Powered by Techcity

Chu đáo, sẵn sàng cho hội làng tháng Giêng




“Tháng Giêng làng mở hội làng/Dập dềnh kiệu rước, xênh xang trống cờ/U thầy nhớ thuở còn tơ/Nụ cười thèn thẹn, chiếc ô ngập ngừng…” – tác giả Nguyễn Lãm Thắng.

Đã thành lệ, đầu xuân năm mới, nhiều làng quê ở khắp các địa phương trong tỉnh lại tưng bừng mở hội. Hội làng diễn ra vào đầu năm mới nhưng ngay từ những ngày tháng Chạp, các thôn đã náo nức những công việc chuẩn bị với mong muốn: Đón chào năm mới hội làng thực sự đem đến niềm vui, sự gắn kết cùng niềm tin và hy vọng tràn đầy vào những điều tốt đẹp sẽ đến…

Hội làng Nguyễn Trung (Liêm Phong, Thanh Liêm) diễn ra vào mùng 10 tháng Giêng hằng năm. Đình làng Nguyễn Trung thờ tướng quân Đinh Lôi, người con quê hương, vị tướng tài ba, góp công lớn trong cuộc khởi nghĩa chống giặc Lương thời Lý Bí. Biết ơn và ghi nhớ công lao to lớn của tướng quân với dân, với nước, khi ngài mất, dân làng Nguyễn Trung đã lập đền thờ và hằng năm giữ lệ mở hội vào đúng ngày sinh của ngài – mùng 10 tháng Giêng.


Thực hành nghi thức tế lễ nam trong hội làng dịp đầu xuân mới 2024 ở thôn Nội Kiếu (Đức Lý, Lý Nhân).

Bao năm qua, cứ Tết đến xuân sang, đúng mùng 10 tháng Giêng, dân làng Nguyễn Trung lại tưng bừng vào hội. Đón năm mới Ất Tỵ 2025 trong ngày hội làng Nguyễn Trung còn tổ chức khánh thành trùng tu đình làng. Đây là niềm vui lớn với người dân Nguyễn Trung bởi bao năm qua đình làng đã xuống cấp, nay được trùng tu, tôn tạo vững chắc nhưng vẫn giữ được hồn cốt và giá trị lịch sử của ngôi đình cũ. Trò chuyện với chúng tôi, ông Bùi Tiến Bộ, nguyên Bí thư Chi bộ thôn Nguyễn Trung cho biết: Để hội làng diễn ra tươi vui, phấn khởi nhưng vẫn bảo đảm trang trọng, đúng theo những lễ nghi đã quy định, công tác chuẩn bị được thôn triển khai từ sớm. Ngay từ những ngày đầu tháng Chạp, thôn đã tổ chức họp dân, thông qua dự kiến nội dung chương trình lễ hội. Ban tổ chức lễ hội cũng thống nhất phân công nhiệm vụ cụ thể: chi hội phụ nữ, chi đoàn thanh niên phụ trách nội dung văn nghệ và tổ chức các trò chơi; phần sắm lễ và thực hành nghi thức tế lễ do các cụ hội người cao tuổi đảm nhiệm… Đặc biệt, để lựa chọn đủ nam thanh, nữ tú tham gia đội rước kiệu trong ngày hội, ban tổ chức lập danh sách cụ thể, thông báo tới từng gia đình. Cháu nào không bố trí, sắp xếp được thời gian phải thông báo sớm để ban tổ chức có phương án sắp xếp, thay thế… Từ sau Chạp ông Công ông Táo (23 tháng Chạp), thôn vận động người dân tham gia dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm sạch sẽ; các cụ bô lão dọn dẹp trong khu đình làng, bao sái đồ thờ sạch sẽ, tinh tươm… Đình làng được treo cờ, trang trí rực rỡ… Nét độc đáo ở hội làng Nguyễn Trung đó là đến nay vẫn duy trì tục giao hiếu với thôn Hòa Ngãi (Thanh Hà, Thanh Liêm). Vào ngày hội làng, từ sớm, người dân Nguyễn Trung ăn mặc chỉnh tề, đẹp đẽ xếp hàng chào đón người dân làng Hòa Ngãi đến chung vui. Đặc biệt, để những người con xa quê sớm nắm rõ chương trình hội làng, ban tổ chức lễ hội đã sớm soạn thảo, gửi thư mời tới bà con Nguyễn Trung đang làm ăn sinh sống ở khắp mọi miền Tổ quốc về dự hội làng… Trong thư mời, bên cạnh thông tin về thời gian, địa điểm, nội dung, chương trình còn có những vần thơ mộc mạc, giản dị nhưng xúc động về Đức thánh Đinh Lôi, về  ngôi đình, hội làng và nghĩa tình quê hương: “Thuở xưa đánh đáo thả diều/Sân đình ghi dấu quê nghèo tuổi thơ/Một thời học chữ bi bô/Một thời thành cái sân kho của làng/Bức tường bạch mã phá toang/Tưởng chừng cả những… hội làng cũng thôi…/Đây rồi lại thắm tường vôi/Đình, đền tươi rói nhớ hồi trẻ con/Ngỡ đâu đây vẫn như còn/Ngày xưa bên tấm lòng son rộn ràng/Về bên nghĩa xóm tình làng/Tri ân quê mẹ nén nhang tâm thành/Bóng đa mát dưới trời xanh/Dâng hương Đức Thánh lòng thành thiên thu…”.

Không chỉ Nguyễn Trung, trong những ngày cận chạp, giáp Tết, nhiều làng quê ở các địa phương trong tỉnh cũng đang khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị cho ngày hội được tổ chức vào dịp đầu xuân năm mới. Nơi nơi, người dân tự giác tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm; đình làng trầm mặc, uy nghiêm cũng được trang trí cờ, hoa, cây cảnh… rực rỡ sắc xuân, sẵn sàng đón dân làng và du khách thập phương về dự hội. Các đội văn nghệ tranh thủ luyện tập để biểu diễn phục vụ nhân dân…

Đón chào năm mới, dự hội làng, mọi người đều cảm nhận được không khí tưng bừng, náo nhiệt, tươi vui, rộn ràng, phấn khởi; cảm nhận được sự gắn kết tình nghĩa làng xóm đậm đà, sâu nặng, thủy chung; thêm hiểu, thêm yêu, thêm tự hào về những giá trị văn hóa và truyền thống lịch sử mà các thế hệ cha ông để lại. Ngày hội làng đi tới đâu cũng gặp những nụ cười rạng rỡ, những gương mặt hân hoan, hồ hởi, phấn khởi. Đặc biệt, đầu xuân năm mới, vui trẩy hội nhưng mọi người đều không quên vào đình, đền thành kính dâng hương lễ Thánh nguyện cầu năm mới sức khỏe, bình an, làng xóm yên vui, nhà nhà hạnh phúc. 

Phạm Hiền





Nguồn: https://baohanam.com.vn/van-hoa/le-hoi/chu-dao-san-sang-cho-hoi-lang-thang-gieng-143230.html

Cùng chủ đề

Bức tranh đa sắc màu về người phụ nữ Việt Nam

Với những thước phim chân thực và cảm động, “Bà tôi, mẹ tôi, chị em tôi” đã chinh phục trái tim của khán giả và ban giám khảo, giúp bộ phim xuất sắc giành Giải A tại Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới 2024. Đây là một thành công xứng đáng cho những nỗ lực của đạo diễn Thuý Anh và ê-kíp làm phim của Trung tâm phim tài liệu, Đài truyền hình Việt Nam. Đạo diễn...

Cùng tác giả

Bức tranh đa sắc màu về người phụ nữ Việt Nam

Với những thước phim chân thực và cảm động, “Bà tôi, mẹ tôi, chị em tôi” đã chinh phục trái tim của khán giả và ban giám khảo, giúp bộ phim xuất sắc giành Giải A tại Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới 2024. Đây là một thành công xứng đáng cho những nỗ lực của đạo diễn Thuý Anh và ê-kíp làm phim của Trung tâm phim tài liệu, Đài truyền hình Việt Nam. Đạo diễn...

Cùng chuyên mục

Tin nổi bật

Tin mới nhất