Ứng dụng công nghệ nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số gần đây được đặc biệt quan tâm, thúc đẩy ở hầu hết cấp, ngành, lĩnh vực của đời sống, xã hội. Làm việc trong các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các đồng chí trong thường vụ, thường trực,… đòi hỏi cán bộ, công chức khối các cơ quan Đảng phải nắm bắt, sử dụng hiệu quả các phần mềm bảo đảm hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Ứng dụng công nghệ nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số gần đây được đặc biệt quan tâm, thúc đẩy ở hầu hết cấp, ngành, lĩnh vực của đời sống, xã hội. Làm việc trong các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các đồng chí trong thường vụ, thường trực,… đòi hỏi cán bộ, công chức khối các cơ quan Đảng phải nắm bắt, sử dụng hiệu quả các phần mềm bảo đảm hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.Qua việc ứng dụng phương tiện, công nghệ hiện đại qua việc khai thác ứng dụng của các nền tảng mạng xã hội, trang thông tin trên môi trường internet… vào hoạt động truyền thông, tuyên truyền, giáo dục giúp người tiếp nhận có thể chủ động tiếp cận nguồn thông tin, tri thức, dễ dàng đối chiếu, so sánh; góp phần đa dạng hóa cách thức truyền tải, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục LLCT đối với cán bộ, đảng viên, nhân dân.
Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của chuyển đổi số trong công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác giáo dục LLCT nói riêng, thực hiện Quyết định 27, ngày 10/8/2021 của Ban Bí thư về Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Đảng giai đoạn 2021 – 2025, thời gian qua, các cấp, ngành trong tỉnh đã quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác giáo dục LLCT.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 18, ngày 6/4/2018 về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác học tập, quán triệt, triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng trong tình hình mới”; Nghị quyết 04, ngày 6/3/2021 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư tưởng trong tình hình mới”. Bám sát chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Đề án 06 Chính phủ về vấn đề Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Tỉnh ủy Hà Nam ban hành Nghị quyết 24, ngày 25/4/2022 về “Chuyển đổi số tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và đạt được một số kết quả nổi bật.
Theo đó, đã phát triển hạ tầng số, hệ thống mạng, trung tâm dữ liệu, máy chủ, đường truyền phục vụ chuyển đổi số của các cơ quan Đảng vận hành chung với hạ tầng số của các cơ quan Nhà nước, sử dụng triệt để hệ thống tập trung, tránh trùng lặp. Đồng thời, tăng cường phương thức họp trực tuyến, sử dụng chung phòng họp trực tuyến với cơ quan nhà nước; triển khai hệ thống chứng thực chữ ký số trong cơ quan Đảng. Toàn tỉnh hiện đã đầu tư hơn 200 phòng họp trực tuyến; trong đó 100% xã, phường, thị trấn đều có phòng họp trực tuyến.
Phát huy tính năng, tiện ích của phòng họp trực tuyến, việc triển khai học tập nghị quyết, chỉ thị của Đảng được đổi mới rõ nét về hình thức, phương pháp truyền đạt, đáp ứng yêu cầu, mục đích, nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tiễn. Căn cứ yêu cầu, nội dung của từng văn bản, cấp ủy các cấp có nhiều lựa chọn hình thức tổ chức quán triệt, học tập phù hợp, tăng cường hình thức học trực tuyến. Các hội nghị do Trung ương và tỉnh tổ chức bằng hình thức trực tuyến được kết nối đến điểm cầu cấp huyện, cấp cơ sở; được phát trực tiếp qua sóng Đài Phát thanh và Truyền hình hoặc kết hợp trực tiếp với trực tuyến. Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy hình thức quán triệt trực tiếp tại hội nghị do báo cáo viên trực tiếp truyền đạt.
Những năm gần đây, Trường Chính trị tỉnh, các trung tâm chính trị cấp huyện cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, giảng dạy LLCT. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành hướng dẫn việc giảng dạy, học tập tại trung tâm chính trị, trong đó quy định rõ: giảng viên chuyên trách bắt buộc phải xây dựng giáo án điện tử, sử dụng máy chiếu; giảng viên kiêm chức khuyến khích việc xây dựng giáo án điện tử, sử dụng máy chiếu, bảo đảm phù hợp với xu thế của thời kỳ cách mạng 4.0 và trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục LLCT trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đảng viên, tổ chức đảng được kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan Nhà nước; việc triển khai hệ thống quản lý văn bản điều hành đến các ban, cơ quan đảng, đảng ủy trực thuộc trên cơ sở mở rộng chức năng hệ thống quản lý văn bản điều hành của tổ chức đảng và sẵn sàng kết nối, liên thông với hệ thống quản lý điều hành của cơ quan đảng từ trung ương đến địa phương và từ các cấp ủy đến đảng viên… tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ giảng viên trong việc khai thác những thông tin, dữ liệu phục cho ứng dụng chuyển đổi số trong công tác gáo dục LLCT.
Tuy vậy, quá trình ứng dụng chuyển đổi số trong công tác giáo dục LLCT trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Trong đó, các địa phương, đơn vị tuy đã có sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, hoạt động chuyên môn, nhưng hạ tầng mạng và trang thiết bị công nghệ thông tin vẫn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng các yêu cầu của công tác chuyển đổi số; việc bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, đảng viên chưa thực hiện đồng bộ, quyết liệt; các lớp đào tạo, tập huấn về cơ bản còn chung chung, chưa chuyên sâu, thời gian đào tạo ngắn… nên chưa thật sự hiệu quả.
Do đó, để tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác giáo dục LLCT, trước mắt, các cấp, ngành, địa phương cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ số cho đội ngũ làm công tác giáo dục LLCT; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người làm công tác giáo dục LLCT phát huy năng lực sáng tạo, linh hoạt trong xây dựng đề cương, bài giảng có nội dung, hình thức hấp dẫn, tận dụng tối đa phương pháp giảng dạy tích cực gắn với công nghệ như: phương pháp lớp học đảo ngược, trò chơi truyền hình… nhằm tạo hứng thú đối với người học, bảo đảm sự tương tác giữa giảng viên và học viên.
Cùng với đó, quan tâm nâng cấp hạ tầng mạng, thiết bị công nghệ thông qua ưu tiên sử dụng hình thức thuê dịch vụ; huy động nguồn lực xã hội, đảm bảo phục vụ tốt công tác giáo dục LLCT. Với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng LLCT, cần coi đổi mới phương pháp giảng dạy LLCT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, vừa là yêu cầu bắt buộc, vừa là tiêu chí để đánh giá năng lực, hiệu quả giảng dạy của giảng viên, để từ đó chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn phù hợp, giúp đội ngũ giảng viên tiếp cận những phương pháp giảng dạy tiên tiến, hiện đại. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục LLCT qua các cuộc thi trực tuyến do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia. Qua đó, góp phần nâng cao khả năng thích ứng với việc xử lý thông tin trên các nền tảng số; rèn luyện kỹ năng tương tác cho cán bộ, đảng viên, nhân dân trong quá trình tham gia vào xã hội số, kinh tế số, công dân số…
Nguyễn Đình Kiểm (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
Nguồn: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/xay-dung-dang-chinh-quyen/day-manh-chuyen-doi-so-trong-cong-tac-giao-duc-ly-luan-chinh-tri-136101.html