Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, diện mạo làng quê ở các địa phương trên địa bàn tỉnh có sự đổi thay tích cực.
Đường làng ngõ xóm được mở rộng, bê tông, thảm nhựa phẳng nhẵn, sạch sẽ, có hệ thống thoát nước, hệ thống điện chiếu sáng ban đêm. Nhiều tuyến đường được trồng hoa, cây bóng mát; có lắp đặt camera an ninh nhằm bảo đảm an ninh trật tự thôn xóm. Nhà văn hóa thôn được xây dựng kiên cố, rộng rãi; có sân chơi thể thao; có mạng wifi miễn phí; có lắp đặt dụng cụ luyện tập thể dục thể thao ngoài trời… đáp ứng nhu cầu hội họp, tập luyện, truy cập thông tin của người dân. Đặc biệt, nhờ kinh tế phát triển, nhà mái bằng, cao tầng mọc lên san sát; cổng nhà, tường rào được xây dựng kiên cố… đem lại diện mạo mới mẻ, hiện đại cho các làng quê.
Cùng với những đổi thay tích cực đó vẻ đẹp truyền thống ở làng quê, đó là: cây đa, giếng nước, mái đình, cổng làng… cũng được người dân chung tay bảo vệ, chăm sóc, gìn giữ, tôn tạo. Ở nhiều làng quê hiện vẫn còn những cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi tỏa bóng mát bên những mái đình cổ kính linh thiêng. Bên gốc đa cổ thụ là ngôi đình làng trầm mặc, không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân mà còn là “chứng nhân lịch sử” chứng kiến biết bao sự kiện quan trọng đã diễn ra trên mảnh đất quê hương. Trải qua biết bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, của thời gian, nhiều đình làng bị xuống cấp nghiêm trọng; mái dột, tường nứt… Tuy nhiên, với sự chung tay, đồng lòng ủng hộ tiền của, công sức của những người con quê hương, nhiều ngôi đình đã được trùng tu, tôn tạo vững chắc, kiên cố, đẹp đẽ nhưng vẫn giữ được những nét cổ kính, uy nghiêm của đình làng xưa. Cùng với đình làng, nhiều giếng làng cũng được khơi thông, tôn tạo lại. Có thời kỳ, do người dân không còn nhu cầu sử dụng, giếng làng bị bỏ hoang, cỏ dại mọc đầy, lá cây rơi xuống lòng giếng gây ô nhiễm… Nhưng với mong muốn giữ lại giếng làng – nơi gắn bó, lưu giữ biết bao kỷ niệm của người dân quê suốt một thời gian khó; giữ lại nét đẹp, cảnh sắc đặc trưng truyền thống của làng quê, nhiều thôn xóm đã họp và thống nhất vận động cháu con xa gần ủng hộ công sức, tiền của để xây dựng, tôn tạo lại giếng quê. Từ nguồn tiền huy động, giếng làng được xây dựng lại kiên cố, đẹp đẽ; nguồn nước được khơi thông trong mát, sạch sẽ.
Ngoài cây đa, giếng nước, sân đình, cổng làng cũng gần gũi và gắn bó mật thiết với cuộc sống bình dị của người dân quê. Đi đâu xa, khi trở về, chỉ cần nhìn thấy cổng làng mình trong lòng mỗi người đều cảm thấy xao động và thân thương đến lạ. Bao năm qua, cổng làng là nơi chia tay cũng là nơi đón chào những người con xa quê ngày trở lại. Trong quá trình xây dựng NTM, với sự chung tay góp sức của người dân, nhiều cổng làng nhỏ hẹp, xuống cấp trước kia đã được thay thế bằng những cổng làng mới to rộng, khang trang, kế thừa được nét đẹp và giá trị văn hóa truyền thống cha ông để lại. Những người con xa quê lâu ngày trở lại đều ngỡ ngàng, vui mừng khi được bước qua những cổng làng to rộng. Khi vào làng, càng cảm nhận rõ hơn sự đổi thay kỳ diệu của quê hương.
Chung tay xây dựng NTM, diện mạo làng quê giờ khang trang, văn minh và hiện đại hơn xưa rất nhiều. Bên cạnh đó, cổng làng, cây đa, giếng nước, mái đình, được coi là biểu tượng của làng quê Việt Nam cũng luôn được người dân quan tâm bảo vệ, tôn tạo, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy nét đẹp truyền thống của quê hương.
Phạm Hiền
Nguồn: https://baohanam.com.vn/van-hoa/giu-gin-net-dep-lang-que-140361.html