Sau 21 năm kể từ khi khu công nghiệp (KCN) đầu tiên hình thành và đi vào hoạt động, đến nay, Hà Nam đã có 16 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch với tổng diện tích trên 4.600 ha. Thời điểm này, 8 KCN của tỉnh đã đi vào hoạt động với diện tích trên 2.500 ha, thu hút trên 600 dự án đầu tư. Các KCN của tỉnh cơ bản được đánh giá cao về chất lượng hạ tầng, dịch vụ, có vị trí địa lý, giao thông thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp. Với tốc độ tăng trưởng nhanh, trong suốt nhiều năm qua, hoạt động sản xuất công nghiệp tại các KCN luôn là điểm sáng trong “bức tranh” kinh tế của tỉnh.
Hệ thống hạ tầng KCN được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại
Xác định vai trò quan trọng của các KCN trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tỉnh đã sớm tập trung nguồn lực để đầu tư, phát triển KCN. Theo đó, năm 2003, KCN Đồng Văn I – KCN đầu tiên của Hà Nam được thành lập, đánh dấu bước khởi đầu cho sự phát triển của các KCN trên địa bàn. Với việc ban hành nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư cùng với những lợi thế về giao thông, vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực cùng sự nỗ lực của tỉnh trong cải cách thủ tục hành chính, sự năng động trong công tác xúc tiến đầu tư, Hà Nam đã nhanh chóng bước vào giai đoạn phát triển KCN một cách mạnh mẽ. Hàng loạt KCN được thành lập, thu hút đông đảo các nhà đầu tư là những doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Đến nay, Hà Nam đã có 8 KCN đi vào hoạt động với diện tích trên 2.500 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy trên 82%. Nhiều KCN đã đạt tỷ lệ lấp đầy gần 100% diện tích: như KCN Đồng Văn I (phần diện tích cũ trên 221 ha); KCN Đồng Văn II; KCN Đồng Văn IV; KCN Châu Sơn; KCN Hòa Mạc.
Để tạo quỹ đất sạch thu hút các nhà đầu tư, hạ tầng các KCN vẫn đang được triển khai, từng bước hoàn thiện. Như tại KCN Đồng Văn I, phần diện tích mở rộng trên 149 ha phía Đông Bắc nút giao Vực Vòng, chủ đầu tư đã cơ bản thực hiện xong giải phóng mặt bằng, đầu tư đồng bộ hạ tầng khu A và đang tiến hành đầu tư hạ tầng khu B, với tỷ lệ lấp đầy đạt xấp xỉ 66%. Đối với phần diện tích mở rộng 223 ha ở vị trí phía Đông đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, KCN Đồng Văn III hiện cũng đã cơ bản hoàn tất việc giải phóng mặt bằng để thực hiện đầu tư hạ tầng. Còn tại KCN Thái Hà (Lý Nhân), giai đoạn I với diện tích 100 ha đã được đầu tư đồng bộ hạ tầng; giai đoạn II với diện tích 100 ha đã cơ bản giải phóng xong mặt bằng và đang tiến hành đầu tư hạ tầng trên phần diện tích 74 ha đất, với tỷ lệ lấp đầy của cả 2 giai đoạn đạt gần 50%…
Ngoài các KCN đã đi vào hoạt động, hiện Hà Nam còn có 4 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp nhận nhà đầu tư, gồm KCN Đồng Văn V, KCN Đồng Văn VI, KCN Kim Bảng I, KCN Thanh Bình II với tổng diện tích trên 900 ha. Ông Lưu Trần Sơn, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh khẳng định: Hạ tầng KCN được đầu tư mở rộng, hoàn thiện đã tăng sức hút đối với các nhà đầu tư. Thực hiện 10 cam kết “vàng” của tỉnh đối với nhà đầu tư, thời gian qua, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã chỉ đạo đơn vị kinh doanh hạ tầng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong KCN thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Đến nay, dịch vụ phục vụ doanh nghiệp trong các KCN cơ bản đồng bộ, bao gồm hệ thống đường giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước, trạm xử lý nước thải tập trung, hệ thống chiếu sáng, hệ thống cấp nước kết hợp phòng cháy chữa cháy, sân tập thể thao, hệ thống cây xanh, hệ thống phòng cháy chữa cháy…
Với sự phát triển mở rộng của các KCN, Hà Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp đạt cao, nằm trong tốp các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI, tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn.
Khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội
Bằng chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, các KCN đã thu hút được nhiều dự án lớn từ các quốc gia có nền công nghiệp phát triển và những tập đoàn kinh tế lớn hàng đầu thế giới như: Tập đoàn Seoul (Hàn Quốc); Tập đoàn Sumi, Tập đoàn YKK (Nhật Bản); Tập đoàn Wistron, Tập đoàn Qisda (Đài Loan, Trung Quốc); Tập đoàn Gentherm (Mỹ)… Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, các nhà đầu tư “rót” vốn mạnh vào các KCN của Hà Nam. Tính từ đầu năm 2024 đến ngày 15/12/2024, các KCN của tỉnh thu hút 67 dự án đầu tư mới, nâng tổng số dự án đầu tư tại các KCN lên 629 dự án, bao gồm 371 dự án FDI và 258 dự án trong nước, với tổng vốn đầu tư là gần 6,4 tỷ USD và gần 52.500 tỷ đồng. Hầu hết các dự án thu hút vào KCN thuộc lĩnh vực điện tử, viễn thông và công nghiệp hỗ trợ cho các ngành này.
Thực tế hoạt động của doanh nghiệp trong các KCN những năm qua cho thấy, Hà Nam không thu hút một cách ồ ạt mà chọn lựa các nhà đầu tư có năng lực, hàm lượng công nghệ cao, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư mới, trong đó đặc biệt ưu tiên các dự án công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo (hiện chiếm trên 80% trong tổng số dự án đang đầu tư trong các KCN của tỉnh). Các dự án công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo có hàm lượng công nghệ cao đã và đang có những đóng góp tích cực, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Điển hình như Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam; Công ty TNHH YKK Việt Nam (KCN Đồng Văn III, Duy Tiên); Công ty TNHH Seoul semiconductor Vina (KCN Đồng Văn I, Duy Tiên); Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam (KCN Châu Sơn, thành phố Phủ Lý)… Trong quá trình đầu tư, các doanh nghiệp này đều có sự tăng trưởng mạnh về doanh thu, sản lượng tiêu thụ với mức tăng từ 15%/năm và liên tục có sự mở rộng về quy mô hoạt động.
Ông Tsai, Shang – Jan, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Wistron Infocomm (Việt Nam) tại KCN Đồng Văn III (Duy Tiên) cho biết: Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm điện tử với các mặt hàng chính là máy tính xách tay, máy tính để bàn, màn hình, bàn phím, webcam, trạm nối dùng trong máy tính, trong quá trình đầu tư tại Hà Nam, Wistron Infocomm đã nhận được sự quan tâm, đồng hành của các cấp chính quyền, các ngành chức năng, nhất là Ban Quản lý các KCN tỉnh. Nhờ đó, ngay sau khi đi vào hoạt động (năm 2022), Wistron Infocomm đã nhanh chóng tăng tốc phát triển với lượng lao động tăng từ 300 người lên trên 3.000 người. Doanh thu năm 2024 ước tăng 8 lần so với năm đầu hoạt động. Giai đoạn 2 của nhà máy đi vào sản xuất đầu năm 2025, công ty sẽ cần thêm khoảng 1.000 lao động và trong tương lai, Wistron Infocomm có kế hoạch sẽ tăng quy mô hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 20.000 lao động.
Với sự quan tâm, đồng hành của tỉnh, cùng sự chủ động, linh hoạt, nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp, năm 2024 trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và trong nước, hoạt động sản xuất tại các KCN của tỉnh vẫn đạt những kết quả tích cực. Giá trị sản xuất công nghiệp trong các KCN ước đạt 202.500 tỷ đồng (bằng 106,86% chỉ tiêu kế hoạch năm); giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 8,05 tỷ USD (bằng 116,15% chỉ tiêu kế hoạch năm). Các doanh nghiệp trong KCN nộp ngân sách nhà nước ước đạt 5.500 tỷ đồng (tăng trên 5,7% so với năm 2023).
Hà Nam đã và đang là điểm đến đầu tư lý tưởng thu hút vốn FDI với điểm nhấn là hệ thống các KCN liên hoàn, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu về mặt bằng, hạ tầng, dịch vụ của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đóng góp khoảng 80% giá trị sản xuất công nghiệp trong toàn tỉnh và đạt mức tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân trên 15%/năm trong những năm gần đây, các KCN đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, góp phần đưa Hà Nam trở thành tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh và bền vững.
Nguyễn Oanh
Nguồn: https://baohanam.com.vn/kinh-te/cong-nghiep/dau-an-sau-21-nam-hinh-thanh-phat-trien-cac-khu-cong-nghiep-142754.html