Những năm qua, hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết vùng, kết nối tiêu thụ sản phẩm các Hợp tác xã giữa Hà Nam với các tỉnh, thành phố trong cả nước được triển khai tích cực góp phần tăng cường giao thương sản phẩm, hàng hóa; thúc đẩy lưu chuyển hàng hóa trên thị trường. Nhiều sản phẩm có thế mạnh, đặc sản của Hà Nam và các địa phương, vùng miền (OCOP) đã được quảng bá rộng rãi, được đưa vào các kênh phân phối hiện đại được người tiêu dùng đón nhận.
Tuy nhiên, việc kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các hợp tác xã tại Hà Nam còn gặp nhiều khó khăn do quy mô sản xuất nhỏ, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, nông sản của tỉnh còn hạn chế, khó đáp ứng các đơn hàng lớn,…
Hiện nay, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã của cả nước nói chung và Hà Nam nói riêng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Các hộ, hợp tác xã, cơ sở sản xuất nông sản vẫn chủ yếu sản xuất theo truyền thống, nhiều loại nông sản chưa đáp ứng được các yêu cầu thị trường nên khó thâm nhập vào các hệ thống, kênh phân phối hiện đại; quy mô sản xuất nhóm sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, nông sản còn hạn chế do vậy việc đáp ứng các đơn hàng lớn nhiều thời điểm chưa kịp thời.
Để khắc phục những hạn chế này, các hợp tác xã cần xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuyển đổi số; quan tâm xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, nói không với hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ.
Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phù Vân, thành phố Phủ Lý cho biết, xã Phù Vân có hơn 250ha gieo trồng; trong đó, 90ha trồng hoa, cây cảnh; hơn 70ha trồng rau quả và dược liệu. Địa phương đã tích cực tham gia nhiều các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm của địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vẫn phụ thuộc vào thị trường truyền thống; việc tiếp cận thông tin thị trường và ứng dụng công nghệ thông tin của thành viên hợp tác xã còn hạn chế…
Nhằm đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các hợp tác xã, theo ông Lại Vân Nam, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Phù Vân rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ các HTX kết nối tiêu thụ các sản phẩm thông qua tiếp cận các sàn thương mại điện tử, phát triển các ứng dụng kết nối cung cầu để giảm bớt khâu trung gian, tăng lợi nhuận cho các thành viên hợp tác xã; tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng kinh doanh, tiếp thị và ứng dụng công nghệ cho nông dân và các thành viên hợp tác xã.
Theo bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, để nâng cao hiệu quả hơn nữa, các đồng chí đề nghị các sở, ngành chức năng, Liên minh HTX tỉnh, địa phương, HTX, doanh nghiệp tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về các chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tập thể, HTX; kịp thời cụ thể hóa các kế hoạch, đề án về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm các HTX, làng nghề. Đồng thời, tăng cường các hoạt động liên kết giữa các HTX với doanh nghiệp; các HTX gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và nguồn gốc rõ ràng.
Nhandan.vn