Nhằm góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống nói chung, hát chèo nói riêng, tháng 4/2022, Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật (VHNT) tỉnh đã công bố Quyết định thành lập và ra mắt CLB Dân ca và Chèo tỉnh Hà Nam. Với rất nhiều kỳ vọng, nhưng trong quá trình hoạt động CLB đã nảy sinh nhiều bất cập, cần có sự quan tâm hỗ trợ để CLB hoạt động thực sự hiệu quả.
Hà Nam có gần 100 câu lạc bộ (CLB) dân ca và chèo, với hàng nghìn cá nhân yêu thích loại hình nghệ thật truyền thống này tham gia. Nhằm góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống nói chung, hát chèo nói riêng, tháng 4/2022, Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật (VHNT) tỉnh đã công bố Quyết định thành lập và ra mắt CLB Dân ca và Chèo tỉnh Hà Nam, nơi quy tụ những cá nhân yêu thích dân ca và chèo trên địa bàn tỉnh đến giao lưu, học hỏi, hỗ trợ và giúp đỡ nhau cùng phát triển. CLB đã thu hút gần 200 hội viên là những hạt nhân nòng cốt trong các hoạt động văn hoá, văn nghệ ở các địa phương trong toàn tỉnh tham gia, trong đó có những CLB hát chèo nổi tiếng, như: CLB Chèo làng Ngò xã Đức Lý, Phúc Hạ xã Hợp Lý (Lý Nhân); CLB Chèo làng Phương Thượng, xã Lê Hồ (Kim Bảng); CLB Dân ca và Chèo thành phố Phủ Lý; các CLB Dân ca và Chèo phường Đồng Văn, Thượng Châu phường Tiên Nội và phường Châu Giang (thị xã Duy Tiên)…
Không còn hoạt động trong không gian nhỏ hẹp làng, xã, CLB Dân ca và Chèo tỉnh đã tạo cơ hội cho những người đam mê với nghệ thuật truyền thống được mở rộng giao lưu, chia sẻ những tinh hoa hát chèo mà vùng đất nơi mình sinh ra, lớn lên đã lưu giữ bao đời, được cùng nhau sinh hoạt và gắn kết với niềm say mê chung. CLB đã bầu Ban Chủ nhiệm lâm thời có nhiệm vụ xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình hoạt động của CLB, vận động xã hội hoá để tạo nguồn kinh phí. CLB sinh hoạt theo hình thức tọa đàm, mạn đàm, giới thiệu, trình bày các tác phẩm, tiết mục, ghi hình, phát hành sản phẩm, tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật…
Với rất nhiều kỳ vọng, nhưng trong quá trình hoạt động CLB đã nảy sinh nhiều bất cập: không có địa điểm chung để hoạt động; các hội viên phần lớn làm nghề tự do nên đa phần chỉ có thể tham gia vào buổi tối; số lượng hội viên trẻ không nhiều, đa phần từ 40 tuổi trở lên, nhiều nhất là số hội viên hơn 60 tuổi. Chính vì vậy, trong năm, các thành viên CLB tỉnh chỉ có cơ hội gặp gỡ giao lưu và biểu diễn cùng nhau khi diễn ra những hoạt động văn hóa văn nghệ lớn.
Bà Nguyễn Thị Tươi, Ủy viên Ban Chủ nhiệm CLB Dân ca và Chèo tỉnh, Chủ nhiệm CLB Dân ca và Chèo thành phố Phủ Lý cho biết, CLB thành phố có khoảng 20 hội viên, đồng thời cũng là hội viên CLB Dân ca và Chèo tỉnh. Trong năm, các chị em thường xuyên tổ chức gặp nhau để tập múa và luyện những bài hát mới, những làn điệu chèo hay. Do không có địa điểm cố định nên tập hát thì chúng tôi nhờ nhà một hội viên, còn tập múa lại nhờ tại chợ Bầu vào buổi tối. Ở đây có mái che, có điện chiếu sáng, buổi tối không có các hoạt động kinh doanh nên không gian rộng và thoáng. Tuy điều kiện có khó khăn, nhưng một năm chúng tôi có từ 20 – 30 buổi sinh hoạt như thế và cũng được mời tham gia biểu diễn ở nhiều nơi.
Số lượng các CLB chèo cơ sở nhiều, nhưng số CLB còn hoạt động, hoặc hoạt động thường xuyên lại không nhiều. Qua theo dõi, chỉ có khoảng 20 CLB hát chèo là còn có hoạt động, nhưng đa phần chỉ khi có sự kiện, các thành viên mới tập hợp nhau tập luyện, biểu diễn, chính vì vậy thiếu sự liên tục và gắn kết. Được tham gia CLB Dân ca và Chèo tỉnh, nhiều người háo hức, tự hào và mong muốn được kết bạn, giao lưu thật nhiều với những người cùng đam mê. Tuy nhiên, từ thực chất hoạt động ở cơ sở và những khó khăn của CLB Dân ca và Chèo tỉnh khi không có địa điểm sinh hoạt, không ban chủ nhiệm, không kinh phí hoạt động nên kết quả hoạt động của CLB không được như mong muốn, vốn văn nghệ truyền thống giữa “cơn bão” văn hóa mạng ngày càng có nguy cơ mai một.
Bà Phạm Hồng Định, Trưởng phòng Nghệ thuật và Văn nghệ quần chúng (Trung tâm VHNT tỉnh) cho biết: Với chức năng nhiệm vụ được giao, đồng thời là đơn vị hỗ trợ về chuyên môn cho CLB, tới đây, chúng tôi sẽ tham mưu xây dựng lại các chức danh để CLB Dân ca và Chèo tỉnh đi vào hoạt động bài bản hơn. Ngoài những người yêu chèo sẽ kết nạp thêm thành viên của các hội, như người cao tuổi, cựu chiến binh để cùng sinh hoạt, giao lưu chung.
Tuy nhiên, quy mô sẽ lớn hơn, bao trùm toàn tỉnh thì nhiều hội viên ở xa sẽ khó tham gia sinh hoạt tập trung nên vai trò của thành viên ban chủ nhiệm phụ trách địa bàn các huyện, thị xã, thành phố sẽ cần được quy định rõ ràng, trong đó cần nhất là sự nhiệt huyết và trách nhiệm để gắn kết các hội viên. Các hội viên tham gia CLB là tự nguyện, nhưng để duy trì CLB các hội viên tham gia phải có trách nhiệm chung và tuân theo những quy định của CLB.
Và quan trọng để CLB Dân ca và Chèo tỉnh phát triển, phát huy được các giá trị của nghệ thuật chèo truyền thống cũng rất cần sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và các đơn vị chuyên môn về cơ sở vật chất và kinh phí cho hoạt động của CLB, định kỳ tổ chức liên hoan, hội thi hát dân ca và chèo cấp tỉnh.
Hiện, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để lập hồ sơ di sản đề nghị UNESCO ghi danh Nghệ thuật Chèo đồng bằng sông Hồng là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, trong đó Chèo Hà Nam có sự đóng góp không nhỏ cho loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền này.
Chu Bình
Nguồn: https://baohanam.com.vn/van-hoa/kho-khan-trong-viec-duy-tri-hoat-dong-clb-dan-ca-va-cheo-132011.html