Tết Nguyên đán là lễ hội truyền thống quan trọng nhất, lớn nhất trong năm của người Việt. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, Tết Nguyên đán đã có những thay đổi nhất định, nhưng vẫn mang một ý nghĩa đặc biệt, là dịp để con người hướng về cội nguồn, gắn kết với gia đình, bè bạn và cùng nhau đón chào một năm mới an lành, hạnh phúc.
Lập nghiệp ở thành phố đã gần chục năm, nhưng dù bận đến mấy, năm nào chị Thanh Loan (phường Châu Cầu, thành phố Phủ Lý) cũng dành thời gian gói bánh chưng, làm mứt và các món ăn truyền thống cho gia đình vào dịp Tết. Với chị, bánh tự gói có thể không ngon bằng đặt mua, mứt tranh thủ làm lúc tối muộn có mẻ cháy xém, nhưng Tết được gìn giữ từ chính đôi tay của từng thành viên trong gia đình, để Tết thêm gắn kết.
“Ký ức Tết trong tôi là cảnh đụng lợn tấp nập, là không khí quây quần ấm áp bên bếp lửa luộc bánh chưng, là sự háo hức khi được may bộ quần áo mới, là mùi hương nồng đượm của nồi mùi già mẹ nấu chiều ba mươi cho cả nhà “tắm tất niên” với tâm niệm thanh tẩy tinh thần, xua tan những điều xui xẻo trong năm cũ, để thật tinh khôi đón chào một năm mới tốt lành. Bởi vậy, tôi cũng muốn lưu giữ cho con trẻ những ấn tượng sâu đậm về nét đẹp truyền thống Tết cổ truyền dân tộc để sau này lớn lên dù con đi đâu, làm gì con vẫn luôn yêu Tết, yêu gia đình, yêu quê hương, đất nước”- chị Thanh Loan trải lòng.
Ngoài việc chuẩn bị những món ăn đậm hương vị Tết, trong những ngày đầu năm mới, sau khi đi chúc Tết, mừng tuổi họ hàng nội ngoại, vợ chồng chị Thanh Loan thường dẫn các con đi chùa cầu may, rồi sang Bảo tàng tỉnh tham quan, trải nghiệm không gian văn hóa chợ Tết xưa với những món ăn dân dã, đặc sản của làng quê Hà Nam, chơi các trò dân gian truyền thống như: bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt dê, nhảy bao bố, đi cầu khỉ, kéo co, đánh đu… Kỉ niệm khó phai nhất là Tết năm 2022, các con chị được “ông đồ” viết tặng chữ thư pháp “Trí”, “Tài”, bọn trẻ háo hức mang về treo ở góc học tập và luôn coi đó là sự may mắn, là nguồn động lực để phấn đấu vươn lên.
Cũng giống quan điểm của chị Thanh Loan, vợ chồng anh Hoàng Thương (phường Châu Sơn, thành phố Phủ Lý) dù làm kinh doanh dịp Tết rất bận rộn nhưng vẫn luôn thu xếp thời gian để 3 con được tận hưởng và trải nghiệm nhiều nhất không khí cũng như những hoạt động Tết cổ truyền. Cô con gái cả đang học lớp 8 được mẹ hướng dẫn cắm hoa, bày mâm ngũ quả, làm mứt dừa, mứt gừng, chế biến những món đặc trưng dịp Tết như: giò xào, xôi gấc, canh măng, thịt đông… Hai cậu con trai học tiểu học thì được bố dạy gói bánh chưng, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa. Đặc biệt, ngày 30 Tết cả nhà sẽ về quê cùng người thân đi viếng mộ tỏ lòng thành kính, biết ơn ông bà, tổ tiên, giúp các con luôn nhớ về cội nguồn, dòng tộc. “Có người thắc mắc rằng sao gia đình tôi phải cầu kì tự tay chuẩn bị Tết trong khi thời đại 4.0 này chỉ cần một cuộc điện thoại là hệ thống dịch vụ mua sắm Tết sẵn sàng phục vụ tận nơi. Nhưng vợ chồng tôi quan niệm, nếu cứ chóng vánh, hiện đại, công nghệ số thì nhiều nghi lễ, tập tục truyền thống trong dịp Tết cổ truyền dễ bị mai một. Dù giàu hay nghèo, dù hiển vinh hay lận đận thì Tết vẫn là dịp đoàn tụ, sum vầy, quê hương vẫn là nơi cho ta sự bình yên, giúp ta lắng lại với thời gian để chiêm nghiệm cuộc đời. Tiền bạc rất quan trọng nhưng tình cảm gia đình, nguồn cội và quê hương mới là điều đáng trân quý nhất”- anh Hoàng Thương bộc bạch.
Trong khi một số người có xu hướng “ngại” Tết truyền thống vì cho rằng bị ràng buộc bởi những “nhiêu khê” của nó, thì tại Đoàn Nghệ thuật Chèo Hà Nam các nghệ sĩ lại “mê” Tết đến cuồng nhiệt. Cuối năm, dù bận rộn với các chương trình biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, nhưng đã thành thông lệ hàng chục năm nay, các nghệ sĩ duy trì thói quen gói bánh chưng tại Đoàn. Nghệ sĩ Bích Việt cho biết: Từ việc đi chợ chọn nguyên liệu, rồi rửa lá, gói bánh… các nghệ sĩ đều tự tay làm. Hàng trăm cái bánh gói tay hay gói khuôn cũng đều vuông vức, đẹp mắt. Vui nhất là thời khắc luộc bánh, bên bếp củi rực lửa, các nghệ sĩ xúng xính áo tứ thân quây quần ngồi hát chèo, rồi hàn huyên, tâm tình. Những lúc đó thấy yêu nghề, gắn bó với đồng nghiệp nhiều hơn, thấy những khúc mắc, hiểu lầm bỗng nhiên được hóa giải.
Ngoài “nồi bánh chưng truyền cảm hứng”, các nghệ sĩ Đoàn Nghệ thuật Chèo còn giữ Tết cổ truyền qua việc quảng bá vẻ đẹp của áo dài dân tộc. Không chỉ chọn trang phục áo dài biểu diễn tại các lễ hội, nghệ sĩ còn sắm cho chồng, con những bộ áo dài truyền thống hoặc cách tân, họa tiết hoa đào, hoa mai… rực rỡ để đi chúc Tết, du xuân, chụp ảnh, thể hiện niềm tự hào và tôn vinh giá trị văn hoá Việt.
Có thể thấy, sự dịch chuyển của thời đại, những thay đổi trong suy nghĩ, lối sống, tư duy giữa các thế hệ đã nảy sinh những biến thiên về quan điểm đón Tết. Giới trẻ ngày nay có cách nhìn, cách hiểu, cách biểu hiện ý nghĩa ngày Tết hiện đại, linh hoạt hơn so với những thế hệ trước. Một số bạn trẻ thích đi du lịch dịp Tết, bởi với họ Tết bây giờ được định nghĩa như những ngày nghỉ, và đó cũng là cách để họ “chạy trốn” khỏi những cỗ bàn, mâm bát, chúc tụng mang tính hình thức. Nhưng đối với đa số người Việt, những giá trị của Tết cổ truyền Việt Nam thông qua các phong tục như làm mứt, gói bánh chưng, tảo mộ, cúng giao thừa… là nét văn hoá đã đi vào tiềm thức, được lưu giữ và phát triển theo cách phù hợp và tất yếu với thời đại. Bởi thế cách gìn giữ, lan tỏa giá trị của Tết chính là đi tìm sự thích ứng, hài hòa để những nét đẹp văn hóa truyền thống được nối dài và tiếp tục phát huy trong xã hội hiện đại.
Mong muốn giữ gìn không gian Tết xưa, mấy năm trở lại đây, một số cơ quan, đơn vị, trường học, khu dân cư trên địa bàn tỉnh thường tổ chức các hoạt động đón Tết đầy ý nghĩa nhằm góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ thêm hiểu và trân trọng những bản sắc văn hóa dân tộc. Điển hình nhất là dựng không gian gói bánh chưng cho học sinh có cơ hội trải nghiệm thực tế; trình diễn nghệ thuật viết thư pháp; trưng bày tái hiện không gian Tết xưa và tổ chức các trò chơi dân gian hấp dẫn, thú vị. Không chỉ ở làng quê mà nơi thị thành, một số gia đình ở khu phố cũng chung nhau đặt mua một con lợn về xẻ ra làm giò, chả, nấu đông, gói bánh chưng, chế biến các món rồi cùng quây quần thưởng thức. Những thực hành sinh hoạt văn hoá của người dân trước Tết (quang cảnh phiên chợ Tết, không khí trang hoàng nhà cửa, vệ sinh đường phố, ngõ xóm…) vừa thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm, tình bạn bè, đồng nghiệp vừa trao truyền cho lớp trẻ hiểu được những giá trị của văn hoá Tết. Trải qua thời gian, những kí ức về Tết, phong vị Tết, hình ảnh Tết ngày càng được bồi đắp thêm những giá trị mới theo hướng lắng đọng, sâu sắc hơn.
Những phong tục cổ truyền ngày Tết không chỉ là những hoạt động văn hóa mang tính biểu trưng, mà còn là sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại, tương lai. Giữ gìn vẻ đẹp Tết cổ truyền chính là góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc sống đương đại, làm cho mọi người càng thêm gắn bó với gia đình, thêm yêu quê hương, đất nước.
Hoàng Oanh (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh)
Nguồn: https://baohanam.com.vn/van-hoa/giu-gin-huong-vi-tet-co-truyen-trong-cuoc-song-hien-dai-143008.html