“Ta bỗng thấy tắm mình trong ánh sáng/Đảng nâng ta lên tầm cao của Đảng” – hai câu thơ trong bài Ngọn bút này của nhà thơ Hoàng Trung Thông. Mỗi thời kỳ lịch sử, trước mỗi bước ngoặt của cách mạng, tầm cao ấy lại như được nâng lên, được mở rộng ở chiều kích mới để đáp ứng vai trò, nhiệm vụ lãnh đạo toàn dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì đất nước hùng cường.
Tầm cao ấy là tầm cao đạo đức, văn minh. Vào dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng ta (3/2/1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao”, “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Tháng 2/2025, Đảng Cộng sản Việt Nam tròn 95 tuổi, tầm cao ấy vẫn không ngừng được bồi đắp, được nâng cao trong một thế giới phát triển, hiện đại. Chúng ta càng thấy rõ những tổng kết, chỉ dẫn quý báu của Bác Hồ – người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam – luôn có giá trị dân tộc và thời đại sâu sắc, nóng hổi tính thời sự, cả về lý luận và thực tiễn.
Những phạm trù đạo đức, văn minh đã nhiều lần được đề cập trong các bài nghiên cứu mang tính học thuật, được phân tích sâu sắc với những dẫn chứng sinh động trong thực tiễn. Những dẫn chứng ấy là biểu hiện chân thực qua các thời kỳ cách mạng, từ khi Đảng ta mới ra đời, lãnh đạo các cuộc kháng chiến cứu nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là công cuộc đổi mới đất nước 40 năm qua. Trong bài này, chúng tôi chỉ xin nói đến những sự kiện, vấn đề mới nhất, đang tiến hành và tiếp tục phấn đấu để hoàn thành thật tốt. Đó cũng là “những điều Bác mong” lúc sinh thời.
Sinh thời, Bác luôn căn dặn cán bộ, đảng viên phải giữ gìn đạo đức, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Nội dung tư tưởng đạo đức cách mạng tập trung, nổi bật ở luận điểm: “Đạo đức là cái gốc của người cách mạng”. Vào dịp mừng Đảng ta 39 mùa Xuân, ngày 3/2/1969, Bác đã viết bài đăng trên Báo Nhân Dân: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Còn đối với mỗi tổ chức Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc: Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Ngoài lợi ích của dân tộc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Trước lúc về cõi vĩnh hằng, Người viết trong Di chúc: “Việc cần phải làm trước tiên là phải chỉnh đốn lại Đảng”. Như vậy, từ rất sớm Người rất quan tâm giáo dục cán bộ, đảng viên phải giữ gìn phẩm chất đạo đức, có đức mà không có tài như ông Bụt ngồi trong chùa, chẳng giúp ích gì được ai, có tài mà không có đức là vô dụng.
Trong những năm qua, Đảng ta đã kiên trì đổi mới, chỉnh đốn Đảng nhằm nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng. Văn kiện Đại hội XIII bổ sung thêm một luận điểm mới – “xây dựng Đảng về đạo đức, tổ chức, cán bộ”. Đại hội XI, XII, XIII đều ban hành nghị quyết, kết luận về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó trọng tâm là chống tham nhũng, tiêu cực. Đến Hội nghị Trung ương 10 (Khóa XIII) bổ sung thêm nhiệm vụ chống lãng phí. Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng: “Lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển… Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế-xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước”.
“Lò lửa” đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực luôn nóng rực, góp phần răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo sự suy thoái về đạo đức, lối sống. Và không chỉ răn đe, giơ cao đánh khẽ, Trung ương đã kiên quyết xử lý những cán bộ hư hỏng, giữ cho kỷ luật Đảng nghiêm minh, đồng thời nghiêm trị trước pháp luật những đối tượng tham nhũng, ăn hối lộ, kéo bè kéo cánh để thao túng kinh tế, thao túng bộ máy tổ chức cán bộ. Phương châm xử lý ngày càng rõ hơn, cụ thể hơn, quyết liệt hơn: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực. Lần đầu tiên Đảng ta xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với cán bộ chủ chốt trong Bộ Chính trị. Hàng trăm cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý bị cảnh cáo, cách chức, khai trừ Đảng, bị xử lý trước pháp luật.
Đó là tuyên bố không khoan nhượng với cái xấu, là “dấu hiệu của một Đảng mạnh”. Cuộc đấu tranh kiên trì, quyết liệt đã đem lại niềm tin cho cả hệ thống chính trị, cho toàn dân, bỏ đi những tấm gương mờ, sáng lên tấm gương trong đạo đức.
Bây giờ xin được nói tới phạm trù văn minh. Văn minh, theo nghĩa rộng, là tổng hòa các giá trị sáng tạo của nhân loại, bao gồm văn minh vật chất, văn minh tinh thần, văn minh chính trị, văn minh xã hội… Theo tinh thần ấy, nhằm tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng, Đảng ta đã đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong kỳ mới; đổi mới cách ra nghị quyết, tổ chức và thực hiện nghị quyết. Bám sát tình hình trong nước, tình hình quốc tế, kịp thời ban hành các nghị quyết lãnh đạo, đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn. “Đưa nghị quyết vào cuộc sống” và “Đưa cuộc sống vào nghị quyết” là hai mặt của một vấn đề. Nhiều vấn đề nóng trong thực tế đã sớm được tổng kết, phân tích, bàn thảo dân chủ, thẳng thắn, rút ra những bài học kinh nghiệm, từ đó hoạch định chủ trương, chính sách sát đúng, phù hợp.
Sinh thời, Bác luôn căn dặn cán bộ, đảng viên phải giữ gìn đạo đức, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Nội dung tư tưởng đạo đức cách mạng tập trung, nổi bật ở luận điểm: “Đạo đức là cái gốc của người cách mạng”. Vào dịp mừng Đảng ta 39 mùa Xuân, ngày 3/2/1969, Bác đã viết bài đăng trên Báo Nhân Dân: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Còn đối với mỗi tổ chức Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc: Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Ngoài lợi ích của dân tộc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Trước lúc về cõi vĩnh hằng, Người viết trong Di chúc: “Việc cần phải làm trước tiên là phải chỉnh đốn lại Đảng”. Như vậy, từ rất sớm Người rất quan tâm giáo dục cán bộ, đảng viên phải giữ gìn phẩm chất đạo đức, có đức mà không có tài như ông Bụt ngồi trong chùa, chẳng giúp ích gì được ai, có tài mà không có đức là vô dụng.
Đó là văn minh trong thời kỳ kinh tế số, xã hội số, thời kỳ khoa học công nghệ phát triển nhanh như vũ bão. Ai chậm châm là lỡ tàu. Nhưng thời chiến tranh, thời đất nước còn nghèo thì lỡ một chuyến tàu có thể thiệt hại chưa lớn về kinh tế. Còn thời nay, “con tàu” ấy là con tàu ra biển lớn, hội nhập quốc tế. Con tàu ấy có thể là một nhịp phát triển trong hành trình đi lên của đất nước trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, bắt đầu từ Đại hội XIV của Đảng.
Vươn tới cái lớn lao của loài người là điều chúng ta luôn hướng tới, luôn tin tưởng với niềm lạc quan cách mạng và trí tuệ của đội ngũ tiên phong, nòng cốt là các nhà trí thức. Từ năm 2019, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 52-NQ/TW “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Nghị quyết khẳng định mục tiêu tổng quát của đất nước ta trong những năm tới là: Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.
Một Nghị quyết mới nhất của Bộ Chính trị vừa ban hành trong tháng 12/2024 – Nghị quyết số 57-NQ/TW “Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”. Bộ Chính trị nhấn mạnh: Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Các nghị quyết mang tầm vóc quốc tế này được dư luận trong nước và bạn bè quốc tế quan tâm, đánh giá rất cao. Rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang đổi mới sáng tạo, đã ở chặng nước rút để bước vào một giai đoạn lịch sử quan trọng, tiến tới khoảng giữa thế kỷ 21, kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng, 100 năm Ngày nước Việt Nam mới ra đời. Một Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai cùng bè bạn trên thế giới, sánh vai cùng thời đại, cùng nhau chia sẻ tương lai. Khi ấy chúng ta lại nói với nhau về lời tiên tri của Bác Hồ – lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa thế giới: “Đảng ta là đạo đức là văn minh”. Muốn vậy phải đi nhanh và đi vững. Muốn đi xa phải đi cùng nhau. Bớt đi những ngập ngừng, do dự, vin cớ để trì hoãn. Thêm vào sự dũng cảm, tự tin. Cách tốt nhất để đoán định tương lai là kiến tạo tương lai. Các nhà canh tân đất nước Việt Nam trong thế kỷ 19 đã đi nhiều nước tiên tiến, giàu có trên thế giới để tìm đọc, thâu tóm “túi khôn” của họ. Nay các thế hệ cháu con tiếp tục cuộc hành trình kiên định và khôn ngoan ấy.
Chúng ta có may mắn, có hạnh phúc hơn khi đi tới-vươn mình trong thời kỳ thế giới phẳng bởi con người văn minh, bởi khoa học kỹ thuật đã đạt tới đỉnh cao trí tuệ. Rồi đây, những nền kinh tế tri thức, kinh tế xanh, chuỗi giá trị toàn cầu (Global Value Chain); những thuật ngữ về Big data (dữ liệu lớn), Cloud computing (điện toán đám mây), Logistics (khâu trung gian để đưa hàng hoá đến tay người tiêu dùng nhanh nhất), v.v.. sẽ không còn xa lạ, sẽ trở nên thân thiết với người Việt chúng ta.
Nhờ có sức mạnh từ truyền thống, từ sự gắn bó với nhân dân, nhờ ở tinh thần phấn đấu, hy sinh, ngày càng đạo đức, văn minh mà Đảng trở thành đội tiên phong của giai cấp công nhân, của toàn dân tộc, đảm nhận trách nhiệm cao quý “nâng ta lên tầm cao của Đảng”.
Hải Đường
Nguồn: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/xay-dung-dang-chinh-quyen/dang-nang-ta-len-tam-cao-cua-dang-145599.html