Theo Cục Thống kê, mặc dù mặt bằng giá cả trong 6 tháng đầu năm 2023 cơ bản được kiểm soát tốt, tuy nhiên trong những tháng tiếp theo áp lực tăng giá có thể bị tác động bởi nhiều yếu tố như tăng lương cơ sở từ 1/7, giá nhiên liệu biến động tăng theo giá dầu thế giới, nhu cầu sử dụng điện tăng, giá dịch vụ y tế, giáo dục tăng theo lộ trình….
Trong 6 tháng qua, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh vẫn cơ bản được kiểm soát. Nhờ sự ổn định về giá cả nên áp lực đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân đã giảm đáng kể. Bên cạnh đó, tình hình lạm phát trên thế giới khiến nhu cầu tiêu dùng giảm cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá cả hàng hóa không tăng cao.
Báo cáo của Cục Thống kê tỉnh cho biết: Sáu tháng đầu năm, giá nước sinh hoạt điều chỉnh tăng 26,72%; giá sắt, thép, vật liệu xây dựng tăng khiến giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 10,94% và giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 19,12%; cùng với đó nhu cầu ăn uống ngoài gia đình, du lịch, nghỉ mát… tăng cao sau khi dịch Covid-19 hoàn toàn được kiểm soát là những nguyên nhân chính làm tăng CPI.
Bình quân 6 tháng đầu năm 2023 chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,59% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có 09/11 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng, gồm: Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 4,64%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 4,26%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,24%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 3,70%; đồ uống và thuốc lá tăng 3,40%; giáo dục tăng 3,26%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,55%; văn hoá, giải trí và du lịch tăng 2,00%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,06%.
Có 02/11 nhóm hàng hóa có chỉ số giá giảm là Bưu chính viễn thông và Giao thông.
Bình quân quý II năm 2023 so với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,04%, chỉ số giá vàng tăng 2,03%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 1,88%. So với mức tăng bình quân CPI của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2023, mức tăng CPI của Hà Nam thấp hơn 0,7%.
Giang Nam