Cùng với áo dài đương đại, trang phục cổ Việt Nam ngày càng phổ biến, giữ vai trò và đời sống riêng trong nhiều lĩnh vực của xã hội.
Cổ phục được tái sinh, tỏa sáng rực rỡ không chỉ là một bước tiến trong bảo tồn di sản văn hóa dân tộc mà còn góp phần quan trọng vào các trải nghiệm thu hút khách du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.
Một trong những sự kiện văn hóa hấp dẫn và nổi bật dịp đầu năm 2025 là buổi diễu hành cổ phục với tên gọi “Bách hoa bộ hành” xuyên phố cổ Hà Nội, thuộc chuỗi hoạt động “Tết Việt-Tết Phố” mừng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Chương trình thu hút hơn 400 người mặc cổ phục các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn… được phục dựng đẹp mắt và tỉ mỉ bởi các nhóm nghiên cứu văn hóa.
Các tuyến phố quen thuộc biến thành sàn diễn nghệ thuật ngoài trời độc đáo và ấn tượng, tạo nên một không gian đậm chất văn hóa, nghệ thuật và lịch sử. Diễn ra trong không khí tưng bừng của mùa xuân mới, “Bách hoa bộ hành” không chỉ là dịp tôn vinh di sản, lan tỏa thông điệp về lòng tự hào và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa tới công chúng nhiều thế hệ, mà còn trở thành ngày hội giao lưu văn hóa với sự tham gia của đông đảo du khách, bạn bè quốc tế.
Dự án này bắt đầu từ năm 2020 và nhanh chóng trở thành điểm nhấn độc đáo trong nhiều dịp lễ hội, Tết cổ truyền, tuần du lịch… tại Thủ đô. Trước đó, cuối năm 2024, trong khuôn viên Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), sự kiện trình diễn cổ phục thời Đinh-Tiền Lê và khởi đầu nhà Lý cũng thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo khán giả trong nước và quốc tế.
Cổ phục được nhiều chuyên gia lịch sử, nhà sưu tầm, nghệ nhân, nhà thiết kế và giới nghệ sĩ nỗ lực, chung tay đưa đến gần công chúng. Trải nghiệm du lịch check-in di sản cùng cổ phục cũng không còn giới hạn ở Hà Nội hay Huế mà đã phổ biến khắp mọi miền. Hầu hết du khách đều chia sẻ cảm xúc thú vị, hứng khởi khi khoác lên mình bộ trang phục xưa và dạo quanh thăm thú, tìm hiểu các cung điện, chùa chiền, bảo tàng, phố cổ… Năm qua, cổ phục song hành với áo dài để góp mặt trong các chương trình ngoại giao văn hóa, hợp tác quốc tế, tăng độ nhận diện bản sắc Việt Nam tới bạn bè năm châu.
Với mỗi quốc gia, dân tộc, trang phục là một thành tố văn hóa quan trọng. Ở nhiều quốc gia châu Á, trang phục truyền thống thường xuyên được sử dụng trong các lễ hội, sự kiện văn hóa, những dịp đặc biệt (như đám cưới, sinh nhật, kỷ yếu học sinh…) và ngay cả trong cuộc sống hằng ngày. Không khó để bắt gặp hình ảnh khách du lịch hay người dân địa phương diện trang phục bản xứ đi lại trên đường phố Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ và cả ở Việt Nam.
Các nền tảng cung cấp thông tin và dịch vụ du lịch trực tuyến toàn cầu đều có chuyên mục riêng cho hoạt động “Trải nghiệm trang phục bản địa”, nhiều địa danh hoặc loại trang phục có tới hàng triệu lượt khách sử dụng và đánh giá. Nhật Bản và Hàn Quốc là hai đất nước áp dụng sớm và đồng bộ chiến lược quảng bá văn hóa hiệu quả thông qua các sự kiện lễ hội, âm nhạc và phim ảnh, khiến trang phục truyền thống trở thành biểu tượng mạnh mẽ trong văn hóa đại chúng.
Một số điểm du lịch nổi tiếng hoặc di tích quốc gia ở Nhật Bản, Hàn Quốc có chính sách ưu đãi giá vé hoặc miễn phí vào cửa cho du khách mặc trang phục truyền thống, nhằm khuyến khích trải nghiệm văn hóa địa phương và làm cho không gian du lịch thêm sinh động, phong phú.
Những bức ảnh du khách trong trang phục truyền thống thường có sức lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội và kích thích mong muốn du lịch của người khác. Sự gia tăng này lại thúc đẩy phát triển dịch vụ ăn uống, lưu trú và mua sắm, từ đó tạo thêm việc làm cho người dân và doanh thu cho điểm du lịch.
Tại Việt Nam, Quần thể di tích Cố đô Huế (thành phố Huế) là một đơn vị tiên phong khuyến mãi hoặc miễn phí cho du khách mặc áo dài trong nhiều dịp lễ, Tết. Còn ở Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, dịch vụ trải nghiệm cổ phục Việt Nam đã chính thức được đưa vào hoạt động khoảng hai năm qua, nhận được sự quan tâm và yêu mến của du khách trong và ngoài nước.
Với những tín hiệu tích cực đó, rất có thể trong tương lai gần sẽ có thêm nhiều chính sách, hoạt động khuyến khích mặc cổ phục Việt tại các điểm du lịch, kết nối với các tour chụp ảnh, tour tham quan làng nghề truyền thống như ươm tơ, dệt lụa, thêu thủ công…
Trào lưu mặc và tìm hiểu cổ phục Việt đã thổi một làn gió tươi mới vào đời sống văn hóa nghệ thuật cũng như du lịch di sản tại Việt Nam thời gian qua. Và hơn hết, cổ phục giống như một “kho tàng” đầy tiềm năng chờ được khai phá để kể những câu chuyện về lịch sử, văn hóa Việt Nam.
Khi xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, việc khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc là yêu cầu quan trọng và cấp thiết.
NDO
Nguồn: https://baohanam.com.vn/van-hoa/gin-giu-va-phat-huy-trang-phuc-co-viet-nam-145566.html