Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 180 cơ sở lưu trú, tập trung chủ yếu ở thành phố Phủ Lý và thị xã Duy Tiên. Những năm qua, hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của Hà Nam không ngừng được đầu tư, có quy mô với đẳng cấp quốc tế không chỉ phục vụ nhu cầu du khách nội địa và quốc tế mà còn có khả năng đăng cai tổ chức nhiều sự kiện lớn. Nhưng, trong thời gian qua, nhiều cơ sở lưu trú trên địa bàn có công suất sử dụng giường/phòng không cao, hoạt động kinh doanh của các cơ sở không thực sự sôi động…
Vị trí địa lý vừa là lợi thế vừa là hạn chế!
Hà Nam được gọi là cửa ngõ thủ đô Hà Nội – thành phố du lịch nổi tiếng, hấp dẫn du khách ít nơi nào bằng. Nhưng gần Hà Nội vừa là lợi thế, cũng lại là hạn chế nếu Hà Nam không có những sản phẩm hấp dẫn, cơ sở hạ tầng đủ cung ứng, du khách có thể chỉ đi tour trong ngày rồi qua địa phương khác.
Theo ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ VHTT và DL: “Hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của Hà Nam không ngừng được đầu tư có quy mô với đẳng cấp quốc tế, như khu du lịch Tam Chúc; 12 khu, điểm du lịch trên địa bàn đã được công nhận, sân golf Kim Bảng, sân golf Tượng Lĩnh và nhiều điểm tham quan, du lịch đang được đưa vào đầu tư khai thác; cùng với hệ thống hơn 200 cơ sở lưu trú và các nhà hàng, khu mua sắm phong phú… không chỉ đáp ứng nhu cầu của du khách nội địa và quốc tế mà còn có khả năng đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế có quy mô lớn…
Sản phẩm dịch vụ du lịch Hà Nam đã và đang ngày càng được cải thiện về mặt chất lượng, đa dạng, phong phú với nhiều dòng sản phẩm mới hấp dẫn, độc đáo như du lịch văn hóa – tâm linh, du lịch MICE, du lịch golf… thu hút du khách trong và ngoài nước.” Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nam ước đạt trên 3,4 triệu lượt người, trong đó có 78.000 lượt khách quốc tế. So với cùng kỳ năm 2022, lượng khách đến Hà Nam tăng gần gấp đôi, doanh thu du lịch đạt trên 2.700 tỷ đồng, tăng trên 200% . Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt trên 1.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tình hình hoạt động du lịch ở Hà Nam dường như chỉ sôi động trong 6 tháng đầu năm. Bởi, bắt đầu từ tháng 7 trở đi, các cơ sở lưu trú trên địa bàn thực sự trở nên vắng vẻ. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống trên địa bàn tỉnh trong tháng 7 chỉ đạt trên 237 tỷ đồng, tháng 8 đạt hơn 234 tỷ đồng. Điều nhìn thấy rất rõ là lượng khách qua đêm ở các cơ sở lưu trú trên địa bàn không nhiều.
Theo phòng Nghiệp vụ Du lịch, Sở VH,TT và DL Hà Nam, công suất phòng được sử dụng ở các cơ sở lưu trú thời gian qua bình quân không đạt được 50%. Ngay trong thời gian nghỉ lễ 2/9 vừa rồi, công suất phòng chỉ đạt từ 50-60%. Ông Hoàng Minh Tân, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nam chia sẻ: Nếu thời điểm này, Hà Nội là nơi hấp dẫn khách du lịch vì mùa thu đến, phong cảnh ở đây rất cuốn hút. Hơn nữa, các dịch vụ du lịch của thủ đô vô cùng phong phú, đa dạng nên du khách lưu trú lại nhiều hơn. Còn với chúng ta, du khách chỉ dừng chân ăn uống hoặc thăm quan chớp nhoáng chứ chưa thực sự có nhu cầu ở lại lưu trú dài ngày. Nhiều đoàn khách đến rồi đi về Ninh Bình, hoặc đi sâu hơn để nghỉ dưỡng, trải nghiệm các sản phẩm du lịch khác ngoài du lịch tâm linh, văn hóa như Hà Nam.
Cần phát triển kinh tế du lịch đêm…
Là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch Việt Nam hiện nay, ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Vietravel chi nhánh Hà Nội từng chia sẻ: Một trong những điểm hạn chế, chưa làm du lịch Hà Nam phát triển chính là điều kiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ lưu trú. Ngoài ra, Hà Nam cần xây dựng những sản phẩm du lịch ấn tượng. Tỉnh cần xác định đâu là sản phẩm đặc thù, thể hiện nét riêng của du lịch địa phương và có sự đầu tư đúng mức để thực sự đưa trải nghiệm về sản phẩm đến với du khách. Khi nhắc đến du lịch Hà Nam, cần có một nhóm sản phẩm du lịch tạo ấn tượng mạnh mẽ và nổi bật trong nhận biết của du khách, đặc biệt là du khách quốc tế.”
Làm gì để du khách đến Hà Nam bị cuốn hút, hấp dẫn, “phải ở lại qua đêm”, ông Phạm Văn Bảy cho rằng: Hà Nam đã đến lúc phải quan tâm đến du lịch đêm. Ông nói: “Kinh tế du lịch đêm vẫn đang là bài toán đối với các tỉnh. Nhu cầu chi tiêu của du khách vào ban đêm chiếm khoảng 70% mức chi tiêu trong toàn bộ hành trình. Tuy nhiên các sản phẩm du lịch – dịch vụ này hầu hết chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.”
Theo các chuyên gia về du lịch, du lịch kinh tế đêm cần được tập trung ở 2 nhóm sản phẩm là nhóm sản phẩm gắn với vui chơi giải trí và nhóm sản phẩm gắn với các chương trình văn hóa nghệ thuật. Khi nhóm sản phẩm gắn liền với vui chơi giải trí đã và đang được khai thác thì nhóm thứ 2 là chương trình văn hóa nghệ thuật cần được đầu tư nhiều hơn để thực sự trở thành sản phẩm du lịch về đêm đặc thù. Hà Nam nên có các chương trình nghệ thuật, show diễn về đêm có chất lượng, và chiều sâu về văn hóa, vì văn hóa là linh hồn của các sản phẩm du lịch và là sự khác biệt mà du khách luôn hướng tới.
Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Vietravel chi nhánh Hà Nội, thành phố Phủ Lý đã có phố đi bộ, nhưng khách vãng lai chưa nhiều, chủ yếu là khách nội tỉnh. Cần kiên trì, và sẽ phải đầu tư thêm các yếu tố văn hóa – nghệ thuật, ẩm thực để thu hút, giữ chân du khách lưu đêm với thành phố, thay vì du khách sẽ phải tìm về Hà Nội hay Ninh Bình. Để bài toán du lịch Hà Nam thực sự có kết quả tốt hơn, bền vững, tỉnh cần có các chính sách riêng dành cho ngành du lịch liên quan đến đất đai, tài chính, điện, nước, linh hoạt trong các chính sách an ninh trật tự để hỗ trợ các hoạt động kinh tế về đêm.
Giang Nam