Nằm cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 20km, khu di tích Thành Cổ Loa, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh (Hà Nội) là một địa điểm du lịch được nhiều du khách lựa chọn làm điểm đến. Nơi đây từ lâu đã trở thành một địa điểm du lịch mang đậm các giá trị lịch sử và văn học nghệ thuật gắn liền với nhiều truyền thuyết của dân tộc Việt Nam.
Cổ Loa từng là kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời kỳ An Dương Vương (thế kỷ III trước Công Nguyên) và của nước Đại Việt thời Ngô Quyền (thế kỷ X). Di tích thành Cổ Loa được các nhà khảo cổ học đánh giá là “tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ”. Hiện thành Cổ Loa bao gồm các công trình, kiến trúc độc đáo như: Đền thờ An Dương Vương, đình Ngự Triều, am thờ Mỵ Châu, giếng Ngọc, tượng tướng Cao Lỗ…
Di tích lịch sử Cổ Loa rộng khoảng 500ha. Tương truyền thành gồm 9 vòng xoáy trôn ốc nên người dân thành xưa còn gọi là thành Ốc, dưới thành ngoài là hào sâu ngập nước chỉ thuyền bè đi lại được. Do sự tàn phá của thời gian và chiến tranh nên hiện tại thành chỉ còn ba vòng với những dấu tích xưa, đó là thành nội, thành trung và thành ngoại.
Thành ngoại có chu vi khoảng 8km, được xây dựng theo phương pháp đào đất tới đâu khoét hào tới đó, đắp thành, xây lũy liền kề. Các lũy xưa cao từ 4-5m đặc biệt có chỗ cao từ 8-12m. Thành trung có chu vi khoảng 6,5km, cũng có kết cấu như thành ngoại nhưng diện tích hẹp và kiên cố hơn. Thành nội có diện tích khoảng 2km2, là nơi ở của vua An Dương Vương.
Đền thờ An Dương Vương hay còn gọi là Đền Thượng, nằm ở trung tâm thành nội. Vị trí đền nằm trên một gò đất hình đầu rồng, hai bên là hai cánh rừng, phía dưới còn có hai hố tròn là mắt rồng. Ngay trước đền Thượng là một hồ nước lớn, bên trong có giếng Ngọc – nơi mà Trọng Thủy đã gieo mình tự vẫn trong câu chuyện truyền thuyết, giếng Ngọc nổi bật giữa màu nước hồ trong xanh và cây cối mát mẻ.
Nằm ngay sau cây đa nghìn tuổi tỏa bóng mát cả một vùng sân rộng, gốc đa rẽ đôi thành chiếc cửa tò vò mở lối đi vào Am Bà Chúa. Nơi đây có một bức tượng gọi là tượng Mỵ Châu – một tảng đá tự nhiên có hình dáng người cụt đầu nên được dân làng gọi là mộ Mỵ Châu.
Thành Cổ Loa là nơi lưu giữ rất nhiều cổ vật có giá trị với tuổi đời lên tới trăm năm. Các nhà khảo cổ học đã từng khai quật được nhiều ngôi mộ cổ, rìu lưỡi xéo bằng đồng, trống đồng, hàng vạn mũi tên đồng ba cạnh và khuôn đúc mũi tên. Tất cả đều được lưu giữ tại đây để du khách có thể thoải mái tham quan, chiêm ngưỡng.
Lần đầu tới tham quan Thành Cổ Loa Nguyễn Minh Vân, 21 tuổi (Long Biên, Hà Nội), sinh viên Trường Đại học FPT chia sẻ: “Bước vào cổng thành tôi ngỡ mình đang ngược dòng lịch sử với những truyền thuyết “Thục phán An Dương Vương định đô xây thành”, “Chiếc nỏ thần Kim Quy”, hay chuyện kể về Mỵ Châu – Trọng Thủy… Ra khỏi cổng thành, tôi ngỡ ngàng về một vùng quê trù phú, văn minh, nhưng vẫn giữ nét cổ kính, giàu bản sắc”.
Khác với tâm trạng của những du khách lần đầu đến Thành Cổ Loa, Phạm Thị Phương Thảo, 27 tuổi (Đông Anh, Hà Nội) cho biết dù đã đến nhiều lần, nhưng bạn vẫn thấy thú vị và mỗi lần là một trải nghiệm khác nhau, qua đó thêm vốn kiến thức về di tích lịch sử văn hóa, từ đó ý thức hơn trong việc tham gia bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa nơi mình đang sinh sống.
Với những giá trị, ý nghĩa sâu sắc về văn hóa và lịch sử, năm 1962, di tích Cổ Loa được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2012, di tích Cổ Loa được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.
Hằng năm vào ngày 6 tháng Giêng Âm lịch, người dân Cổ Loa tổ chức một lễ hội trang trọng để tưởng nhớ những người đã có công xây thành, nhất là để ghi ơn An Dương Vương, người khai sinh ra Nhà nước phong kiến Âu Lạc.
Không chỉ là một di tích lịch sử đã chứng kiến đất nước ta thay đổi, phát triển từng ngày, thành Cổ Loa còn là biểu tượng cho cả dân tộc Việt Nam với những giá trị truyền thống tốt đẹp.
Theo qdnd.vn
Nguồn: https://baohanam.com.vn/du-lich/kham-pha-di-tich-thanh-co-loa-139539.html