Theo quan sát của phóng viên Dân trí, đa phần khách tới quán đều là giới trẻ đến giải trí, thư giãn sau những giờ làm việc. Quán mở cửa từ 16h, tấp nập nhất là sau khoảng từ 21h đến đêm muộn.
Chị Dương Quách Tú Linh (27 tuổi), người sáng lập quán Mê chia sẻ, cô là một du học sinh, từng có cơ hội trải nghiệm các nền văn hóa trên thế giới. Vì thế, Linh muốn đem những món ăn truyền thống của Việt Nam, biến tấu thành trải nghiệm đồ uống “vừa lạ vừa quen” tới du khách và bạn bè quốc tế.
Cao Ngọc Đức (bên phải, SN 2001, Hà Nội) nhân viên pha chế của quán, đồng thời là người sáng tạo ra menu Mỹ vị vấn vương (bên trái) cho biết, khi thưởng thức những ly đồ uống, ăn kèm với những món ăn cổ truyền, khách hàng sẽ có cảm giác lạ, phá cách và bùng nổ trong hương vị.
Mang chủ đề Mỹ vị vấn vương, các món trong menu được sắp xếp theo từng vùng kinh tế của đất nước, từ Đông Bắc Bộ xuống đến Đồng Bằng Sông Cửu Long. Khi xem menu, thực khách sẽ có cảm giác như đang cầm một cuốn cẩm nang du lịch.
Tương ứng với mỗi vùng miền là một thức uống mang đặc trưng của nơi đó. Menu không chỉ giới thiệu về quá trình sáng tạo ra thức uống mà còn đưa thực khách tới những địa danh nổi tiếng của vùng miền đó, kết hợp với mã QR để thưởng thức làn điệu dân gian đặc trưng của đất nước Việt Nam.
Với ý tưởng biến tấu đồ uống từ món ăn cổ truyền, anh Cao Ngọc Đức cùng đội ngũ đã nghĩ ra ly nước có tên Bún chả, lấy cảm hứng từ Hà Nội. Món đồ uống là sự kết hợp tinh tế từ hương thảo mộc, nước chanh, vị khói của thịt và chút béo ngậy nước mắm tỏi…
Để tăng sự kích thích về mặt vị giác, ăn kèm với ly đồ uống là thạch dừa thái sợi, được tạo hình như những sợi bún. Sự hòa quyện độc đáo này tạo nên cảm giác vừa tươi mát, vừa mặn mà khiến người trải nghiệm như đang nhâm nhi một bát bún chả trên con phố Hà Nội.
Khách hàng đến quán còn bất ngờ bởi ly Canh chua, gợi nhớ đến hương vị chua, mặn, thanh của Nam Bộ. Ly đồ uống được lấy cảm hứng món canh chua cá lóc, đặc sản mang đậm linh hồn của người dân Nam Bộ, ăn kèm là trứng cá caviar làm từ cà chua.
“Ở ly này, quán sẽ sử dụng consomme (một loại nước dùng chuyên dụng trong pha chế đồ uống), kết hợp với lòng trắng trứng để nước trong hơn.
Nước dùng được nấu từ nước hến, ngao luộc, cà chua, dứa, rau mùi. Chúng mình sẽ chuẩn bị sẵn từ hôm trước, đóng vào chai và cất tủ lạnh để bảo quản tốt nhất”.
Thịt trâu gác bếp mang hương vị của riềng, ô liu, siro lá phong, xen lẫn một chút mùi khói, gợi nhớ về bản làng, núi rừng Tây Bắc – nơi nổi tiếng với đặc sản thịt trâu gác bếp.
“Với món đồ uống này, thịt trâu sẽ không nêm gia vị để khách hàng có thể cảm nhận được rõ hương vị đồ uống nhiều hơn”, anh Cao Ngọc Đức chia sẻ thêm.
Đồ uống tại quán có giá 230.000 đồng/ly. Nhiều bạn trẻ cho rằng đây là mức giá khá hợp lý và có phần rẻ hơn so với các quán pub tại Hà Nội.
Anh Đăng Khoa (SN 2005, TPHCM) được một người bạn từng đi du lịch Hà Nội giới thiệu về quán và nói rằng ở đây có gu đồ uống rất lạ.
“Sau khi đến tận nơi trải nghiệm, tôi cảm thấy khá thích thú cả về không gian lẫn đồ uống. Tôi chưa từng nghĩ rằng có thể kết hợp các món ăn vào trong thức uống như vậy. Khi uống, tôi đã thật sự ngạc nhiên khi có thể cảm nhận được vị tỏi, xen lẫn một chút vị mặn”, anh Khoa nói.
Không chỉ độc lạ về đồ uống, quán còn gây ấn tượng bởi sự kết hợp giữa không gian văn hóa truyền thống và hiện đại.
Mặt bàn tại quầy được sắp xếp dưới dạng hành trình nghệ thuật kết hợp với những bức tranh Đông Hồ nổi tiếng như Lợn đàn, Đám cưới chuột… Tái hiện lại khung cảnh cuộc sống làng quê Việt Nam xưa đầy màu sắc.
Tuy nhiên, một số chi tiết được đặt thiết kế lại, hiện đại hóa hơn về trang phục, kiểu tóc.
Chị Dương Quách Tú Linh, chủ cửa hàng chia sẻ rằng, bản thân mong muốn tạo ra một không gian mang đậm nét Việt Nam, tạo cảm giác thân thuộc cho thực khách mỗi khi ghé chơi và nhớ về Việt Nam, nhớ về những món ăn truyền thống của các vùng miền theo một cách đặc biệt nhất.
“Nhiều vị khách Tây khá thích thú với tranh Đông Hồ và muốn đem một cuốn về làm kỉ niệm”, chị nói.
Quán sử dụng đèn theo ba màu chủ đạo của dòng tranh Đông Hồ gồm đỏ đô, vàng đất, xanh lá đậm. Những chiếc đèn treo cũng được làm thủ công bằng giấy gió tại làng Chuông. Mọi thứ đều được chăm chút tỉ mỉ để tạo nên một không gian văn hóa dân gian đặc sắc nhất…
Giang Kiều Minh (SN 1991, Ba Đình) thường xuyên tìm các quán pub có thiết kế đẹp, đồ uống lạ mắt để trải nghiệm.
Cô chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được thưởng thức đồ uống trong một không gian đậm nét văn hóa độc đáo như vậy. Mô hình quán pub thường theo lối ẩn mình trong các con ngõ nhỏ. Nhưng, quán đã tận dụng được lợi thế mặt hồ để tạo nên một không gian mở như uống cà phê đường phố”.
Thế Sơn (SN 1997, Hà Nội) cho biết anh thích ngắm phố phường, không thích bó buộc trong một không gian nhỏ, đông người nên mô hình này rất phù hợp.
“Tuy nhiên, có một điểm mình chưa ưng ý là nhạc. Mình cảm thấy nhạc ở đây vẫn hiện đại quá, mình mong muốn nhạc sẽ du dương, mang phong cách cổ điển hơn để mọi người có thể vừa tâm sự, vừa nhâm nhi đồ uống”, anh Sơn nói thêm.
Giờ mở cửa: 16h30-1h.
Địa chỉ: 37 Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội.
Giá tham khảo: 230.000 VNĐ.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/du-lich/ha-noi-khach-bat-ngo-quan-ca-phe-co-ly-nuoc-vi-bun-cha-thit-trau-gac-bep-20241220155339595.htm