Tham dự chương trình gặp mặt là gần 300 người hiến máu nhóm máu hiếm và máu hòa hợp phenotype tiêu biểu, được lựa chọn theo nhiều tiêu chí, trong đó tối thiểu đã hiến trên 10 lần và hiến ít nhất 2 lần trong năm 2024.
Với chủ đề “Điểm hẹn yêu thương” và tiếp nối thành công của chuỗi chương trình đã được tổ chức vào các năm 2022 – 2023, sự kiện là nơi gặp gỡ, chia sẻ, nâng cao nhận thức, tôn vinh những người hiến máu nhóm máu hiếm, nhóm máu hòa hợp phenotype.
PGS.TS Trần Ngọc Quế – Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư cho biết, năm 2024, Viện đã tiếp nhận dự trù gần 240 đơn vị máu nhóm hiếm và 2.458 đơn vị máu hòa hợp phenotype từ các cơ sở điều trị. Lượng máu phù hợp dự trữ sẵn trong kho chỉ đáp ứng được khoảng 56%, số còn lại Viện phải tìm kiếm và huy động trực tiếp từ người hiến máu.
PGS.TS Trần Ngọc Quế cũng biểu dương, ghi nhận tấm lòng của những người hiến máu nhóm hiếm, hiến máu hòa hợp phenotype đã không quản đường xa (từ Nam Định, Hà Nam, Thái Bình…) đến hiến máu khi được Viện mời gọi. Nhiều người dù bận công việc, bộn bề lo toan hay giữ các vị trí quan trọng tại các cơ quan, đơn vị vẫn luôn sắp xếp thời gian đến hiến máu khi có bệnh nhân cần. “Chính sự nhiệt huyết, luôn sẵn sàng đồng hành đó đã giúp chúng tôi đảm bảo được nguồn máu vô cùng đặc biệt này” – PGS.TS Trần Ngọc Quế chia sẻ.
Tại Việt Nam, một trong những nhóm máu hiếm hay nhắc đến là Rh(D) âm vì chỉ chiếm dưới 0,1% dân số. Trong khi đó, tỷ lệ nhóm máu Rh(D) âm trong cộng đồng ở châu Âu hay nhiều nước lại không phải là hiếm, vì có thể chiếm tới 15 – 40% dân số.
Tính đến tháng 10/2024, Hội Truyền máu quốc tế công nhận có tới 47 hệ nhóm máu hồng cầu với 366 kháng nguyên nhóm máu khác nhau. Trong đó, hệ nhóm máu ABO và hệ nhóm máu Rh là quan trọng nhất trong thực hành truyền máu.
Theo PGS.TS Trần Ngọc Quế, nhiều năm nay, nhờ nguồn kinh phí của một số chương trình, dự án, Viện đã tiến hành xét nghiệm, xác định các kháng nguyên nhóm máu ngoài hệ ABO và Rh cho một số người hiến máu tình nguyện thường xuyên.
Danh sách những người có nhóm máu hiếm Rh(D) âm hay người hiến máu hòa hợp phenotype (đã được xác định một số kháng nguyên nhóm máu) đều được lưu trữ trên phần mềm của Viện. Nhờ đó, khi có những bệnh nhân cần, Viện có thể gọi người hiến máu phù hợp theo danh sách để kịp thời kêu gọi hiến máu, điều trị cho người bệnh.
Theo TS Nguyễn Thị Thu Hà – Giám đốc Trung tâm Thalassemia, Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư, hiện nay Trung tâm quản lý, điều trị khoảng 3.000 bệnh nhân thalassemia.
Đến nay, 30% người bệnh thalassemia đã được truyền máu hòa hợp phenotype. Việc được truyền máu hòa hợp phenotype giúp người bệnh hạn chế đến mức thấp nhất các tai biến truyền máu do bất đồng nhóm máu hồng cầu giữa người cho và người nhận.
Tại chương trình, Ban Tổ chức đã trao khen thưởng cho các cá nhân hiến nhóm máu hiếm, nhóm máu hòa hợp phenotype có thành tích tiêu biểu trong năm 2024.