Vụ xuân 2025, Hợp tác xã Nông nghiệp (HTXNN) Nhân Phúc (Phú Phúc, Lý Nhân) có kế hoạch gieo cấy gần 150 ha lúa; trong đó, lúa cấy máy 36 ha, bằng 24% diện tích, giảm đến 70% diện tích so với vụ xuân và vụ mùa năm 2024.
Trước đây, hai vụ lúa của HTXNN Nhân Phúc chủ yếu áp dụng phương pháp gieo thẳng (chiếm trên 90% diện tích). Từ vụ xuân 2024, trước tình trạng lúa cỏ và sâu, bệnh gây hại nặng ảnh hưởng đến năng suất, Hội đồng quản trị HTXNN Nhân Phúc đã tiếp thu mô hình “Sản xuất lúa an toàn theo Viet GAP, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm” trên diện tích 20 ha gọn vùng do Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) triển khai. Đồng thời, HTX mở rộng gần 90% diện tích lúa trên địa bàn áp dụng cấy bằng phương pháp cấy máy. Lúa cấy máy tiếp tục được duy trì diện tích trong cả vụ mùa; trong đó có đến trên 50% diện tích sản xuất lúa của HTX được áp dụng đồng bộ cơ giới hóa, từ làm đất, gieo cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật đến thu hoạch. Hiệu quả đem lại từ việc áp dụng đồng bộ cơ giới hóa nói chung và khâu gieo cấy nói riêng vượt trội so với trước. Đáng chú ý là lúa cỏ được ngăn ngừa phát sinh gây hại; tỷ lệ sâu, bệnh trên đồng ruộng giảm khoảng 20% so với trước. Năng suất lúa của HTX được ổn định, đồng đều, tăng 15% so với gieo thẳng trước đây… Tại HTX đã thành lập được tổ dịch vụ mạ khay, cấy máy. Tổ đầu tư 1 giàn máy gieo mạ khay và 2 máy cấy để không phụ thuộc vào dịch vụ bên ngoài.
Ông Trần Ngọc Phú, Giám đốc HTXNN Nhân Phúc cho biết: Lúa cấy máy đã chứng minh được hiệu quả trên đồng ruộng địa phương. Việc áp dụng cơ giới hóa vào khâu gieo cấy tại địa phương đã cho thấy có nhiều ưu điểm, lợi thế so với các hình thức gieo cấy khác, nhất là kiểm soát tốt quá trình sản xuất, hình thành vùng sản xuất tập trung cùng giống, cùng trà, cùng quy trình chăm sóc. Khâu làm mạ khay được bảo vệ tốt hơn, ít bị tác động của thời tiết, chuột gây hại… Từ đó, tạo thuận tiện cho các khâu tiếp theo nhất là áp dụng cơ giới hóa, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay điều khiển từ xa cần có diện tích đủ lớn. Đồng thời, tạo ra sản phẩm hàng hóa tập trung thuận lợi cho liên kết tiêu thụ sản phẩm với đại lý, doanh nghiệp thu mua. Qua tính toán thực tế trên đồng ruộng, lợi nhuận đem lại từ diện tích lúa cấy máy và áp dụng đồng bộ cơ giới hóa tăng 5 – 10% so với lúa gieo thẳng do tăng năng suất, giảm chi phí phun thuốc bảo vệ thực vật (ít dịch hại hơn)…
Tuy nhiên, diện tích lúa cấy máy trong vụ xuân năm nay giảm mạnh so với năm 2024. Nguyên nhân chính là do tác động của thời tiết năm 2024 gây rét đậm, rét hại đầu vụ xuân và ngập úng trong vụ mùa dẫn đến một số diện tích lúa cấy máy của HTX bị ảnh hưởng, phải dặm tỉa nhiều, tốn thêm chi phí giống, ngày công…
Được biết, HTXNN Nhân Phúc vẫn xác định đưa cơ giới hóa đồng bộ vào đồng ruộng, trong đó có khâu gieo cấy là hướng phát triển tất yếu của sản xuất. Vì vậy, việc triển khai cơ giới hóa trong khâu gieo cấy tiếp tục được thực hiện tốt trong vụ xuân này ở những diện tích người dân đã đăng ký. Về giá dịch vụ, do có tổ dịch vụ mạ khay, cấy máy tại địa bàn cũng được giảm xuống còn 280 nghìn đồng/sào, giảm 30 nghìn đồng/sào so với những vụ trước phải thuê từ bên ngoài. HTXNN Nhân Phúc có chủ trương từ sớm đối với sản xuất vụ mùa tới, kiên quyết không thực hiện lúa gieo thẳng tại những vùng ruộng trũng nhằm chứng minh hiệu quả và hướng tới mở rộng diện tích lúa cấy máy trên địa bàn, phấn đấu đạt tỷ lệ như các vụ đầu thực hiện của năm 2024. Đồng thời, tích cực chuyển đổi cơ cấu giống, hình thành những vùng sản xuất lúa hàng hóa liên kết với doanh nghiệp giúp nâng cao giá trị, hiệu quả trên diện tích gieo cấy.
Manh Hùng
Nguồn: https://baohanam.com.vn/kinh-te/nong-nghiep/htxnn-nhan-phuc-giam-dien-tich-lua-cay-may-147754.html