Thực hiện dân chủ ở cơ sở là phương thức phát huy quyền làm chủ của nhân dân, để công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Quán triệt tinh thần đó, năm 2024, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội (CT-XH) tỉnh tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở; kịp thời quán triệt, triển khai thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, nhận thức, trách nhiệm về xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân được nâng lên.
Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở được triển khai toàn diện trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, công tác quản lý, điều hành của chính quyền gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh. Vai trò của MTTQ, các tổ chức CT-XH trong công tác giám sát và phản biện xã hội được phát huy, góp phần chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có chuyển biến tích cực, góp phần phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH), nâng cao đời sống nhân dân.
Bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở còn có một số hạn chế. Đó là việc quán triệt, triển khai thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và một số văn bản chỉ đạo về thực hiện dân chủ ở cơ sở ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp còn chưa kịp thời, thường xuyên. Việc ban hành văn bản cụ thể hóa việc thực hiện dân chủ ở cơ sở của một số địa phương còn chậm. Việc công khai một số nội dung liên quan đến công tác đầu tư công, quy hoạch, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án ở một số địa phương còn hình thức, chưa đầy đủ. Việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo có vụ việc còn chậm, chưa dứt điểm; việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri có việc còn kéo dài. Việc thành lập tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh tỷ lệ còn thấp. Việc sửa đổi, bổ sung các nội quy, quy định trong doanh nghiệp chưa kịp thời so với những thay đổi của pháp luật…
Để việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh ngày càng thực chất, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao đời sống của nhân dân, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức CT-XH tiếp tục quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về nội dung quan trọng này, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn, tập trung chỉ đạo việc thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với việc tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.
Các cấp chính quyền tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành luật; chú trọng công khai, dân chủ, minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tăng cường trao đổi, đối thoại trực tiếp, chủ động nắm bắt tình hình nhân dân, chú trọng lắng nghe ý kiến nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách và các nhiệm vụ phát triển KT-XH để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Thực hiện nghiêm việc tiếp dân, giải quyết đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định. Tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ, các tổ chức CT-XH thực hiện tốt công tác giám sát và phản biện xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” cấp huyện, cấp xã; đồng thời triển khai thực hiện mô hình “Công sở thân thiện vì nhân dân phục vụ”.
Hà Nam
Nguồn: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/xay-dung-dang-chinh-quyen/day-manh-thuc-hien-dan-chu-o-co-so-142671.html