn đó. Đáng mừng là hôm nay, cùng với việc tôn tạo, giữ gìn, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương, những công trình giao thông kết nối vùng miền, như tuyến đường tâm linh kết nối đền Trần Thương (Hà Nam)- Bảo Lộc (Nam Định) vươn tới Đền Trần (Thái Bình), đền Kiếp Bạc (Hải Dương) đã hình thành và sẽ sớm thông thoáng đường đi lối về trong thời gian sắp tới.
Ráp nối đôi dòng thông tin lịch sử góp phần làm rõ thêm vùng đất và ngôi linh từ Trần Thương cũng như mối liên hệ của Trần Thương linh từ với địa danh huyện thoại Lục Đầu Khê, qua đó giúp thế hệ hôm nay thêm tự hào và cộng đồng trách nhiệm phát triển mảnh đất “địa linh nhân kiệt” Hà Nam yêu dấu ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Thế Vĩnh
Nguồn: https://baohanam.com.vn/van-hoa/linh-tu-tran-thuong-trong-moi-lien-he-voi-dia-danh-luc-dau-khe-huyen-thoai-136073.html