Nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến góp phần tạo bước đột phá trong công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số và xã hội số. Xác định tầm quan trọng đó, những năm qua Hà Nam đã triển đồng bộ, hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Kết quả năm 2024, Hà Nam dẫn đầu toàn quốc về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình.
Xác định: Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm của công tác cải cách TTHC, năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai các nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trên địa bàn tỉnh. Đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị về nâng cao chất lượng phục vụ trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công thông qua việc sử dụng hiệu quả Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, chỉ đạo các cấp, ngành tiếp tục triển khai có hiệu quả việc đổi mới hoạt động cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông trong giải quyết TTHC; nâng cấp, phát triển Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh tích hợp, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử.
Các biện pháp chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính tiếp tục được triển khai quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, đã tạo ra bước thay đổi đột phá trong quy trình giải quyết các TTHC. Đây được đánh giá là giải pháp hàng đầu nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính, chuyển từ hành chính “xin-cho” sang hành chính “phục vụ”, các TTHC trở nên đơn giản, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp đến giao dịch.
Hà Nam là một trong 8 tỉnh thuộc nhóm đầu tiên đủ điều kiện triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID và chính thức triển khai từ ngày 14/10/2024. Tỷ lệ cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID đạt trên 50%. Hà Nam triển khai thí điểm sổ sức khoẻ điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VneID từ ngày 30/10/2024; ngành Y tế đã triển khai tại tất cả các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tính đến ngày 18/12/2024 số liệu tích hợp Sổ sức khoẻ điện tử là 271.846 (đạt 27,71%)
Đặc biệt, UBND tỉnh triển khai Hệ thống thông tin giải TTHC tỉnh Hà Nam. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Hà Nam cung cấp tất cả các dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến toàn trình; cập nhật đầy đủ các TTHC của tỉnh; công khai toàn bộ quy trình giải quyết, kết quả giải quyết. Hệ thống cung cấp tổng số 1.806 bộ TTHC. Hệ thống đi vào hoạt động cho phép người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiến hành nộp hồ sơ trực tuyến, tự tra cứu và biết được tình trạng giải quyết TTHC của mình mà không phải đến cơ quan nhà nước. Đồng thời, người dân và doanh nghiệp có thể giám sát chất lượng các dịch vụ công một cách công khai, minh bạch, thông qua phản hồi, đánh giá quá trình giải quyết TTHC của mình.
Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Hà Nam cung cấp tất cả các dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến toàn trình; cập nhật đầy đủ các TTHC của tỉnh; công khai toàn bộ quy trình giải quyết, kết quả giải quyết. Năm 2024: Tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến đạt 84,6% (trung bình cả nước đạt 56%); tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 77,6% (trung bình cả nước đạt 50,3%), tăng 9,4% so với năm 2023. Đặc biệt, Hà Nam đứng đầu toàn quốc về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình (đạt 69,7%; trung bình cả nước đạt 19%).
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn có một số khó khăn, hạn chế. Việc số hóa, tái sử dụng hồ sơ số hóa còn rất thấp (nhiều đơn vị chưa thực hiện, nhất là tại cấp xã, trong khi đa số các hồ sơ được ghi nhận là từ cấp xã; hiện nay có 2 huyện chưa có xã nào thực hiện (huyện Bình Lục, Lý Nhân)…
Một số cơ quan, kết quả giải quyết TTHC là các phôi cứng in sẵn; nên việc số hóa hạn chế (bằng lái xe; … ). Cán bộ, công chức phải trực tiếp tham gia hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến; số lượng tự nguyện nộp hồ sơ trực tuyến chưa cao. Người dân chưa có thiết bị để nộp hồ sơ trực tuyến; trình độ ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến, nhất là việc tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình, phấn đấu 100% dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến toàn trình; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 70% trở lên; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 70% trở lên; 100% tỷ lệ người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất giữa các nền tảng, hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin giải quyết TTHC thông qua định danh điện tử VNeID; 100% kết quả giải quyết TTHC được cấp kết quả điện tử, thời gian tới, Hà Nam tiếp tục rà soát, tái cấu trúc để đưa các TTHC cung cấp trực tuyến một phần lên toàn trình.
Giao chỉ tiêu cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Đối với cơ quan có số lượng hồ sơ ít, hiện nay đã đạt 90% cần tăng thêm đến 95-100%; đối với cơ quan có số lượng hồ sơ nhiều, hiện nay đạt được 40% cần tăng thêm 50-60%.
Triển khai Hệ thống ứng dụng App công dân số, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến qua App công dân. Triển khai trợ lý ảo hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đẩy mạnh việc số hóa, tái sử dụng hồ sơ đã số hóa, giúp người dân giảm bớt giấy tờ khi nộp hồ sơ trực tuyến.
Tiếp tục đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực, trình độ để thực hiện các quy trình, nghiệp vụ tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ và giải quyết các vấn đề có liên quan trong việc giúp đỡ người dân làm quen và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên tuyền, vận động người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thông qua các trang mạng xã hội như zalo, facebook; các phương tiện thông tin truyền thông như loa phát thanh, bản tin, báo chí, truyền hình; trang thông tin điện tử; thông qua chính đội ngũ cán bộ, công chức. Ngoài ra, cần sử dụng hiệu quả kênh hỗ trợ thông qua số điện thoại trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC.
Thay đổi hình thức cung ứng dịch vụ công từ trực tiếp sang trực tuyến là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động cải cách hành chính. Việc giải quyết các TTHC thông qua dịch vụ công trực tuyến góp phần nâng cao chất lượng phục vụ và mức độ hài lòng của người dân nhưng đồng thời đây cũng chính là thước đo đánh giá kết quả của chuyển đổi số. Để đạt được hiệu quả cao, đòi hỏi có sự tham gia chung tay của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người dân, bởi mọi thay đổi trong hoạt động quản lý nhà nước đều hướng tới nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
P.V
Nguồn: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/cai-cach-hanh-chinh/ha-nam-dung-dau-toan-quoc-ve-ty-le-ho-so-truc-tuyen-toan-trinh-145467.html